Bệnh ghẻ
Do ảnh hưởng của mưa bão, nước dâng cao khiến người dân vùng lũ phải lội nước thường xuyên, khiến da dễ bị nhiễm bệnh ghẻ. Cộng với việc độ ẩm trong mùa mưa tăng cao nên đây cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh ghẻ sinh sôi phát triển.
Bệnh da gây ra bởi ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ). Bệnh tuy không nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị triệt để có thể dẫn tới nhiễm trùng da, chàm hóa hoặc một số biến chứng nguy hiểm khác.
Biểu hiện của bệnh ghẻ thường xuất hiện chủ yếu trên bề mặt da, thể hiện rõ qua các nốt đỏ, mụn nước. Các mụn nước được thấy tập trung ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục…
Bệnh ghẻ gây ngứa rất nhiều về đêm, bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên cần chú ý không sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt cá nhân.
Cách trị bệnh ghẻ ở người tương đối dễ dàng, chỉ cần diệt hết cái ghẻ và phòng tránh không bị tái nhiễm. Hầu hết những phương pháp điều trị hiện nay đều cho đáp ứng tốt, bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp cần điều trị đợt hai cách một thời gian sau đó khoảng từ 2 - 7 ngày để chắc chắn điều trị dứt điểm bệnh ghẻ này.
Trong đông y, những người bị bệnh ghẻ nên thường xuyên tắm với nước của cây lá đắng, ba gạc, xoan, xà cừ, cúc tần.
Nấm kẽ chân, nấm bẹn
Trong mùa mưa, việc chân thường ngâm trong nước ngập là nguy cơ cao bị nhiễm bệnh nấm kẽ chân, dân gian còn gọi là nước ăn chân. Đây là bệnh bị nhiễm nấm Candida và Blastomyces.
Bệnh thường xuất hiện gây ngứa ở các kẽ ngón chân gây các đám đỏ da, mụn nước, trợt da, chảy dịch, bong da… Bệnh nấm kẽ chân nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.
Bệnh nấm bẹn (hắc lào) là bệnh ngoài da do vi nấm cạn gây nên. Khi nhiễm nấm ở da vùng bẹn sẽ xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi thường gặp ở những người làm việc trong môi trường ẩm ướt, ra mồ hôi nhiều, bơi lội hay vệ sinh kém. Thời gian đầu nấm bẹn thường xuất hiện ở một bên bẹn sau đó có thể lan ra hai bên.
Bệnh nấm kẽ chân thường hay gặp trong mùa mưa, việc điều trị bệnh không khó. Cần thận trọng khi dùng các loại thuốc kháng nấm đường bôi và đường uống phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ.
Vào mùa mưa, để phòng nấm kẽ chân cần chú ý không nên đi giày, tất nhiều giờ trong ngày. Bởi khi môi trường ẩm ướt, giày tất ẩm tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển và bệnh lâu khỏi, dễ tái phát, tái nhiễm. Do đó, khi chân ướt cần lau sạch, hong khô rồi mới đi tất, giày.