Đến nay dòng họ Đinh Văn đã trải qua 19 đời, phát triển thành 6 chi và nhiều nhánh, phái nhỏ. Quá trình tồn tại và phát triển của dòng họ này đã hun đúc nên nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó tiêu biểu là yêu nước, hiếu học và khoa bảng.
Hai lần chịu án tru di
Vào thời Lê trung hưng, dòng họ có ông Đinh Văn Thực giữ chức Phó Thiên hộ, được sắc phong Tráng tiết tướng quân. Đến thời Nguyễn, dòng họ có nhiều người làm quan, giữ chức vụ trong triều đình. Gia đình với truyền thống hiếu học, có một Phó bảng và 4 Tiến sĩ lừng lẫy: Đinh Văn (Hồng) Phiên, Đinh Văn Phác, Đinh Văn Chất, Đinh Văn Chấp, Đinh Văn Nam.
Nhưng đây cũng là gia tộc chịu nhiều khổ đau, từng 2 lần bị án “tru di tam tộc” do chống lại triều đình và thực dân Pháp. Lần thứ nhất vào năm 1833 khi Phó bảng Đinh Hồng Phiên tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định chống lại triều đình nhà Nguyễn. Lần thứ hai vào năm 1887 khi Hoàng giáp Đinh Văn Chất hưởng ứng hịch Cần Vương tham gia nổi dậy chống Pháp ở Nghệ An.
Khai khoa cho dòng tộc là Phó bảng Đinh Hồng Phiên (1764 - 1833). Khoa thi năm Quý Mão (1783) đời vua Lê Hiển Tông, ông đỗ Hương cống (Cử nhân) tại trường thi Nghệ An. Cũng trong khoa thi này, danh sĩ Nguyễn Du đỗ Sinh đồ (Tú tài). Khoa thi năm 1787, ông thi đỗ Tam trường trúng cách kỳ thi Hội (tương đương Phó bảng thời Nguyễn), được bổ làm Toản tu Quốc sử quán triều Lê.
Thời Tây Sơn, ông không ra làm quan mà lui về quê mở trường dạy học, sáng tác văn thơ. Sau khi Gia Long lên ngôi, lập nên nhà Nguyễn, để tránh kỵ húy, ông đổi tên thành là Hồng Phiên. Tháng 5 năm 1815, vua Gia Long nhà Nguyễn xuống chiếu: “Lấy Hương cống đời Lê là Đinh Văn Phiên làm đốc học Quảng Nam”. Sau vài năm, ông được thăng Đông các học sĩ điều về kinh làm Phó sứ sang nhà Thanh.
Đầu triều Minh Mạng năm 1820, ông được vua sai định khuôn mẫu, thể thức các cáo sắc cho triều đình. Đến tháng 5/1821, ông được chọn làm Toản tu, trong nhóm biên soạn sách “Liệt thánh thực lục”, rồi làm Thị trung trực học sĩ (hầu cận cho vua liên quan đến vấn đề từ chương).
Cuối năm 1821, Đinh Hồng Phiên là Giám thi kỳ thi Hương ở kinh đô và nhiều tỉnh khác, và là người lo việc thi Hội ở khoa thi đầu của triều Nguyễn vào năm 1822. Ông cũng là người được giao chăm lo việc lễ lạt ở bộ Lễ… Trong thời gian làm quan, Đinh Hồng Phiên chứng tỏ là người uyên bác và được vua tin cậy giao nhiều công việc liên quan đến từ chương, chữ nghĩa, được giữ nhiều chức vụ khá quan trọng trong triều…
Năm 1823, vì cấp dưới phạm lỗi sắp lẫn vài sắc phong của Tây Sơn vào bản tấu nên ông bị phạt đánh 100 trượng, bị cách chức, đày đi Hà Tiên để làm việc chuộc tội. Sau vua xét lại công lao nên chỉ bị phát phối đi Quảng Ngãi. Năm 1828, ông được phục chức Chủ bạ ở Trấn Ninh, rồi sung Huấn đạo Bình Dương.
Tháng 5 năm 1833, khi đã 70 tuổi, ông xin về hưu nhưng Tổng đốc An Biên quý tài văn học nên trình vua bổ làm Giáo thụ Tân Bình. Không lâu sau đó, cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi nổ ra, Đinh Hồng Phiên ủng hộ Lê Văn Khôi, thay Văn Khôi thảo hịch kêu gọi dân chúng ủng hộ cuộc nổi dậy, đánh đổ nhà Nguyễn, phục hưng nhà Lê, được nhiều người hưởng ứng.
Tuy nhiên, sau đó triều đình nhà Nguyễn phản công mạnh mẽ khiến cuộc khởi nghĩa thất bại. Giữa tháng 8 năm 1833, Đinh Hồng Phiên đầu hàng. Các nguồn sử liệu chép, ông bị chết trên đường áp giải về kinh đô nhưng vẫn bị phanh thây, bêu đầu ở Gia Định và Nghệ An rồi vứt xác xuống sông. Vợ và 4 con trai của ông cũng bị hành hình tại chợ Nghệ An. Nhiều học trò của ông cũng bị bãi chức.
Ông cháu cùng đỗ Tiến sĩ
Con trai của Đinh Hồng Phiên là Đinh Văn Phác (1790 - 1833) là người học giỏi nổi tiếng. Ân khoa Tân Tỵ (1821), ông trúng Cử nhân. Kỳ thi Hội một năm sau đó, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, là một trong 8 Tiến sĩ đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn.
Sau khi đỗ đạt, ông được triều đình bổ nhiệm làm sơ thọ Hàn lâm viện biên tu. Năm 1823, ông được bổ làm Tri phủ Bình Thuận. Thời gian trấn nhậm của ông ở đây tuy ngắn ngủi, nhưng ông có tiếng liêm khiết, chính trị nghiêm minh.
Tháng 12 năm Quý Tỵ 1823, cha ông là Đinh Hồng Phiên bị triều đình xét tội không kiểm tra phát hiện được việc các thuộc cấp sắp lẫn mấy cái sắc phong của Tây Sơn vào bản tấu. Ông xin từ quan, theo hầu cha lưu đày cho đến tận năm 1828 mới được triều đình phục chức.
Tháng 8 năm 1833, do liên đới việc thân phụ ủng hộ Lê Văn Khôi chống lại triều đình nhà Nguyễn, mà ông và gia đình bị triều đình xét tội hành hình trước chợ Nghệ An, đoạt hết các bằng sắc, đục tên trên bia Tiến sĩ.
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Tiềm - con gái quan Tham tri Lễ bộ Nguyễn Du. Ông bà sinh được một con trai tên là Đinh Văn Kế, là thân phụ của Tiến sĩ Đinh Văn Chất sau này.
Đinh Văn Chất (1843 - 1887, là cháu nội Tiến sĩ Đinh Văn Phác và là cháu ngoại của Đại thi hào Nguyễn Du. Từ nhỏ, Đinh Văn Chất đã được dạy dỗ chu đáo về lễ nghĩa, phép tắc, tỏ rõ là người ham học, tư chất thông minh. Ông tham dự các kỳ thi và lần lượt đỗ Tú tài, Cử nhân, đặc biệt năm 1875, ông đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, đệ nhị danh.
Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Tri phủ phủ Nghĩa Hưng (Nam Định); ông là một vị quan thanh liêm, có trách nhiệm, công minh, gắn bó với nhân dân nên rất được tín nhiệm. Nhờ vậy phủ Nghĩa Hưng thời kỳ này rất yên ổn. Năm 1882, ông được vua Tự Đức tặng thưởng Kim khánh - khắc bốn chữ “Liêm, bình, cần, cán”.
Khi thực dân Pháp tấn công vào Nam Định, Đinh Văn Chất lúc đó được được triều đình phong làm Tán tương quân vụ Nam Định với nhiệm vụ giữ thành Nghĩa Hưng, ông đã chỉ huy quân dân chiến đấu quyết liệt, nhưng do thế giặc mạnh nên phải rút lui. Sau khi kinh thành thất thủ, thấy được sự nhu nhược của triều đình nên Đinh Văn Chất đã treo ấn từ quan về quê hưởng ứng chiếu Cần Vương, chiêu lập nghĩa binh chống Pháp.
Đinh Văn Chất cùng với nghĩa quân tổ chức nhiều trận chiến quyết liệt giữa nghĩa quân với thực dân Pháp ở nhiều địa bàn thuộc huyện Nghi Lộc và Thanh Chương. Sau căn cứ bị lộ, địch bao vây, Đinh Văn Chất bị thực dân Pháp bắt và giao cho chính phủ Nam triều. Năm 1887, triều đình kết ông tội “Khi quân” và hạ chiếu “tru di tam tộc”.
Ngày 28/11/1887 ông bị hành hình tại huyện Thanh Chương. Bà con xóm làng đã che giấu người con trai thứ hai của ông là Đinh Văn Chí (sau đổi tên là Đinh Văn Chấp) lúc bấy giờ mới 6 tuổi thoát khỏi án “tru di tam tộc”. Ghi nhớ công lao to lớn của ông, năm 1904 học trò cùng con cháu dòng họ đã dựng bia đá tại nhà thờ, khắc chữ Hán với nội dung ca ngợi công lao, nhân cách của Đinh Văn Chất.
Cụ - cháu cùng lĩnh chức Đốc học
Đinh Văn Chấp (1882 - 1953), là con trai thứ 2 của Tiến sĩ Đinh Văn Chất. Lúc 6 tuổi gia đình bị đại nạn, Đinh Văn Chấp được cứu thoát rồi đưa sang Phúc Kiến (Trung Quốc) lánh nạn. Năm 1898 trở về nước, đổi tên để tiếp tục được đi học. Năm 1909, ông được một người thân giới thiệu vào học tại trường Quốc Tử Giám.
Năm 1912, Đinh Văn Chấp thi đỗ Cử nhân. Đến năm 1913, ông đỗ Đình nguyên Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), rồi được bổ chức Đốc học Quảng Nam - đúng 100 năm sau ngày cụ nội của ông là Phó bảng Đinh Hồng Phiên nhậm chức Chánh Đốc học dinh Quảng Nam (6/1815).
Ông từng giữ nhiều chức vụ khác nhau như Tri phủ Vĩnh Linh, Tri phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Tuần phủ Quảng Trị, Tri phủ Bồng Sơn, Án sát Khánh Hòa, Án sát Hà Tĩnh, Bố chánh Hà Tĩnh, Tuần phủ Quảng Ngãi, Tham tri bộ Kinh tế rồi Toản tu Quốc sử quán… Năm 1936, ông về kinh làm Tham tri bộ Cải cách nông thôn sau đó về hưu. Trong suốt thời gian giữ chức ông là người liêm khiết, thương dân.
Trong thời gian nghỉ hưu ở quê nhà, ông tập trung vào nghiên cứu về Phật học, thơ văn. Ông từng dịch 123 bài thơ Lý - Trần đăng trên tạp chí Nam Phong và dịch nhiều bài thơ chữ Hán khác. Sự kiện này được đánh giá là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ Lý - Trần được dịch chuyển sang chữ Quốc ngữ, góp phần to lớn trong việc bảo tồn di sản thơ văn nói chung và văn học thời Lý - Trần nói riêng.
Khi làm Đốc học Quảng Nam, gia đình Tiến sĩ Đinh Văn Chấp sống tại Vĩnh Điện và vào năm 1918, ông sinh người con thứ tư đặt tên là Đinh Văn Nam (hòa thượng Thích Minh Châu). Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, nho học. Từ nhỏ, Đinh Văn Nam đã rất chăm chỉ học hành, thông minh, mẫn tiệp và chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo từ cha mình.
Năm 1939, ông thi đỗ bằng Cao đẳng Tiểu học Đông Dương, năm 1940 đỗ Tú tài toàn phần tại trường Khải Định (nay là trường Quốc học - Huế) và cùng thời gian này, được bổ làm Thư ký tòa Khâm sứ, tỉnh Thừa Thiên (năm 22 tuổi). Ông cùng em là GS Minh Chi đến tham gia với phong trào học Phật từ năm 1936, vừa nghiên cứu Phật học vừa đảm nhiệm chức Chánh văn phòng của Việt Nam phật học.
Từ năm 1953, ông du học tại nhiều nước rồi qua Ấn Độ. Ông thi đỗ bằng Thạc sĩ Anh Văn đặc biệt, Tiến sĩ Phật học, Tiến sĩ Pàli tại Ấn Độ. Sau đó, ông được mời ở lại giảng dạy tại trường Bihar, thuộc viện đại học Nalanda, Ấn Độ. Đến năm 1964, ông về nước và giữ nhiều chức vụ khác nhau trong hệ thống Phật giáo.
Ông đã để lại một kho tàng trước tác và dịch thuật về Phật giáo đồ sộ, có giá trị to lớn. Hòa thượng Thích Minh Châu là người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo tại Việt Nam, giữ vai trò quan trọng trong việc thống nhất các tổ chức Phật giáo, giáo dục, đoàn kết và phát huy các giá trị tích cực của Phật giáo để xây dựng xã hội tốt đẹp.
Nhà thờ Tiến sĩ Đinh Văn Chất được xây dựng vào thời Nguyễn tại làng Kim Khê, huyện Chân Lộc (nay thuộc xóm Kim La, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), thờ Tiến sĩ Đinh Văn Chất và các bậc tiên linh dòng họ Đinh Văn. Hiện di tích còn lưu giữ được một số tài liệu quý như bia đá, gia phả, hoành phi, một số bản sao văn thơ Lý - Trần do Đinh Văn Chấp dịch, là những tư liệu lịch sử quý giá có ý nghĩa quan trọng giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử, thể hiện ý nghĩa về nghệ thuật, văn học đương thời.
Với những giá trị lịch sử, năm 2020 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xếp hạng di tích đối với Nhà thờ Tiến sĩ Đinh Văn Chất.