Mặc dù nằm ở tuyến huyện, nhưng những năm qua Trường THPT Đầm Dơi (Đầm Dơi, Cà Mau) có nhiều thành tích nổi bật trong dạy và học, không thua kém các trường tại trung tâm. Mới đây, nhà trường vừa đón tin vui khi có 2 học sinh đỗ thủ khoa đầu vào ngành sư phạm tại 2 trường đại học.
Thủ khoa Sư phạm Toán
Nguyễn Hải Đăng, cậu học sinh có dáng người nhỏ nhắn đến giờ vẫn chưa vơi niềm vui khi trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Toán tại Trường Đại học Cần Thơ theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.
Hải Đăng chia sẻ, gia đình em thuộc diện khó khăn, mẹ em buôn bán nhỏ tại nhà, còn cha thì buôn bán dạo nên từ nhỏ em luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Những năm học phổ thông Hải Đăng đều đạt thành tích học sinh giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến. Em học đều các môn nhưng yêu thích nhất là Toán.
“Em thích tìm tòi, học hỏi những công thức, định lý, muốn tìm hiểu những điều mới mẻ trong Toán học để ứng dụng vào đời sống. Để học tốt môn Toán, em luôn cố gắng chú ý lắng nghe những bài giảng trên lớp của thầy cô, làm nhiều dạng bài tập để rèn luyện kỹ năng. Ngoài ra, em cũng chịu khó tìm tòi thêm các nguồn tài liệu tham khảo, giải những bài tập trên Internet để nâng cao kiến thức”, Hải Đăng chia sẻ.
Nói về lý do chọn học đại học ngành Sư phạm, Hải Đăng cho biết: Em thích truyền đạt kiến thức cho người khác và giáo viên là một trong những nghề mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Em hy vọng sau này vừa nối tiếp truyền thống của những thế hệ thầy cô đi trước vừa đào tạo nên những thế hệ tương lai cho đất nước.
“Khi nghe tin đạt thủ khoa ngành Sư phạm Toán của Trường Đại học Cần Thơ, em rất bất ngờ và vui mừng vì đã thực hiện được ước mơ từ nhỏ, không phụ công lao của cha mẹ, thầy cô đã tận tâm dạy bảo em. Môi trường học tập mới sẽ khác so với trường THPT, vì thế em đã xây dựng cho mình phương thức học tập phù hợp, quyết tâm đạt thành tích tốt ở mỗi học kỳ để tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc hoặc giỏi”, Hải Đăng bày tỏ.
Bật mí về dự định tương lai sau khi tốt nghiệp ra trường, Hải Đăng cho biết: Em có nguyện vọng được trở về Trường THPT Đầm Dơi - ngôi trường từng học tập để giảng dạy. Bởi Đầm Dơi là nơi em sinh ra và lớn lên, nơi có những thầy, cô đã hết lòng dìu dắt em trưởng thành nên em muốn góp một phần sức vào sự phát triển của trường và sự phát triển chung của ngành Giáo dục Đầm Dơi.
Thủ khoa Sư phạm Lịch sử - Địa lý
Học cùng trường với Nguyễn Hải Đăng, Bùi Hải An cũng vừa đỗ thủ khoa ngành Sư phạm Lịch sử - Ðịa lý tại Trường Đại học Sài Gòn.
Chia sẻ về kết quả này, Hải An cho biết, đó là cả một quá trình nỗ lực học tập của em suốt 12 năm. “Gia đình em không khá giả, cha chạy xe ôm, mẹ thì buôn bán nhỏ ở chợ. Cuộc sống khó khăn nhưng cha mẹ luôn cố gắng lo cho em được ăn học đầy đủ. Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ nên em luôn cố gắng học tập tốt. Suốt 12 năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Kết quả thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý vừa qua là thành quả không chỉ của riêng em mà là thành quả của sự kiên trì, động viên từ cha mẹ và sự tận tâm của thầy cô Trường THPT Đầm Dơi dành cho em. Em muốn gửi lời cảm ơn thầy cô đã luôn yêu thương, hỗ trợ em trong học tập để em đạt được kết quả hôm nay”, Hải An bộc bạch.
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Bùi Hải An đã mơ ước sau này được làm thầy giáo, đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đặc biệt, em rất yêu thích môn Lịch sử nên muốn trở thành giáo viên dạy môn này.
Hải An quan niệm: “Thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn truyền lửa đam mê cho học sinh, em rất ngưỡng mộ nghề giáo. Đặc biệt là giáo viên dạy Lịch sử - Địa lý còn có thể khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước đối với học sinh, phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.
Theo Hải An, để học tốt môn Lịch sử, không chỉ học theo sách giáo khoa mà cần tìm hiểu sâu qua sách tham khảo và chịu khó tìm đọc các câu chuyện lịch sử. Người học cần cố gắng hiểu sự kiện thay vì học thuộc lòng và quan trọng phải kết nối được các sự kiện với nhau để dễ nhớ và nhớ lâu. Còn với môn Địa lý, cần tập trung phân tích bản đồ, chú ý đến các số liệu và liên hệ với thực tế. Ngoài học trên lớp, em và các bạn cũng xây dựng hình thức học tập theo nhóm để trao đổi và giải đáp thắc mắc lẫn nhau, giúp việc học trở nên nhẹ nhàng hơn.
“Khi trở thành giáo viên, em sẽ cố gắng truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách tốt nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế, ứng dụng tốt công nghệ thông tin để các tiết học trở nên sinh động, thu hút, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ”.
Cảm nhận về giảng đường, Hải An chia sẻ: TPHCM là nơi “phồn hoa đô thị”, cuộc sống của em khi xa nhà, xa quê chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Hiện tại, sau giờ học, em đi làm thêm công việc chạy bàn để có tiền đỡ cho cha gánh nặng kinh tế. “Dù khó khăn em sẽ nỗ lực học tập thật tốt, không phụ lòng cha mẹ, thầy cô. Song song việc học, trong trường em cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào, tiếp tục phát huy năng khiếu văn nghệ, làm MC… từ khi còn học THPT, để có thể phát triển bản thân toàn diện hơn”, Hải An tâm sự.
Cả hai bạn trẻ đều có chung nguyện vọng sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm được trở về cống hiến cho quê hương, đóng góp cho ngôi trường đã nuôi dưỡng tâm hồn, chắp cánh cho ước mơ trở thành giáo viên của em.
“Nhiều năm qua, chỉ tiêu có học sinh đạt thủ khoa đầu vào các trường đại học chính quy là chỉ tiêu khó thực hiện nhất trong nghị quyết của nhà trường. Đây là lần đầu tiên nhà trường cùng lúc có hai thủ khoa ngành Sư phạm, đặc biệt hơn là năm nay, ngành Sư phạm lấy điểm trúng tuyển cao (từ 27 điểm trở lên).
Thành tích đạt được của Nguyễn Hải Đăng và Bùi Hải An không chỉ là niềm vui, tự hào của các em và gia đình mà còn trở thành động lực để thầy cô và các thế hệ học sinh Trường THPT Ðầm Dơi nỗ lực hơn trong dạy và học. Nhà trường tin tưởng rằng, các em sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai, góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà”, thầy Phạm Việt Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi chia sẻ.