Thu nhập của giáo viên có tăng khi áp dụng chính sách tiền lương mới?

GD&TĐ - Áp dụng chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024, sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Cô và trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG
Cô và trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG

Cơ cấu tiền lương mới gồm: 70% lương cơ bản, 30% các khoản phụ cấp và 10% tiền thưởng.

Cải thiện thu nhập

Theo cô Phan Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), từ ngày 1/7/2024, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là: Lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Lương giáo viên được tính theo công thức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có). Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.

“Với hơn 20 năm trong nghề, hiện lương và phụ cấp của tôi được khoảng 13 triệu đồng/tháng. Theo cách tính lương mới (sau ngày 1/7/2024), ước tính thu nhập của tôi chừng 14 triệu đồng/tháng”, cô Phan Thị Hải Yến chia sẻ và nhận thấy chính sách tiền lương mới sẽ có lợi cho giáo viên trẻ, mới vào nghề. Tuy nhiên, cô vẫn mong tiếp tục duy trì phụ cấp thâm niên. Phụ cấp này là nguồn động viên, ghi nhận cống hiến của các thầy, cô với sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Ghi nhận những ưu việt của chính sách tiền lương mới, thầy Tạ Minh Hiếu - giáo viên Toán, Trường THCS Yên Lạc (Vĩnh Phúc) tin tưởng, Nhà nước sẽ có tính toán để giáo viên không bị thiệt thòi khi thực hiện chính sách này. “Tôi được biết, Nhà nước yêu cầu, khi chuyển từ lương cũ sang lương mới sẽ không thấp hơn lương cũ. Bên cạnh đó, giáo viên vẫn giữ được phụ cấp và còn được bổ sung tiền thưởng. Vì vậy, tổng thu nhập của giáo viên sẽ tăng, không giảm”, thầy Tạ Minh Hiếu bày tỏ.

Theo quy định, từ ngày 1/7, Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương và áp dụng chính sách tiền lương mới. “Theo cách tính lương mới, chắc chắn thu nhập của tôi sẽ cao hơn hiện tại”, thầy Tạ Minh Hiếu cho biết, đồng thời nhìn nhận, việc tăng lương, có thu nhập xứng đáng sẽ là nguồn động viên giúp giáo viên yêu nghề và có động lực để cống hiến nhiều hơn. Hy vọng, với chính sách tiền lương mới sẽ là chất “xúc tác” để thu hút nhiều người giỏi vào ngành sư phạm.

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong giờ lên lớp. ẢNh: NTCC.

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong giờ lên lớp. ẢNh: NTCC.

Vẫn còn phụ cấp

Áp dụng chính sách tiền lương mới, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp, cô Châu Thanh Tuyền - giáo viên Trường Tiểu học A An Phú (Tịnh Biên, An Giang) khẳng định. Theo đó, từ ngày 1/7, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn chiếm 30% tổng quỹ lương. Tăng lương là mong mỏi bấy lâu của giáo viên, bởi thực tế cho thấy, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống. Do tiền lương thấp nên nhiều người phải nghỉ, chuyển việc hoặc làm thêm.

“Mong rằng, sau khi chính sách tiền lương mới được áp dụng, giáo viên có thể “sống được bằng nghề”, cô Châu Thanh Tuyền bộc bạch.

Mới đây, cử tri tỉnh Phú Thọ phản ánh, cải cách tiền lương lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản chiếm 70% và 30% gồm các khoản phụ cấp. Nhiều giáo viên băn khoăn khi đó sẽ không còn phụ cấp thâm niên. Cử tri mong Bộ Nội vụ quan tâm khi xây dựng quy định mới để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ về nội dung kiến nghị nêu trên, tại Công văn số 1005/BNV-TL ngày 27/02/2024, Bộ Nội vụ cho biết, Khoản 3 mục III Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (Nghị quyết 27) có nêu: “Thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”. Nghị quyết này cũng nêu, khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức)...

Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023 - 2024, Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; trong đó có chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi thực hiện cải cách tiền lương, lương của viên chức giáo dục sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Bởi chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT, cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với ngành này.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, Nghị quyết 27 nêu rõ các chính sách cải cách tiền lương lần này. Theo đó, có 6 vấn đề mới: Xây dựng hệ thống bảng lương theo vị trí, việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo; Quy định mức lương thấp nhất của khu vực công và mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp; Mở rộng quan hệ tiền lương; Cơ cấu lại giữa mức lương cơ bản 70%, phụ cấp 30% và thêm 10% để các cơ quan, đơn vị trực tiếp có chế độ thưởng…

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ