Quá ít thời gian phản ứng
Hãng thông tấn quốc gia Belta của Belarus dẫn lời Tổng tham mưu trưởng kiêm Thứ trưởng Quốc phòng thứ nhất Belarus, ông Pavel Muraveiko cho biết hôm 12 tháng 12, cùng với việc lệnh triển khai Oreshnik, ông Lukashenko cũng lập kế hoạch sử dụng hệ thống này một cách có thẩm quyền.
"Chỉ có một nhiệm vụ duy nhất - đảm bảo triển khai Oreshnik trên lãnh thổ của chúng ta và lập kế hoạch sử dụng nó một cách có năng lực nhất khi cần thiết", Thứ trưởng Muraveiko dẫn lời ông Lukashenko.
Khi được hỏi có bao nhiêu hệ thống như vậy dự kiến sẽ được Nga chuyển giao cho Belarus, ông Muraveiko cho biết "chỉ có tổng thống Nga biết về điều này".
Hôm 6 tháng 12, Tổng thống Lukashenko đã yêu cầu người đồng cấp Nga Vladimir Putin triển khai các loại vũ khí mới nhất của Nga, bao gồm hệ thống Oreshnik, trên lãnh thổ Belarus sau cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Tối cao của Nhà nước Liên bang.
"Quyết định triển khai hệ thống tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik trên lãnh thổ Cộng hòa Belarus được đưa ra nhằm đáp trả các hành động của Mỹ và Đức liên quan đến việc triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu.
Người Mỹ và người Đức đã nhiều lần tuyên bố điều này trước đây", kênh Telegram của Bộ Quốc phòng Belarus trích lời Sergei Lagodyuk, Phó tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Belarus, cho biết.
Vậy khi được triển khai tại Belarus, tên lửa siêu thanh Oreshnik sẽ tiếp cận các căn cứ quan trọng của NATO trên khắp châu Âu nhanh đến mức nào?
Theo Belta, Oreshnik chỉ cần 1,7 phút để tiếp cận mục tiêu tại Vilnius, Lithuania. Trong khi nếu muốn tiếp cận mục tiêu tại Kiev của Ukraine, Oreshnik chỉ cần 2,7 phút.
Ngoài ra, Oreshnik cần 3,2 phút để bay đến mục tiêu cần thiết tại Ba Lan; mất 5 phút để đến Helsinki của Phần Lan; cần 5,5 phút để đến căn cứ tại Romania; cần 6,1 phút để tiếp cận căn cứ tại Ramstein ở Đức.
Đối với những căn cứ xa hơn tại Pháp, tên lửa Oreshnik cũng chỉ cần 8,3 phút; cần 8,8 phút để tiếp cận căn cứ tại Anh.
Khắc chế Oreshnik?
Chuyên gia công nghệ tên lửa Fabian Hoffmann ở Đại học Oslo tại Na Uy, cho rằng một số hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và Israel chế tạo đủ sức đối phó với Oreshnik.
"Tên lửa SM-3 phóng từ hệ thống Aegis, Tổ hợp Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và Arrow 3 có thể giải quyết mối đe dọa này", ông nói, nhưng không nêu thêm chi tiết về phương án đánh chặn.
Cũng theo Hoffmann, hiện Kiev đang tìm cách sở hữu hệ thống THAAD hoặc hối thúc Washington nâng cấp các tổ hợp Patriot trong biên chế hiện nay. Dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ diễn ra trong tương lai gần, theo Interfax-Ukraine.
Cùng với tốc độ siêu thanh, Oreshnik của Nga còn có khả năng mang nhiều đầu đạn ứng dụng công nghệ phương tiện hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV). Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) nhận định tên lửa Oreshnik mang được 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn lại chứa 6 đầu đạn con.
Chuyên gia Hoffmann cho biết thêm, bên phòng thủ sẽ phải huy động lượng lớn tên lửa để bắn hạ toàn bộ 36 đầu đạn trên mỗi quả Oreshnik, nhất là khi cần phóng hai đạn cho mỗi mục tiêu để bảo đảm khả năng đánh chặn.
"Điều này cực kỳ tốn kém và gần như là bất khả thi. Chi phí sẽ trở thành vấn đề đáng lo ngại hơn nhiều", Hoffmann cảnh báo.
Phủ định quan điểm phương Tây có thể ngăn chặn được tên lửa siêu thanh Nga, Tom Karako, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, khẳng định:
"Số lượng đầu đạn và tốc độ như vậy khiến nỗ lực đối phó trở nên khó khăn, thậm chí là vô phương ngăn chặn. Có thể coi đòn tập kích bằng tên lửa Oreshnik là lời cảnh cáo đối với cả Ukraine lẫn các nước châu Âu".
Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro Sibylline ở Anh, Justin Crump cũng có cùng quan điểm, cho rằng Nga đang phát cảnh báo đến phương Tây khi sử dụng loại tên lửa có tốc độ cao và sức sát thương vượt trội so với những khí tài từng tham chiến tại Ukraine trước đây.
"Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander vốn là một trong những vũ khí có uy lực hàng đầu ở xung đột Ukraine, với khả năng xuyên thủng lưới phòng không đối phương. Những hệ thống có tốc độ cao, hiện đại và tầm xa hơn như Oreshnik sẽ càng khiến mối đe dọa tăng theo cấp số nhân", Justin Crump cho biết.