Cú hích cho giáo dục đại học

GD&TĐ - Hệ thống xếp hạng đối sánh mang tên “University Performance Metrics” (UPM) do nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia vừa được công bố. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hệ thống xếp hạng các trường ĐH trong nước và  khu vực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hệ thống tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1 -5 sao. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0, giúp cơ sở giáo dục đại học xác định, quản trị mục tiêu chiến lược. Đặc biệt, trong hệ thống này có nhiều tiêu chí gắn với các mốc chuẩn của đại học định hướng nghiên cứu quy định tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Việt Nam hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học.

Việc xây dựng và vận hành hệ thống UPM có ý nghĩa trong quản trị đại học. Bởi thời gian qua, dù giáo dục ĐH Việt Nam có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhiều trường được kiểm định và đạt các chuẩn quốc tế nhưng mô hình và cách vận hành vẫn bộc lộ một số vấn đề trong việc đo lường đánh giá. Thực tế này đòi hỏi phải có bộ công cụ quản lý chất lượng phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là để đối sánh các chỉ số bảo đảm chất lượng giữa  cơ sở giáo dục ĐH. 

Được nghiên cứu và phát triển bởi các nhà khoa học Việt Nam, UPM như một trung tâm dữ liệu và phân tích, bộ chỉ số có thể hỗ trợ tư vấn cho hệ thống giáo dục đại học quốc gia. Cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng các tiêu chí, chỉ số để tự đánh giá kết quả hoạt động, đồng thời, coi đây là công cụ để quản trị chiến lược, thương hiệu, đối tác. Người học có được những thông tin chính xác về trường đại học để có thể lựa lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược nhân sự, kế hoạch tuyển dụng và hợp tác chuyển giao tri thức…

Không chỉ mang lại ý nghĩa với giáo dục ĐH nước nhà, UPM còn thể hiện sự đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển giáo dục ĐH khu vực. Nếu như các bảng xếp hạng thế giới hiện nay chỉ quan tâm đến tốp 1.000 đại học xuất sắc (chỉ chiếm 3%), UPM quan tâm đến đông đảo cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và khu vực còn lại. TS Choltis Dhirathiti, Tổng Giám đốc điều hành AUN nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, hệ thống tiêu chuẩn và các chỉ báo của UPM sẽ được sử dụng như một công cụ, không những giúp trường đại học tự đối sánh và điều chỉnh chất lượng, mà còn là một trong những cơ sở giúp AUN củng cố và mở rộng mạng lưới”.

Đến nay có gần 40 trường đại học Việt Nam và ASEAN sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng. Kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên cho gần 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN cũng đã được công bố, phản ánh khá rõ ràng về chất lượng của các đơn vị. Mặc dù số lượng trường ĐH  tham gia đối sánh với hệ thống UPM bước đầu còn khiêm tốn nhưng với việc mang lại thông tin hữu ích, nhiều chiều đến các bên liên quan, qua đó giúp cải thiện công tác quản trị, nâng cao chất lượng, UPM được kỳ vọng sẽ tạo cú hích đáng kể cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.