(GD&TĐ) - Chúng tôi về thăm xã Xuân Chinh, huyện miền núi Thường Xuân là một trong những xã nghèo, còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây, hình ảnh những cán bộ trẻ ở xã đang hăng say, nhiệt tình làm việc không còn xa lạ với dân bản. Đó là những trí thức trẻ tình nguyện về làm việc ở những nơi khó khăn nhất theo chương trình 30/A/2008 và dự án 600 (170/QĐ-CP) của Chính phủ.
Giờ nghỉ trưa, chúng tôi cùng xuống bếp chuẩn bị bữa cơm, cùng trò chuyện với 3 cán bộ trẻ. Tôi nghe nói, bữa ăn hôm nay có món đặc sản. Tôi tò mò không biết đó là gì. Nhìn vào chiếc chậu nhỏ, tôi thấy những con nhái chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út, đang ngoi lên khỏi chậu nước. Lê Văn Thiện - một trí thức trẻ làm phó chủ tịch UBND xã Xuân Chinh đang thoăn thoắt mổ bụng từng con nhái. Thiện nói: “Đây là món ăn đặc sản, thỉnh thoảng mới có. Hôm qua trời mưa nên em mới bắt được, mà phải trời mưa vừa chứ mưa to cũng không có”. Món nhái làm thịt xong được chiên giòn lên, thơm phức.
|
Học sinh Trường Tiểu học Xuân Chinh đọc sách ở thư viện. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Lê Văn Thiện, sinh năm 1984, quê ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, được phân công về công tác tại xã vùng khó Xuân Chinh vào tháng 10/2012, theo Quyết định 170/QĐ-TTg, thí điểm chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về các xã thuộc 62 huyện nghèo của cả nước làm phó chủ tịch xã của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian đầu về công tác, Thiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuổi đời còn trẻ, lại chưa quen biết phong tục tập quán của người dân, chưa quen đường rừng… nên việc chỉ đạo công việc còn hạn chế. Nhưng sau một thời gian, với lòng nhiệt tình và tâm huyết muốn giúp bà con bớt khó khăn, vất vả, Thiện đã tạo được niềm tin, sự quý mến, ủng hộ của bà con nơi đây.
Trần Thị Lan, sinh năm 1986, ở thị trấn Thường Xuân, làm cán bộ chính sách xã Xuân Chinh tâm sự: “Từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, em đã có ước mơ sau này học ra trường được về những vùng khó khăn để làm việc. Bởi em nghĩ, nếu ai cũng muốn được sống và làm việc ở những nơi điều kiện tốt, thuận lợi thì những nơi xa xôi, thiếu thốn như thế này sẽ ra sao?”. Khi mới lên đây Lan cũng sợ lắm bởi xung quanh đồi núi, vào các bản thì xa mà đường lại khó đi. Trong khi đó, Lan lại chưa biết tiếng của đồng bào dân tộc. Nhiều đêm Lan khóc vì nhớ nhà. Nhưng dân bản ở đây rất quý và quan tâm nên Lan cũng đỡ buồn hơn.
Còn bạn trẻ Hoàng Thị Hằng, sinh năm 1987, ở xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, làm cán bộ địa chính xã, thì nói: Trước đây mới đến em cũng lo lắm. Nhưng dần rồi em quen, lại thấy gắn bó với dân bản như nhà mình.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”, các trí thức trẻ đã chọn nơi còn nhiều khó khăn để được thử thách, khẳng định mình. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần hăng say cống hiến, những cán bộ trẻ nơi đây đang ngày ngày cố gắng góp chút sức lực nhỏ bé của mình cùng lãnh đạo địa phương đưa vùng khó đi lên, chung tay cùng xây dựng làng bản ấm no, hạnh phúc.
Nguyễn Quỳnh