Trường học vùng dịch chủ động bắt nhịp Chương trình - sách giáo khoa mới

GD&TĐ - Sau thời gian triển khai dạy – học online, học sinh tiểu học toàn TP Đà Nẵng đã đến trường, bắt đầu làm quen với môi trường học tập mới. Chương trình – sách giáo khoa lớp Một ở Đà Nẵng vì vậy cũng triển khai muộn hơn cả nước. Tuy nhiên qua ghi nhận, cô và trò, nhà trường đều chủ động bắt nhịp.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) hướng dẫn HS đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) hướng dẫn HS đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Làm quen môi trường mới

Tuần học thứ 3 sau khai giảng năm học 2021 – 2020, Lê Hà Uyên Chi (HS lớp Một, Trường Tiểu học Núi Thành, quận Hải Châu) mới đến trường học buổi đầu tiên sau 2 tuần học trực tuyến qua phần mềm Zoom. Từ ngày 21/9 cho đến hết tháng 9, Uyên Chi cũng như tất cả HS Tiểu học ở Đà Nẵng chỉ học 1 buổi/ngày để các trường tập trung rà soát các điều kiện tổ chức bán trú trong bối cảnh TP nới lỏng từng bước các quy định về giãn cách xã hội. Với khối Một, các trường học  bắt đầu triển khai lại nội dung của tuần làm quen theo thiết kế chương trình.

Uyên Chi được cô giáo hướng dẫn lại từ cách xếp hàng vào lớp, vị trí khu vệ sinh trong khuôn viên nhà trường cho đến cách đặt vở, phân biệt các loại vở bài tập của môn học, tư thế ngồi học, ký hiệu  hoạt động trong giờ học… Cô và trò Trường Tiểu học Núi Thành có một tuần để làm quen với nền nếp. “Trong 2 tuần triển khai dạy học trực tuyến, chỉ có khoảng 70% HS khối Một tham gia học qua Zoom. Kể cả những HS đã tham gia học trực tuyến, cô giáo cũng phải hướng dẫn lại những gì đã triển khai trong thời gian học online. Học sinh vừa chuyển từ mẫu giáo lên môi trường học tập mới nên cái gì các em cũng lạ lẫm, bỡ ngỡ” – cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành cho biết.

Từ tuần thứ 4, khối lớp Một của Trường Tiểu học Núi Thành tổ chức dạy kiến thức mới. “HS chưa biết tư thế đặt vở, cách cầm bút đúng, chưa kịp nhớ hết được tên sách giáo khoa, GV khó mà dạy kiến thức mới được. Nhà trường giao cho GV chủ động sắp xếp nội dung dạy làm sao đến tuần 8 đuổi kịp chương trình để tuần 9 kiểm tra giữa kỳ. Khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trở lại, các tiết tăng cường, tự chọn sẽ được bố trí dạy bài mới. Như vậy, dự kiến, cô trò vùng dịch mất 4 tuần đuổi kịp chương trình với cả nước” – cô Nguyệt chia sẻ.

Cô Ông Thị Thái Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) cho hay: “2 tuần học online, các em mới làm quen với nền nếp, nội quy trường học, được cô giáo hướng dẫn qua clip hoặc tương tác qua các phần mềm dạy học trực tuyến cách để vở, tư thế ngồi, cách cầm bút… Khi HS đến trường, GV gần như phải hướng dẫn trở lại. Nên trong tuần đầu tiên đi học, cả cô và trò mới học được 2 bài”. 

Các hoạt động tập thể của HS lớp Một của TP Đà Nẵng trong tuần học đầu tiên sau khi đến trường đều diễn ra trong phạm vi lớp học.
Các hoạt động tập thể của HS lớp Một của TP Đà Nẵng trong tuần học đầu tiên sau khi đến trường đều diễn ra trong phạm vi lớp học. 

Trao quyền tự chủ cho GV

Cô Ông Thị Thái Hằng chia sẻ: “Nhà trường chia sẻ với GV khối Một. Cái gì cũng mới, bản thân chương trình mới, thời gian chuẩn bị đồ dùng, thảo luận giáo án cũng hạn chế. Tháng 7, dịch bệnh Covid–19 ở Đà Nẵng bùng phát, TP thực hiện giãn cách xã hội nên GV khối Một không có sự tương tác nhiều. Khi HS đến trường trở lại có 10 ngày chỉ dạy học 1 buổi/ngày. GV vừa dạy học chương trình mới vừa chống dịch, lo dạy bù cho 2 tuần học online”. Chính vì vậy, GV Trường Tiểu học Trần Văn Ơn được trao quyền trong giảng dạy, miễn làm sao đến hết tuần 8 đuổi kịp chương trình là được.

Với khối lớp Một, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) chỉ xây dựng thời khóa biểu cho các môn học do GV bộ môn dạy để tránh chồng chéo. Các môn còn lại, GV chủ nhiệm chủ động kế hoạch, miễn là sao đủ 22 tiết/tuần, gồm cả Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội, Hoạt động trải nghiệm, chào cờ, sinh hoạt tập thể và có thêm một tiết liên hệ với phụ huynh. “Trung bình một tuần sẽ có 12 tiết Tiếng Việt, 3 tiết Toán nhưng GV có thể dạy tuần này 15 tiết Tiếng Việt, sang tuần sau có thể dạy 10 tiết, miễn làm sao đáp ứng được yêu cầu cần đạt là được. BGH dựa vào bản kế hoạch của GV để đánh giá. Nếu trong học kỳ I, GV xây dựng yêu cầu cần đạt thấp, sang học kỳ II sẽ phải “chạy” để  bảo đảm yêu cầu cần đạt cuối năm theo khung chương trình” – cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai thông tin.

GV khối lớp Một, Trường Tiểu học Hải Vân (quận Liên Chiểu) song song với triển khai dạy học chương trình mới, cũng bắt đầu xây dựng kế hoạch dạy bù để khoảng giữa học kỳ I sẽ đuổi kịp chương trình cùng với HS của cả nước. Theo đó, những tiết dạy tăng thêm sẽ được sử dụng để dạy bài mới. 

Để đón đầu Chương trình mới, năm học này, Trường Tiểu học Lê Lai triển khai dạy học theo chủ đề đối với một số môn học theo hướng tích hợp - liên môn ở các khối lớp 2 – 5. Chẳng hạn, các môn Tập làm văn, Tự nhiên - Xã hội, Đạo đức trong tháng 9 có những kiến thức có liên quan, cùng đề cập đến chủ đề gia đình em, GV sẽ xây dựng lại nội dung bài dạy, có sự kết hợp giữa các môn học để HS có thêm thời gian luyện tập nhiều hơn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ