Là trường có quy mô lớn với hơn 1.700 học sinh, trong đó có 8 lớp 1 trong năm học này, bà Ngô Phi Khanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận định: Qua gần 1 tháng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức dạy học đã cơ bản ổn định, nền nếp.
Cả giáo viên và học sinh đều hứng thú với các bài học. Yêu cầu quan trọng đối với mỗi giáo viên khi lên lớp là quan tâm đầy đủ tới từng học sinh, giúp các em phát huy tối đa năng lực, sở trường.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) chia sẻ, nhà trường luôn quan tâm đến mục tiêu sau mỗi bài học, học sinh sẽ làm được những gì, ứng dụng được gì vào thực tế hằng ngày.
Nội dung này được đưa ra bàn thảo tại các buổi sinh hoạt chuyên môn để tìm ra phương pháp dạy học phù hợp nhất nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh, giúp mọi học sinh đều tiến bộ và đáp ứng tốt nhất với chương trình mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa) bày tỏ, dù còn một số khó khăn, song nhà trường quyết tâm khắc phục để thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, làm nền tảng để tiếp tục triển khai ở lớp 2 từ năm học 2021-2022.
Sau gần 1 tháng triển khai chương trình mới, các trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai đã bắt nhịp rất tốt. Có được điều này, ngành GD-ĐT đã có lộ trình tăng cường bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Bà Lê Thị Thêu- hiệu trưởng trường tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) cho biết, qua gần một tháng, giáo viên và học sinh nhà trường đã bắt nhịp với chương trình, sách giáo khoa mới. Công tác đổi mới hình thức dạy học luôn được nhà trường quan tâm chú trọng thực hiện.
Các cô giáo đã sáng tạo trong các tiết dạy, chủ động lựa chọn, sắp xếp kiến thức trong sách giáo khoa một cách logic, phù hợp về nội dung, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động được tổ chức trong tiết dạy, áp dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường phối hợp học tập cá nhân với hợp tác nhóm, tăng cường tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh.
Bài giảng được thiết kế đẹp mắt, lối dẫn dắt khéo léo nhưng lại rất dễ hiểu của giáo viên đã mang lại sự hứng thú và say mê học tập cho học sinh. Các em chủ động tiếp thu kiến thức, mạnh dạn xây dựng, trình bày nội dung bài làm. Qua đó học sinh được phát triển năng lực của bản thân, góp phần làm cho giờ học thêm sinh động và đạt hiệu quả cao.
Còn bà Trịnh Linh Chi- Hiệu trưởng trường tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai) đánh giá cao ý nghĩa của môn học Hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông qua các hoạt động vui chơi, khám phá thế giới xung quanh theo các chủ đề sách, những trải nghiệm chân thực sẽ giúp các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn, cùng nhau tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kĩ năng sống trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, công tác chuẩn bị, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2020-2021 tại Hà Nội được thực hiện nghiêm túc. Các địa phương, nhà trường đã trang bị cơ bản đủ trang thiết bị dạy học cho học sinh lớp 1.
Chủ trương của ngành Giáo dục Hà Nội là huy động tối đa mọi nguồn lực về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, lựa chọn những giáo viên tốt nhất để đảm nhận việc dạy học lớp 1 năm học 2020-2021. Tùy theo điều kiện cụ thể, các nhà trường đều thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới.