Khởi nghiệp tuân theo quy luật của việc có thành công thì có thất bại.
Không ai đi một mình
- Là đơn vị được Bộ GD&ĐT ủy quyền tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV năm 2020, cá nhân ông đánh giá như thế nào về các dự án khởi nghiệp của HSSV?
- Chương trình Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV năm 2020 nói riêng và Quyết định số 1665 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp.
Thực tế cho thấy, các dự án của HSSV được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Nếu được rèn giũa, các bạn ấy hoàn toàn có thể trở thành đối tác của doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh và mức độ khác nhau. Chẳng hạn, nhận đầu tư, là thành viên sáng lập, hoặc bạn nào có khả năng điều hành tốt thì làm điều hành, hay có thể phụ trách một lĩnh vực nào đó.
Tóm lại, có nhiều cách thức để HSSV trở thành đối tác của cộng đồng doanh nghiệp, không đơn thuần là vấn đề đầu tư tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều phương án để các bạn phát triển tiềm năng của mình.
- Khởi nghiệp tuân theo quy luật của việc có thành công thì có thất bại. Từ thực tiễn của bản thân, ông có thể phân tích kỹ hơn về vấn đề này?
- Để khởi nghiệp thành công, không ai đi một mình, mà phải có những người đồng sáng lập. Cần xác định, khởi nghiệp không thể thành công 100%, mà chắc chắn sẽ có thất bại, đó là quy luật chung. Vì vậy, các bạn cần quay ngược trở lại để xác định: Đầu tiên là đích đến cao nhất của mình là gì? Hành trình cuối cùng của người khởi nghiệp là đứng ra thành lập các dự án, làm chủ doanh nghiệp, hay trực tiếp là người sáng lập, điều hành, thậm chí là nhà đầu tư. Đó là kết quả, đích đến cao nhất của hành trình người khởi nghiệp.
Tiếp đến, khi tham gia vào hành trình khởi nghiệp, các bạn đúc rút được nhiều kinh nghiệm, được hỗ trợ, truyền cảm hứng về mơ ước, khát vọng về tinh thần người khởi nghiệp; dám dấn thân, dám làm và dám trách nhiệm. Đó là điều quan trọng và từng bước giúp cộng đồng nguồn nhân lực của Việt Nam được nâng lên.
Vấn đề đặt ra làm, làm thế nào để dù có thất bại hay chưa thành công vẫn nuôi dưỡng được ước mơ, khát vọng của mình và tiếp tục tiến lên phía trước, không bị thui chột, hay ngã quỵ. Muốn vậy, cần giải quyết mấy việc: Đầu tiên, phải chuẩn bị thật kỹ, từ tinh thần, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho đến quá trình phát triển dự án trở thành doanh nghiệp. Tất cả quá trình đấy, đều phải rèn luyện và chuẩn bị càng kỹ càng. Chỉ cần cần xác định được mình là người phù hợp với khởi nghiệp thì những ước mơ, khát vọng sẽ trở thành động lực để các bạn vượt qua khó khăn, rào cản và đứng lên đi tiếp nếu không may gặp thất bại.
Tìm ra năng lực “lõi” của bản thân
- Làm thuê hay khởi nghiệp là câu hỏi rất nhiều HSSV quan tâm, trăn trở. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ?
- Thật ra làm thuê hay khởi nghiệp chỉ là tên gọi. Nếu xét ở vị trí công việc, với người này sẽ phù hợp với vai trò làm chuyên gia nhưng với người khác phù hợp với vị trí trụ cột của doanh nghiệp. Điều tôi muốn nói là, cần có tinh thần của người khởi nghiệp. Tinh thần đó có thể áp dụng cho các vị trí, chức danh, lĩnh vực và ở mọi lứa tuổi.
- Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các bạn trẻ cần có kỹ năng gì của người khởi nghiệp?
- Có mấy điểm mà các bạn trẻ cần chuẩn bị càng sớm càng tốt. Đầu tiên phải có năng lực học tập và tự học. Học để biến tri thức của nhân loại, cộng đồng doanh nghiệp thành của mình - càng sớm càng tốt. Năng lực này rất quan trọng, nó sẽ giúp các bạn rút ngắn thời gian, hạn chế được sai lầm để ít phải trả giá. Khi các bạn có được phương pháp học tập, khả năng lĩnh hội kiến thức sẽ thành công sớm hơn.
Ngoài ra, các bạn cần rèn luyện tính kiên trì trong từng hoạt động, công việc. Chỉ khi nào mình kiên trì triệt để, hết mình với công việc mới có thể đi tới thành công. Phải có tư duy của người trưởng thành mới đối diện được với mọi vấn đề, kể cả thất bại. Các bạn cũng cần rèn luyện để nhận biết cái mới, để có thể bước vào khởi nghiệp. Đặc biệt, cần xác định mình phù hợp với vị trí nào trong khởi nghiệp.
- Vậy yếu tố chủ quan, năng lực của HSSV với khởi nghiệp đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
- Một điều hết sức quan trọng mà các bạn phải tìm kiếm và khám phá càng sớm càng tốt là, tìm ra năng lực “lõi” của bản thân để trau dồi, rèn luyện, tích lũy và phát huy. Theo thời gian, năng lực đó sẽ trở thành sức mạnh của mình trên con đường khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các bạn phải tìm ra ý nghĩa hay một lý do đủ lớn cho cuộc đời và cho những việc mình sẽ làm.
Nói cách khác, đó chính là khát vọng, ước mơ và mong muốn của bạn. Bởi chỉ khi nào các bạn có lý do và động lực đủ lớn mới có thể vượt qua được những rào cản, khó khăn, nhất là trong khởi nghiệp. Chúng ta đang ở thời kỳ 4.0, do đó khả năng thích ứng là điều quan trọng. Đây là kỹ năng cần có nếu muốn khởi nghiệp. Các bạn phải luôn biết thích nghi, linh hoạt, sáng tạo và lựa mình theo xã hội.
- Xin cảm ơn ông!