Hà Nội: Tăng chi cho giáo dục, bứt phá trong kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế được thưởng mức cao nhất 300 triệu đồng.

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế được thưởng mức cao nhất 300 triệu đồng. Hà Nội cũng phấn đấu tổng thu ngân sách đạt hơn 505 nghìn tỷ đồng trong năm 2025, đưa thành phố bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Thưởng 300 triệu đồng với Huy chương Vàng

Ngày 10/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ XX, các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định một số thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công và mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của thành phố; Nghị quyết quy định về một số nội dung mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.

Đáng chú ý là Nghị quyết quy định mức tiền thưởng đối với học sinh thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên do TP Hà Nội quản lý đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi trong nước, quốc tế và giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng học sinh đoạt giải cấp quốc gia, khu vực, quốc tế và giải Nhất cấp thành phố.

Theo đó, Nghị quyết quy định mức thưởng đối với 7 nhóm học sinh đạt giải thưởng tại các kỳ thi với mức thưởng thấp nhất là 10 triệu đồng/học sinh và mức thưởng cao nhất là 300 triệu đồng/học sinh.

Học sinh là người dân tộc thiểu số hoặc là người khuyết tật được hưởng mức thưởng bằng 1,5 lần mức thưởng quy định. Trường hợp học sinh vừa là người dân tộc thiểu số vừa là người khuyết tật được hưởng mức thưởng bằng 2 lần mức thưởng quy định.

Nghị quyết cũng quy định mức thưởng đối với tập thể giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng học sinh được hưởng bằng 70% mức tiền thưởng của học sinh. Kinh phí thực hiện do ngân sách cấp thành phố bảo đảm và được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục giao Sở GD&ĐT Hà Nội hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, mức thưởng đối với học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế và tương đương do Bộ GD&ĐT cử tham dự: Huy chương Vàng là 300 triệu đồng; Huy chương Bạc là 200 triệu đồng; Huy chương Đồng là 150 triệu đồng.

Trong khi đó, Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ lực lượng cảnh sát hình sự, lực lượng cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an TP Hà Nội quy định: Hỗ trợ hàng tháng cho sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng cảnh sát hình sự, công an thành phố, công an cấp huyện 3.600.000 đồng/người/tháng.

Hỗ trợ hằng tháng cho sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng cảnh sát hình sự, công an cấp xã, đồn công an 1.800.000 đồng/người/tháng. Hỗ trợ hằng tháng cho sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an thành phố, công an cấp huyện: 3.600.000 đồng/người/tháng. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố.

ha-noi-tang-chi-cho-giao-duc-but-pha-trong-ky-nguyen-moi-1.jpg
Học sinh Trường THCS-THPT Newton trong đội tuyển dự kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế năm 2024. (Ảnh minh họa).

Đặt mục tiêu đưa Hà Nội bứt phá

Cũng trong sáng 10/12, HĐND TP Hà Nội nhất trí biểu quyết thông qua các nội dung về phê chuẩn tổng quyết toán thu, chi ngân sách TP Hà Nội năm 2023 cùng một số nghị quyết khác liên quan tới công tác tài chính.

Theo đó, tại nghị quyết phê chuẩn tổng quyết toán thu, chi ngân sách TP Hà Nội năm 2023, HĐND thành phố phê chuẩn tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 411.497 tỷ đồng; quyết toán thu, chi ngân sách địa phương với số kết dư là 13.200 tỷ đồng. Về ngân sách cấp thành phố, kết dư là 5.470 tỷ đồng.

Về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2025, HĐND quyết nghị tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là: 505.437 tỷ đồng; tổng thu ngân sách địa phương là: 166.124 tỷ đồng.

Về dự toán chi ngân sách địa phương năm 2025, tổng chi là 165.989 tỷ đồng, trong đó, tổng chi ngân sách cấp thành phố là 107.126 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách quận, huyện, thị xã (gồm cả ngân sách cấp xã) là 91.841 tỷ đồng.

Bội thu ngân sách địa phương năm 2025 là 134,2 tỷ đồng. Dự toán chi trả nợ gốc của ngân sách thành phố năm 2025 là 563,2 tỷ đồng. Mức huy động của ngân sách thành phố năm 2025 là 429 tỷ đồng từ nguồn vay lại vốn ODA của Chính phủ.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng đã biểu quyết phê duyệt kế hoạch đầu tư công năm 2025; cập nhật kế hoạch đầu tư công năm 2024 cấp thành phố. HĐND TP thống nhất với các đề xuất, cho phép UBND thành phố thực hiện cơ chế thanh toán linh hoạt như đã được phép thực hiện từ năm 2024 trở về trước.

Thành phố chấp thuận tiếp tục bố trí kế hoạch vốn năm 2025 đối với các dự án cấp thành phố nhóm A, B, C đã quá thời gian bố trí theo khoản 2 Điều 52 của Luật Đầu tư công; chấp thuận danh mục dự án cấp huyện bố trí vốn thực hiện năm 2025 đối với các dự án không đáp ứng thời hạn bố trí vốn thực hiện nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm theo quy định tại khoản 2, Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019.

Ngoài ra, HĐND TP Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm hỗ trợ 3 huyện Thạch Thất, Phú Xuyên, Ứng Hòa thực hiện các dự án phục vụ xây dựng nông thôn mới; chấp thuận danh mục và kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 đối với các dự án sử dụng ngân sách cấp huyện của 2 huyện Đan Phượng, Thạch Thất; thông qua Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Hà Nội.

Trước đó (sáng 9/12), trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, có 23/24 chỉ tiêu hoàn thành và vượt so kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư. Trong đó, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, dự kiến đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ 6,27%). Quy mô GRDP khoảng 58 tỷ USD.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh: Thành phố quyết tâm tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới.

Đặc biệt là quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ