Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy học SGK lớp 1 ở các trường tiểu học bước đầu đáp ứng yêu cầu. Giáo viên bắt nhịp với phương pháp dạy học mới. Học sinh hứng thú và tự tin trong học tập.
Tuy vậy, thực tế dạy học cũng cho thấy quá trình tiếp cận SGK mới ở một số nơi còn khó khăn, đặc biệt các trường không có điều kiện dạy 2 buổi/ngày. Một số bản SGK vẫn còn tồn tại những lỗi nhỏ. Đặc biệt gần đây, một bộ phận phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều là chưa phù hợp. Trước ý kiến đóng góp của phụ huynh học sinh, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã kịp thời giao cho các đơn vị chuyên môn tiếp thu. Bộ cũng đã có văn bản đề nghị Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 phải rà soát, báo cáo về nội dung dư luận phản ánh. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định.
Biên soạn, thẩm định và đi đến xuất bản SGK là một quy trình làm việc hết sức khoa học, chặt chẽ, bởi liên quan đến việc dạy và học trong nhà trường, tác động tới tri thức, nhận thức, tư tưởng của hàng triệu học sinh. Mặc dù vậy, không phải sản phẩm nào cũng có thể hoàn hảo 100% khi đến tay người dùng, nhất là trong lần đầu tiên. Quá trình dạy học SGK mới ở các nhà trường cũng đồng thời là quá trình cập nhật và rút kinh nghiệm để mang đến sự hoàn thiện. Như tại TPHCM, Sở GD&ĐT đã khuyến khích giáo viên rút kinh nghiệm sau mỗi tiết, làm nhật ký giảng dạy để ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc hay khó khăn khi thực hiện SGK mới, từ đó đề xuất nhà trường, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT gửi ý kiến tổng hợp để báo cáo Bộ GD&ĐT và chuyển cho nhà xuất bản điều chỉnh lại cho phù hợp khi tái bản.
Dù cho xu hướng của ngành sẽ từng bước đa dạng hóa nguồn học liệu cho giáo viên, SGK chỉ còn là một trong những nguồn tham khảo để dạy học, Bộ GD&ĐT vẫn đặc biệt quan tâm đến chất lượng ấn phẩm này. Với tinh thần cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, cả từ phía phụ huynh, dư luận và nhà trường, chắc chắn tới đây những điểm chưa phù hợp, lỗi (nếu có) trong SGK lớp 1 mới sẽ được các cơ quan có thẩm quyền chỉnh lý kịp thời để có bản hoàn thiện.
Nhưng đổi mới giáo dục, nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, “chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ có sách tốt mà cần chú trọng hơn nữa đến công tác tập huấn giáo viên, và có những giải pháp phù hợp để phụ huynh cùng đồng hành với giáo viên triển khai tốt việc dạy và học theo chương trình mới”. Trên tinh thần này, song song với việc các cơ quan có thẩm quyền rà soát, hoàn thiện SGK, việc quan trọng hiện nay là các trường cần tìm hiểu, đánh giá đúng thực trạng khả năng tiếp thu của học sinh lớp 1 và tình hình triển khai tại trường mình; lắng nghe ý kiến phụ huynh, chủ động xây dựng/điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp, tạo điều kiện tiếp cận cho học sinh một cách nhẹ nhàng. Để làm tốt công tác này, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên, đẩy mạnh truyền thông đến phụ huynh, tạo sự đồng thuận, đồng hành vì sự nghiệp đổi mới giáo dục là những nhóm nhiệm vụ hết sức cần thiết.