Chế phẩm diệt khuẩn gây viêm da từ hạt đu đủ

GD&TĐ - Dịch chiết từ hạt đu đủ có khả năng diệt một số vi khuẩn gây nhiễm trùng da, có thể phát triển thành các sản phẩm bôi da.

Hạt đu đủ giàu hoạt chất chống viêm da.
Hạt đu đủ giàu hoạt chất chống viêm da.

Nghiên cứu của nhóm tác giả ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM).

Hoạt chất thay thế kháng sinh

Nhóm nghiên cứu gồm ThS Nguyễn Thị Kim Liên, ThS Nguyễn Hoàng Thiên Kim, ThS Lê Bảo Minh, ThS Nguyễn Thanh Long, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã thực hiện đề tài “Khảo sát hoạt tính kháng khuẩn in vitro của hạt đu đủ (Carica papaya L.) trên một số vi khuẩn liên quan đến nhiễm trùng da”.

ThS Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, da là hàng rào đầu tiên giúp cơ thể tránh các yếu tố có hại từ môi trường, bao gồm các vi sinh vật. Khi da bị tổn thương, có thể dẫn đến nhiễm trùng da, đặc biệt là các vùng da ẩm và ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Nhiễm trùng da thường liên quan đến một số vi khuẩn Gram dương như Methicillin-Susceptible Staphylococcus aureus (MSSA), Methicillin-Resistant Staphylococcus aureus (MRSA), Streptococcus pyogenes, và vi khuẩn Gram âm Pseudomonas aeruginosa. Trong đó, chủng S. aureus là tác nhân thường được tìm thấy trên các vùng da bệnh.

Khi bị nhiễm trùng da, kháng sinh là biện pháp điều trị đặc hiệu nhất. Dạng thuốc bôi chứa kháng sinh điều trị nhiễm trùng tại chỗ mang lại nhiều lợi thế so với đường uống, bao gồm cung cấp nồng độ thuốc cao tại vị trí tác dụng và giảm độc tính hệ thống. Tuy nhiên, nếu dùng thường xuyên các kháng sinh dạng bôi da (đặc biệt là mupirocin và acid fusidic), sẽ dễ gây ra tình trạng đề kháng trên các vi sinh vật gây bệnh.

Để hạn chế những tác dụng phụ của kháng sinh, việc sử dụng các sản phẩm được điều chế từ thảo dược hiện được nhiều người lựa chọn. Có khá nhiều các loại thảo dược được dùng để điều trị các bệnh về da như chè xanh, tỏi, nha đam, đu đủ, lá trầu không, lá ổi, sài đất, bồ công anh, bạc hà, khế,… Trong đó, đu đủ là loại cây ăn quả phổ biến ở Việt Nam.

Quả đu đủ có giá trị kinh tế trong ngành thực phẩm nhờ thịt quả ngon ngọt và bổ dưỡng. Song, qua quá trình chế biến quả, một lượng lớn hạt đu đủ, được xem là phụ phẩm nông nghiệp bị thải bỏ ra môi trường.

Trong thành phần hóa học của hạt đu đủ có chứa nhiều nhóm hợp chất có tác dụng kháng khuẩn như alkaloid, glycosid, flavonoid, triterpenoid, saponin và các acid béo. Hạt đu đủ cũng chứa một lượng đáng kể glucotropaelin, một glycosid với aglycon là benzyl-isothiocyanat có khả năng diệt khuẩn. Tuy nhiên, các nghiên cứu về nó còn rất hạn chế ở Việt Nam.

Từ thông tin này, nhóm nghiên cứu đã nghĩ đến tận dụng phế phẩm hạt đu đủ để phát triển các sản phẩm bảo vệ da. Nhóm đã thực hiện khảo sát hoạt tính kháng khuẩn in vitro của hạt đu đủ trên một số vi khuẩn liên quan đến nhiễm trùng da.

Diệt vi khuẩn gây bệnh trên da

Nhóm nghiên cứu cho biết, hạt tươi được lấy từ quả chín của cây đu đủ ruột vàng, thu hái tại tỉnh Long An, được rửa sạch, phơi khô, xay thành bột thô, sau đó chiết xuất dược liệu bằng ethanol để thu cao chiết.

Nhóm thực hiện đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết hạt đu đủ bằng phương pháp giếng khuếch tán, với các chủng vi khuẩn: P. aeruginosa, Methicillin-Sensitive S. aureus (MSSA), Methicillin-Resistant S. aureus (MRSA), S. pyogenes thường gây viêm da.

Đây là phương pháp thường được dùng để kiểm tra độ nhạy của chất kháng khuẩn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cao chiết hạt đu đủ có khả năng diệt được một số vi khuẩn gây bệnh trên da ở nồng độ phù hợp như MSSA, MRSA (20mg/mL) và S. pyogenes (10mg/mL), có thể phát triển thành các sản phẩm bôi da.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, chiết xuất hạt đu đủ bằng phương pháp ngâm lạnh phân đoạn, sử dụng hạt xay thô có độ ẩm 8%, thu được hiệu suất chiết cao nhất (3,25%), với độ ẩm cao chiết là 9,79%. Khả năng diệt khuẩn của hạt đu đủ chiết bằng dung môi ethanol 80% có hiệu quả cao nhất (99%), trên các chủng vi khuẩn gây bệnh ngoài da.

Đây là một đóng góp mới của nghiên cứu, vì các tài liệu trước đây chưa cung cấp các thông tin này. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy được tiềm năng của hạt đu đủ trong việc phát triển thành các sản phẩm điều trị nhiễm trùng da và cũng là một giải pháp tốt giúp cho việc tận dụng các phụ phẩm của ngành thực phẩm vào sản xuất dược phẩm.

ThS Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, hướng nghiên cứu tiếp theo là mở rộng khảo sát khả năng kháng nấm của hạt đu đủ trên các chủng vi nấm gây bệnh trên da, đồng thời chuẩn hóa quy trình chiết cao hạt đu đủ để làm nguyên liệu bào chế các sản phẩm ứng dụng.

Chặng đường tuy còn dài song nhóm nghiên cứu tin rằng với những thành công thử nghiệm bước đầu, sản phẩm ứng dụng từ cao chiết đu đủ sẽ được phát triển rộng rãi trên thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.