Giáo viên chủ nhiệm đồng hành, tạo động lực giúp học trò tiến bộ

GD&TĐ - Ở cấp học nào, thầy cô chủ nhiệm đều đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành, tạo động lực để học trò ngày càng tiến bộ.

Cô Phạm Thị Duyến - giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa đoạt giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2024 - 2025. Ảnh: TG
Cô Phạm Thị Duyến - giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa đoạt giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2024 - 2025. Ảnh: TG

Giáo dục bằng tình yêu thương

Là giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 5A1 tại Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Quỳnh cho rằng, ở lứa tuổi tiểu học, GVCN là người động viên, hướng dẫn các em trong bài học và kỹ năng sống hằng ngày. Để hình thành kỹ năng tốt, thầy cô phải dành trọn tình cảm cho các em bằng nhiều việc làm cụ thể và thường xuyên quan tâm đến tâm lý lứa tuổi.

Trong quá trình giảng dạy, cô Quỳnh luôn hỏi han, quan tâm tới học trò, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình không trọn vẹn. Các câu chuyện về chủ đề tình bạn cũng được cô chia sẻ để các em có ý thức xây dựng tình bạn trong sáng ở môi trường học đường. Học sinh có thể chia sẻ cảm nhận về giáo viên, môi trường học tập để thầy cô làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

“Những năm qua, tôi từng gặp học sinh có bố mẹ ly hôn bị ảnh hưởng tâm lý, thiếu động lực trong học tập. Tôi đã nắm bắt thông tin qua nhiều kênh và động viên trò vượt qua sự cố này. Nhiều khi phải lựa theo những câu chuyện trong sách giúp các em vươn lên hoàn cảnh để tập trung học hành, lấy kết quả học tập để chứng minh bản lĩnh và sự nỗ lực của bản thân chứ không chịu đầu hàng số phận”, cô Quỳnh tâm sự.

Ngoài ra, cô Quỳnh luôn tạo điều kiện để học sinh thể hiện khả năng cá nhân thông qua các hoạt động thể dục thể thao hay chơi trò chơi dân gian ngay tại sân trường. Trong một số cuộc họp phụ huynh, học sinh có thể tham gia và báo cáo thành tích học tập để tạo động lực phấn đấu ở học kỳ sau. Đây là cách làm khá đặc biệt để tăng cường sự tự tin và thêm cảm hứng học tập cho học trò.

Để lan tỏa văn hóa đọc, nữ nhà giáo cho học sinh tự tìm, chọn một cuốn sách và sáng tạo phiếu đọc sách hằng tháng để bố mẹ nhận xét về con. Sách phải phù hợp với lứa tuổi học trò và được sự cho phép của cô giáo. Nhà trường đã bố trí những tủ sách ngoài trời, trong lớp học có góc đọc sách, thư viện trường có nhiều sách cho học sinh đọc và tham khảo thông tin qua mô hình thư viện điện tử.

Vừa dạy lớp 1 vừa làm công tác chủ nhiệm tại Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), cô Đào Thị Luyến chia sẻ, hiện còn một bộ phận cha mẹ học sinh có tâm lý phó mặc việc giáo dục trẻ cho thầy cô trên lớp mà chưa thực sự quan tâm sâu sát đến việc học của con em mình khi ở nhà.

Vì thế ở những buổi gặp gỡ đầu năm, cô Luyến thường lắng nghe cha mẹ chia sẻ về đặc điểm của trẻ, từ đó nắm bắt được điểm mạnh, yếu từng em. Đồng thời, cô biết được mong mỏi của phụ huynh trong năm học đầu tiên để xây dựng định hướng cho công tác giảng dạy và chủ nhiệm cho phù hợp.

“Trong buổi họp đầu năm, tôi thường chia sẻ những gì cần chuẩn bị cho trẻ khi vào lớp 1; trẻ đi học về cần học gì, rèn những kỹ năng chính nào. Với trẻ lớp 1 cần rèn nền nếp học, tính tự giác, thói quen tự phục vụ bản thân. Kiến thức lớp 1 không quá khó và nhiều nên GVCN cần rèn kỹ năng nhiều hơn cho trẻ”, cô Luyến nêu quan điểm.

giao-vien-chu-nhiem-2.jpg
Cô Nguyễn Thị Quỳnh - giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa đoạt giải Nhì Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp quận năm học 2024 - 2025. Ảnh: TG.

Phát huy tính sáng tạo

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, cô Đào Thu Hường - GVCN lớp 11D1, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) nhấn mạnh, đặc thù của học sinh THPT bắt đầu có tư duy và tính tự lập cao, quan tâm hơn đến các mối quan hệ xã hội; có nhiều lựa chọn về ngành nghề trong tương lai, chịu áp lực về định hướng nghề nghiệp. Sự thay đổi về tâm sinh lý dễ xảy ra xung đột khi gặp những khúc mắc trong học tập và cuộc sống.

Vì thế, GVCN gặp nhiều vất vả, phải nắm bắt, quản lý tâm lý học sinh phức tạp hơn, đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tốt; xây dựng mối quan hệ tin cậy với học sinh; giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến học tập, tình cảm, định hướng nghề nghiệp của học trò.

Điều này đòi hỏi thầy cô chủ nhiệm cần xây dựng mối quan hệ thầy trò dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ để học sinh phát triển toàn diện. Nhà trường luôn tạo điều kiện và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao cho học sinh tham gia nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Đồng thời, giáo viên tư vấn cho học trò về định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội để các em tham gia vào công tác quản lý lớp.

“Theo tôi, công tác chủ nhiệm lớp ở cấp THPT muốn hiệu quả đòi hỏi thầy cô phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và sự kiên nhẫn hơn so với các cấp học khác. Khi có những giải pháp phù hợp, thầy cô có thể giúp học sinh phát triển toàn diện và đạt được những thành công trong cuộc sống”, cô Đào Thu Hường trao đổi thêm.

Công tác tại Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội), thầy Nguyễn Văn Ninh được phụ huynh và đồng nghiệp ghi nhận những thành công trong vai trò GVCN. Theo thầy Ninh, thông qua Dự án FM và lớp học đảo ngược, học sinh không chỉ cải thiện kỹ năng lập kế hoạch và làm việc nhóm mà còn tự tin thể hiện bản thân. Việc sử dụng công cụ Sway để tạo bản tin tuần giúp cha mẹ học sinh nắm bắt kịp thời tình hình học tập của con em, từ đó tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.

Theo cô Phạm Thị Duyến - giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), thầy cô phải tạo hứng thú và truyền năng lượng tích cực cho học sinh. Trong các tiết học, trò là trung tâm và được chủ động trình bày, nêu vấn đề và giải quyết vấn đề dưới sự gợi ý của giáo viên. Với em học chưa tốt, thầy cô cần tìm ra điểm mạnh để động viên, khích lệ tinh thần để tiếp tục nỗ lực hơn nữa, có tiến bộ từng ngày, đó mới là mục tiêu cuối cùng của giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ