Để tư vấn hướng nghiệp nâng cao hiệu quả "phân luồng"

GD&TĐ - Công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong trường học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh. Vì vậy, công tác này cần được nhà trường quan tâm, chú trọng và tích cực triển khai trong trường học.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Nhà trường quan tâm tư vấn hướng nghiệp

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, riêng với bậc THPT, giáo dục hướng nghiệp nhằm mục đích giúp học sinh có được ý thức như là chủ thể trong sự lựa chọn nghề nghiệp, có định hướng khi chọn nghề dựa trên cơ sở hiểu biết khoa học về nghề nghiệp, về nhu cầu thị trường lao động cũng như năng lực, sở trường, sức khoẻ của bản thân.

Bà Trần Thị Bích Hợp, Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết, công tác tư vấn hướng nghiệp luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng và bắt đầu triển khai khi học sinh đang học lớp 11. Nhà trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm tư vấn định hướng cho học sinh theo nhóm đối tượng gồm: Qua kết quả học tập, sở trường, hoàn cảnh gia đình, mong muốn, xu hướng việc làm... hướng cho các em vào ngành học rồi chọn trường phù hợp với điều kiện gia đình và khả năng học tập của mỗi học sinh.

Cùng với đó, nhà trường mời chuyên gia về tư vấn hướng nghiệp tới nói chuyện chọn ngành nghề để học sinh có thêm cơ sở lựa chọn cho phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhiều học sinh không xác định được khả năng của mình, chọn ngành học theo số đông và phong trào nên không thành công.

Nhà trường cũng tạo điều kiện cho các trường đại học vào giới thiệu về công tác tuyển sinh và các ngành nghề để các em tham khảo. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các thông tin về thi và tuyển sinh của Bộ, Sở và các trường đại học, cao đẳng để các em học sinh nắm được.

“Năm học này, nhà trường có 650 học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp lớp 12. Các buổi tư vấn hướng nghiệp thực sự giúp ích cho học sinh, nhờ đó ngay từ năm lớp 11 các em đã hình dung được kế hoạch học tập, định hướng ngành nghề, chọn trường đại học, chuẩn bị tâm lý trường thi... giúp học sinh tự tin, phụ huynh yên tâm”, bà Trần Thị Bích Hợp cho biết.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Hiện nay, gần như 100% các trường phổ thông đều có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, có giáo viên tư vấn nghề nghiệp. Hàng năm, tổ chức ngày hội tư vấn, phân luồng học sinh, thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, kết nối các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn để định hướng phân luồng học sinh.

Không chỉ riêng học sinh THPT cần hướng nghiệp, mà ngay từ sớm học sinh THCS cũng cần được định hướng nghề nghiệp tương lai. Trường THCS Thị trấn Văn Điển cho biết, vừa qua trường đã đưa hơn 60 học sinh lớp 9 đến tham quan, tìm hiểu Trường cao đẳng Công thương Hà Nội và Trường THPT Hoàng Mai.

Các em học sinh được trao đổi, thảo luận và được giải đáp các thắc mắc, đồng thời tham quan khuôn viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học tại các lớp học của trường. Đây là một trong những hoạt động hướng nghiệp thiết thực cho học sinh sau THCS nhằm giúp các em có thể lựa chọn đăng ký thi học tiếp lên THPT hay chuyển sang đi học nghề phụ thuộc vào khả năng của mình.

Công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp phổ thông định hướng vào ba con đường chính là: học đại học; học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề và du học. Để truyền tải được hết các nội dung hướng nghiệp, các trường phổ thông thực hiện giáo dục hướng nghiệp thông qua hoạt động dạy các môn văn hoá, dạy nghề phổ thông và dạy môn công nghệ, qua các buổi sinh hoạt hướng nghiệp, các hoạt động tham quan ngoại khoá.

Góp phần nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh

Giáo dục hướng nghiệp có mục đích là hình thành khả năng tự chủ trong việc lựa chọn nghề của học sinh trên cơ sở của sự phù hợp giữa năng lực, hứng thú, sở thích cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động trong các lĩnh vực của xã hội. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả lao động xã hội và làm tốt công tác phân luồng học sinh sau mỗi bậc học. Ở một số nước trên thế giới, điển hình là tại Đức với mô hình đào tạo kép và tại Nhật Bản với mô hình đào tạo Kosen, việc đào tạo song hành học nghề và văn hoá sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể học liên thông lên cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo.

Trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động phân luồng nhằm tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo  học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân. Góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học gặp nhiều khó khăn, nhất là phân luồng sau tốt nghiệp THCS. Điểm mấu chốt quyết định thành công việc phân luồng học sinh là sự định hướng của phụ huynh. Phần lớn các phụ huynh vẫn đặt nặng tâm lý là con em mình phải học xong phổ thông, phải vào được đại học mà chưa tính đến nhu cầu thực tế lao động của xã hội hiện nay. Vì vậy, cấn có nhiều cơ chế khuyến khích người học phân luồng sang giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.