Hướng nghiệp kiểu trải nghiệm
Jobex Network là mô hình hướng nghiệp toàn diện kết hợp khoa học tâm lý và trải nghiệm. Nó tác động toàn diện vào các yếu tố ảnh hưởng lên người học như xã hội, nhà trường, gia đình.
Theo nhóm, với tốc độ biến đổi và phát triển của thị trường nghề nghiệp khiến phụ huynh và học sinh khó khăn khi quyết định trước quá nhiều loại hình công việc. Tại Việt Nam, bên cạnh sự tham gia của gia đình, những mô hình hướng nghiệp như: Tham vấn, tư vấn nghề nghiệp trực tiếp hay cung cấp thông tin về đặc thù công việc tại các trường học và trung tâm khá phổ biến.
Tuy nhiên, những hình thức này vẫn chưa chú trọng vào nhu cầu của học sinh và thiếu cơ hội cho người trẻ được chủ động tham gia vào công tác có liên quan trực tiếp đến tương lai của họ.
Hướng nghiệp là chủ đề không quá xa lạ. Nhưng chúng ta chỉ đang tổ chức những chương trình mang tính bề nổi như tư vấn tuyển sinh đại học, tham quan cơ sở doanh nghiệp... mà quên mất giải quyết 3 nhóm năng lực cốt lõi quyết định trực tiếp đến kết quả hướng nghiệp là: Nhận thức bản thân, nhận thức về nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch nghề nghiệp.
“Nhóm đã trăn trở rất nhiều để tìm ra một giải pháp mới, một phương pháp hướng nghiệp có thể tăng mức độ chủ động của người được hướng nghiệp để từ đó đem lại hiệu quả tối đa cho quá trình hướng nghiệp.
Sau khi nghiên cứu, Jobex lựa chọn kết hợp giữa “Hướng nghiệp” và “Học tập trải nghiệm”, một phương pháp giáo dục còn khá mới lạ tại Việt Nam nhưng đã thể hiện được hiệu quả tại nhiều nước giúp học sinh trở nên chủ động hơn trong học tập” - Nguyễn Thị Việt Hà cho biết.
Theo đó, nhóm đã thiết kế các khóa học và chương trình trải nghiệm hướng nghiệp bao gồm 3 hoạt động cốt lõi là Tư vấn hướng nghiệp; Trải nghiệm dự án; Kết nối cố vấn trong doanh nghiệp.
Sự kết hợp giữa Hướng nghiệp và Trải nghiệm nhằm mục đích nâng cao sự tự tin vào khả năng bản thân, thực hiện hoặc trải nghiệm một công việc cụ thể sẽ giúp tăng cảm giác tự tin vào khả năng của người đó khi phải thực hiện công việc đó một lần nữa.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả chia sẻ, khảo sát tại các trường THPT, công tác hướng nghiệp chủ yếu thông qua các môn học, hoạt động lao động sản xuất, giới thiệu các ngành nghề hoặc hoạt động ngoại khoá… Quá trình vận dụng các biện pháp lập kế hoạch hoạt động còn mang nặng tính chủ quan, hình thức, đối phó.
Chưa kể đến việc vận dụng một cách dập khuôn, máy móc, chưa thực sự được đầu tư triệt để, khoa học,và chưa xem xét đến yếu tố có phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi trường hay không.
Đội ngũ JOBEX cũng nhận thấy, một số trường phổ thông hiện nay không có biên chế chính thức làm công tác tư vấn hướng nghiệp nên học sinh và giáo viên không có được sự trợ giúp cần thiết về chuyên môn.
Hơn nữa, việc thiếu phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn, trang bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn cho học sinh.
Hình thức tư vấn chủ yếu được thực hiện theo nhóm rất lớn nên gần như không có tương tác để giải đáp các thắc mắc cho nhiều học sinh.
Ngoài ra, số lượng ngành nghề đề cập trong nội dung giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế, những ngành nghề về nghệ thuật, nghề truyền thống chưa được quan tâm… Vì thế, học sinh không hào hứng với hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Từ đó nhóm đặt ra vấn đề, công tác hướng nghiệp tại trường hiện nay có thực sự đáp ứng đủ nhu cầu mà học sinh vẫn thường mong đợi? Nhất là hoạt động “trải nghiệm” nghề nghiệp trong giáo dục hướng nghiệp tại trường học?
Thay đổi tư duy nhận thức về hướng nghiệp
Tác giả Đàm Thượng Hải chia sẻ kết quả khảo sát bằng hình thức phỏng vấn sâu của dự án JOBEX với 132 phụ huynh có con là học sinh THPT tại nhiều vùng miền. Trong khi các phụ huynh đồng tình về tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp dựa trên năng lực, sở thích, nguyện vọng của con. Nhưng, họ cũng thừa nhận tình trạng không có nhiều thời gian nói chuyện để hiểu rõ tâm tư của con.
Thậm chí, nhiều phụ huynh cho rằng, hướng nghiệp ở lớp 10 vẫn còn quá sớm. Đáng lo ngại hơn, một số cha mẹ còn không nắm rõ việc trường học có tổ chức các buổi sinh hoạt với mục đích giáo dục nghề nghiệp dành cho con.
Hơn nữa, các quan điểm mâu thuẫn, trái chiều và khoảng cách thế hệ đã làm gia tăng căng thẳng giữa phụ huynh và học sinh trong hướng nghiệp. Từ đó, nhiều cha mẹ có những kỳ vọng nhất định, ràng buộc về con đường nghề nghiệp tương lai của con, mà bỏ qua các yếu tố cốt lõi về năng lực, kiến thức, phẩm chất, hay các giá trị tự thân của con.
Quan trọng nhất, học sinh vẫn thiếu động lực tìm hiểu nghề nghiệp thật sự phù hợp với các giá trị bản thân, giá trị công việc mà bản thân kỳ vọng trong tương lai, nên các em dễ bị ảnh hưởng bởi các quyết định của nhà trường, gia đình, bạn bè.
Qua đó, các thành viên của nhóm đều thống nhất chung nhận định, đối tượng cần “tác động” chính là bản thân học sinh.
Dự án này sẽ giúp các em “giải mã” được câu hỏi “Tôi là ai, sứ mệnh của tôi là gì? Hướng tới trang bị cho các em kỹ năng tự nhận thức bản thân, hình thành tư duy tìm kiếm và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn quan trọng trong đời.
JOBEX hướng tới trở thành người bạn đồng hành trọn đời trên hành trình nghề nghiệp của các bạn học sinh với triết lý “Nghề nghiệp phù hợp thực sự không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn là công việc mình sống đúng với sứ mệnh và cảm thấy hạnh phúc”.
Nhóm kỳ vọng dự án ra đời sẽ là một cơ hội giúp các bạn học sinh trước hết là thay đổi tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của việc hướng nghiệp. Sau đó, sẽ có những trải nghiệm thực tế để “cảm được” và “thấm được” về “thế giới bên ngoài” thực sự là như thế nào.
Dự án này đã đạt giải Nhì chung cuộc tại cuộc thi sinh viên sư phạm với ý tưởng khởi nghiệp lần 2.