Khẩn trương hoàn thuế

GD&TĐ - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Khẩn trương hoàn thuế

Trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho người dân, doanh nghiệp theo quy định pháp luật, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, tiêu cực.

Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề gỗ, cao su, nhựa… liên tục gửi kiến nghị đến các cơ quan, ban, ngành và Chính phủ về việc không được hoàn thuế VAT và vẫn mòn mỏi chờ đợi tiền hoàn thuế trị giá hàng nghìn tỉ đồng.

Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, số tiền thuế VAT của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là 6.100 tỉ đồng, dẫn đến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn để ổn định sản xuất, hỗ trợ người lao động.

Trong đó, số tiền thuế VAT của các doanh nghiệp xuất khẩu dăm (thuộc Chi hội Dăm gỗ) là hơn 4.000 tỉ đồng. Những doanh nghiệp hội viên Chi hội Gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác cũng chưa được hoàn thuế khoảng 1.600 tỉ đồng.

Số thuế VAT của ngành sắn chưa được hoàn đến cuối tháng 5/2023 cũng khoảng 1.000 tỉ đồng, theo Hiệp hội Sắn Việt Nam.

Còn trong lĩnh vực xuất khẩu cao su, có doanh nghiệp bị “giam” tiền hoàn thuế VAT tới 50 tỉ đồng. Dòng tiền bị tắc, trong khi lãi vay ngân hàng vẫn phải trả, công ty này chồng chất khó khăn và phải tạm ngừng hoạt động vì thiếu vốn.

Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế đã được quy định cụ thể trong Luật Quản lý thuế năm 2019. Theo đó, với trường hợp doanh nghiệp thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, thời gian hoàn thuế là 6 ngày làm việc. Với doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, thời gian hoàn thuế tối đa là 40 ngày.

Luật cũng quy định doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng 3 điều kiện sau sẽ được hoàn thuế VAT: Có hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng. Như vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu đủ điều kiện thì cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế VAT.

Luật quy định là thế nhưng thời gian hoàn thuế trên thực tế kéo rất dài, không tuân thủ luật định. Việc chậm hoàn thuế VAT khiến doanh nghiệp đứt ngang dòng tiền mà họ đã dự kiến sẽ thu về trong kế hoạch tài chính.

Hậu quả từ việc đó là doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị kiện tụng vì vi phạm hợp đồng đã ký kết, phát sinh nợ xấu với ngân hàng và thậm chí có thể là phá sản - đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế rất khó khăn hiện nay.

Vào lúc này, ngành Thuế cần rà soát lại các văn bản chỉ đạo trong ngành, không nên vì một nhóm nhỏ doanh nghiệp gian lận mà chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Quy định của Luật Quản lý thuế là cao nhất, quy trình kiểm tra nội bộ của ngành Thuế không thể vượt qua khuôn khổ này. Theo đó, sau thời hạn quy định trong luật, nếu cơ quan thuế không chứng minh được có gian lận thuế thì phải hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, việc điều tra tiếp theo vẫn được tiến hành, nếu phát hiện gian lận thuế từ kết quả điều tra thì xử lý theo quy định pháp luật. Như vậy mới có thể nhanh chóng hoàn thuế cho doanh nghiệp, người dân như chỉ đạo của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ