Nhiều tỉnh đã có bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở

GD&TĐ - Theo các nhà khoa học, bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở đất đã được xây dựng ở rất nhiều tỉnh miền núi. Người dân có thể dựa vào đây để nhận biết và phòng tránh, di dời khỏi các điểm có nguy cơ cao.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công cụ cảnh báo sạt lở

Dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai thực hiện từ năm 2012. Đến nay, đã thành lập được bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên 22 tỉnh miền núi phía Bắc. Cùng với đó là bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 15 tỉnh.

TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, sản phẩm chính của dự án là 2 loại bản đồ. Đó là bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ.

Về bản đồ (TLĐĐ) tỷ lệ 1:50.000, đến hết tháng 5/2020, đã hoàn thành tại 22 tỉnh miền núi phía Bắc. Các tỉnh gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Năm 2020 sẽ thành lập bản đồ hiện trạng TLĐĐ cho 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Về bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000, 15 tỉnh gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình đã có.

Hai loại bản đồ này có giá trị sử dụng khác nhau. Trong đó, bản đồ hiện trạng giúp hình dung một cách tổng quan về tình hình TLĐĐ tại địa phương để đề ra hướng giải quyết. Bản đồ phân vùng cảnh báo đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra giải pháp để giảm thiểu thiệt hại.

Theo TS Trịnh Xuân Hòa, bộ bản đồ hiện trạng giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra TLĐĐ ở địa phương mình. Bản đồ này cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra TLĐĐ đến thời điểm được điều tra.

Khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra TLĐĐ cao trên cơ sở tổng hợp các kết quả khảo sát. Địa phương và các đơn vị quan tâm có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện TLĐĐ tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra.

Những “điểm đen” trên bản đồ

Nói về vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), TS Hòa cho hay, các nhà khoa học của Viện đã nghiên cứu bản đồ điều tra hiện trạng tình hình sụt lún, sạt lở đất khu vực này. Kết quả nghiên cứu phát hiện 1 hệ thống đứt gãy chính theo phương Tây Bắc - Đông Nam và các đứt gãy phụ.

Các hệ thống đứt gãy này phát triển rất mạnh mẽ, với nhiều phương giao cắt nhau. Nó làm cho khu vực này xuất hiện các đới dập vỡ quy mô rộng, đá nứt nẻ mạnh. Đặc điểm địa chất khu vực này rất đặc thù. Vỏ phong hóa phát triển dày, nhất là các nhóm đá phun trào axit và nhóm đá biến chất giàu alumosilicat, vật liệu phong hóa bở rời hoặc hỗn độn mềm - cứng, khả năng liên kết kém.

Đa số địa hình sườn núi có độ dốc trung bình đến cao (20 độ), là nơi quá trình trọng lực sườn xảy ra mạnh và rất mạnh. Nhóm nguyên nhân tác động kích hoạt rõ ràng nhất là do mưa và cắt xẻ taluy để làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở. Động thái này làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá.

Theo kết quả điều tra, tất cả các điểm trượt đều xảy ra khi có mưa hoặc trước đó có mưa lớn kéo dài. Thống kê có 40/42 điểm trượt xảy ra tại taluy - sườn nhân tạo. Riêng tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, đề án nghiên cứu cũng chỉ rõ yếu tố nguy hiểm về địa hình. Đó là hai bên bờ sông dốc và hẹp, mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương vĩ tuyến…

TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, sau khi điều tra hiện trạng, đã phân vùng cảnh báo các điểm có nguy cơ xảy ra sạt trượt lớn. Trong đó có các điểm xảy ra sạt trượt gây thiệt hại nghiêm trọng về người như ở Phong Điền và Hướng Hóa.

Các điểm xảy ra sạt lở nghiêm trọng vừa qua trùng khớp với bản đồ cảnh báo mà các nhà khoa học đã đưa ra. Bản đồ phân vùng này có hai tác dụng là làm căn cứ để điều chỉnh quy hoạch cơ sở hạ tầng dân cư và tiến hành sơ tán khi mùa mưa kéo dài, lũ xuất hiện.

Nguy hiểm từ các công trình cắt chân đồi

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, có một điều ông đã cảnh báo từ lâu nhưng chưa được lắng nghe đúng mức. Đó là việc xây dựng công trình, nhà cửa ở chân các sườn đồi, sườn dốc sẽ dẫn đến nguy cơ sạt trượt rất lớn.

Không chỉ ở miền Trung mà đa phần các tỉnh miền núi, hiện tượng này là phổ biến. Người dân có thói quen tạo mặt bằng xây nhà cửa, công trình bằng cách xúc đất, san phẳng ở chân đồi.

Các sườn đồi, dốc đã trải qua nhiều năm ổn định địa chất, về tự nhiên chúng gần như không sạt trượt. Nhưng khi con người can thiệp, “cắt chân” đồi sẽ làm mất cân bằng giữa lực gây trượt và kháng trượt địa chất. Thời tiết khô ráo thì không sao. Nhưng khi mưa kéo dài, khả năng kháng trượt của nền đất sẽ rất yếu dẫn đến trượt lở.

“Thay vì xây nhà bằng cách cắt chân đồi dốc, tốt hơn cả là xây trên sườn dốc tự nhiên”, PGS.TS Trần Tân Văn cho hay.

Sạt trượt không chỉ xảy ra trong khi mưa mà còn có thể xảy ra sau khi mưa một thời gian khá dài, khi đất vẫn còn ngậm nước. Chỉ đến khi toàn bộ nền địa chất đã khô hẳn thì mới kết thúc chu trình sạt trượt.

Do vậy, TS Trần Tân Văn cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác trước khi trở lại sinh sống ở các khu vực có nguy cơ, đã xảy ra sạt trượt. Tốt nhất là sơ tán, chọn một địa điểm khác an toàn hơn để xây dựng nhà cửa. Bản đồ cảnh báo sạt trượt đã được các nhà khoa học bàn giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương, người dân có thể tham khảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.