Hướng mở cho các trường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, các ý kiến đều cho rằng, cần điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 theo hướng tăng để bảo đảm nguồn lực...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 97).

Theo đó, một trong những nội dung được dư luận quan tâm là lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Tức là, học phí năm học 2023 - 2024 tăng so với học phí năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, mức tăng thấp hơn so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho người học.

Hiện, nguồn thu của hầu hết cơ sở giáo dục đại học vẫn phụ thuộc vào học phí. Vì thế, khi cơ sở giáo dục đại học được phép tăng học phí trong hạn định, sẽ phần nào giảm bớt khó khăn sau nhiều năm liền không tăng học do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, người học vẫn được chia sẻ, đồng hành thông qua các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và nhiều chính sách khác. Vì thế, quy định trên được các cơ sở giáo dục đại học đồng tình hưởng ứng vì bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và người học.

Tăng hay không tăng học phí là bài toán khó, cần được “nâng lên đặt xuống” bởi liên quan đến nhiều thành phần, đối tượng. Vì thế, mọi quyết sách liên quan đến vấn đề này luôn được Bộ GD&ĐT và các cơ quan tham mưu cân nhắc kỹ lưỡng.

Chẳng thế mà, trong quá trình xây dựng văn bản, các Bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ, xin ý kiến nhiều tập thể, cá nhân để tính toán, đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc điều chỉnh học phí như: Tác động của việc điều chỉnh học phí đến chỉ số giá tiêu dùng CPI và ngân sách nhà nước; Đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017. Cùng với đó là, tính toán để các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm...

Thực tế cho thấy, kể từ khi ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP (năm 2021) đến nay, lộ trình học phí vẫn chưa được áp dụng vào thực tiễn. Nhằm chia sẻ khó khăn với người học, mức thu học phí không tăng trong 3 năm qua do ảnh hưởng của Covid-19.

Nếu theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, mức trần học phí năm học 2023 -2024 sẽ tăng cao. Theo đó, có khối ngành tăng lên gần 100% so với năm học trước. Vô hình trung, việc này trở thành gánh nặng lớn với xã hội. Do đó, tháng 8/2023, Chính phủ chỉ đạo và Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến các địa phương, trường đại học, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81/2021/NĐ-CP cho phù hợp tình hình thực tế.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, các ý kiến đều cho rằng, cần điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 theo hướng tăng để bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt, với các trường đại học công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường) đề nghị tăng học phí để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ. Đây là cơ sở thực tiễn để Bộ GD&ĐT tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 97; trong đó có quy định về học phí của các cơ sở giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ