Giáo viên chủ động linh hoạt dạy sách giáo khoa mới

GD&TĐ - Theo ghi nhận tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, việc tổ chức dạy - học theo chương trình, sách giáo khoa mới đã cơ bản ổn định, nền nếp, nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và tạo hứng thú cho học sinh.

Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Trung Tự
Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Trung Tự

Là một trong những trường có quy mô học sinh lớn, qua hơn 1 tháng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức dạy học của Trường tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) đã cơ bản ổn định, nền nếp.

Cô Vũ Thị Hải Phượng-giáo viên chủ nhiệm lớp 1C trường tiểu học Trung Tự chia sẻ: Bản thân giáo viên chúng tôi cũng cố gắng để tiếp cận được với phương pháp giảng dạy mới.  Sách giáo khoa mới được thiết kế đẹp, bắt mắt.

Được sự hướng dẫn của BGH và tiếp thu các ý kiến thảo luận của tổ chuyên môn, tôi đã chủ động thiết kế nội dung bài học phù hợp, đưa nhiều những hoạt động vào bài học để học sinh phải tích cực hợp tác cùng thầy cô, giúp cho các em hứng thú hơn, tiếp thu bài học chủ động hơn, tránh nhàm chán.

Cô Ngô Phi Khanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tự nhận định, qua thời gian triển khai chương trình mới, cả giáo viên và học sinh đều hứng thú với các bài học. Yêu cầu quan trọng đối với mỗi giáo viên khi lên lớp là quan tâm đầy đủ tới từng học sinh, giúp các em phát huy tối đa năng lực, sở trường.

Về ý kiến của một số phụ huynh cho rằng sách giáo khoa mới, chương trình mới còn “nặng” với học sinh, nhà trường đã tìm cách động viên, khích lệ tới phụ huynh để việc đồng hành giữa phụ huynh, giáo viên được chặt chẽ và họp có phương pháp để cùng hỗ trợ con. Khi họ hiểu được vấn đề thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Quan điểm của nhà trường là không máy móc, áp đặt khiên cưỡng bắt buộc các em phải quá lệ thuộc vào khối lượng kiến thức, mà coi việc tiếp nhận kiến thức như một sự mới mẻ, cùng khám phá, cùng học, kích thích sự sáng tạo của các em, để các em hứng thú đến trường.

Trường tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) năm nay tuyển sinh 7 lớp 1 với gần 350 học sinh, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, mang lại niềm vui cho học sinh và phụ huynh. Ban giám hiệu và giáo viên đã nỗ lực cải thiện cơ sở vật chất, kỹ năng chuyên môn và ưu tiên nguồn lực cho học sinh lớp 1 trong năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Cô Phạm Thị Hiền- Giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Khương Thượng nhận xét: SGK có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ đẹp, rõ ràng. Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho học sinh.

Các bộ sách đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phù hợp, cùng hướng tới mục đích cần đạt theo thông điệp của từng bộ sách. SGK của các môn có tính kế thừa và đổi mới so với SGK hiện hành. Sách môn Toán có nội dung, thiết kế quy trình dạy học phù hợp, học sinh được thực hành nhiều hơn. Sách Tiếng Việt dễ dạy, dễ học.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Thượng chia sẻ, nhà trường đã tổ chức tập huấn kĩ lưỡng đến đội ngũ giáo viên nên khi triển khai chương trình mới, tất cả đều bắt nhịp rất nhanh. Giáo viên linh hoạt trong các bài dạy, không gây căng thẳng, áp lực cho học sinh.

Các giáo viên trong trường luôn quan tâm đến mục tiêu sau mỗi bài học, học sinh sẽ làm được những gì, ứng dụng được gì vào thực tế hằng ngày. Nội dung này được đưa ra bàn thảo tại các buổi sinh hoạt chuyên môn để tìm ra phương pháp dạy học phù hợp nhất nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh, giúp mọi học sinh đều tiến bộ và đáp ứng tốt nhất với chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.