"Hồn Trương Ba, da hàng thịt": Lột tả khát vọng sống là chính mình

GD&TĐ - “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ được viết vào năm 1981 và được công diễn vào năm 1984. Từ một cốt truyện dân gian, tác giả đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ có ý nghĩa tư tưởng, gửi gắm triết lý nhân sinh sâu sắc qua bi kịch éo le của nhân vật hồn Trương Ba.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được làm mới ở thể loại kịch hình thể. Ảnh minh họa (IT)
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được làm mới ở thể loại kịch hình thể. Ảnh minh họa (IT)

Trong truyện dân gian, Hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt dẫn tới việc tranh chấp chồng của hai bà vợ phải đưa ra xử, bà Trương Ba thắng kiện được đưa chồng về. Lưu Quang Vũ khai thác tình huống kịch bắt đầu ở chỗ kết thúc của tích truyện dân gian. Khi hồn Trương Ba được sống trong xác anh hàng thịt, mọi sự càng trở nên rắc rối, éo le để rồi cuối cùng đau khổ, tuyệt vọng khiến Hồn Trương Ba không chịu nổi phải cầu xin Đế Thích cho mình được chết hẳn. Quá trình Hồn Trương Ba tự đấu tranh với chính bản thân mình để thoát khỏi nghịch cảnh trên cũng là hành trình để được sống là tôi toàn vẹn, sống là chính mình.

Đau khổ vì “trong một đằng, ngoài một nẻo”

Do sự vô tâm và tắc trách của Nam Tào, Trương Ba phải chết một cách oan uổng, Nam Tào sửa sai bằng cách cho hồn Trương Ba sống nhờ thể xác anh hàng thịt vừa mới chết. Sau mấy tháng sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, nhân vật Hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với bạn bè, người thân trong gia đình và tự chán ghét chính mình, muốn thoát ra khỏi nghịch cảnh trớ trêu.

Linh hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính thẳng thắn của Trương Ba dần dần bị xác thịt thô lỗ của anh hàng thịt sai khiến, đứng trước nguy cơ bị tha hóa. Ý thức được điều đó, Hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ: “Ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy” với một lời độc thoại đầy khẩn thiết:

“- Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải là của tôi này lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng, thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát”.

Hồn Trương Ba đã nhận thức sâu sắc về sự thay đổi của bản thân trong thân xác anh hàng thịt. Hồn bức bối, muốn thoát ra khỏi thân xác. Nhà văn Lưu Quang Vũ đã mở ra cuộc đối thoại giữa xác và hồn giúp nhân vật ý thức rõ hơn bi kịch của chính mình.

Trong cuộc đối thoại với xác anh hàng thịt, Hồn Trương Ba ở vào thế yếu, đuối lí bởi xác nói những điều mà dù muốn hay không muốn hồn vẫn phải thừa nhận (cái đêm khi ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với “tay chân run rẩy”, “hơi thở nóng rực”, “cổ nghẹn lại” và “suýt nữa thì...”. Đó là cảm giác “xao xuyến” trước những món ăn mà trước đây Hồn cho là “phàm”. Đó là cái lần ông tát thằng con ông “tóe máu mồm máu mũi”…). Xác lên mặt dạy đời, chỉ trích, châm chọc: Tuyên bố sức mạnh âm u, đui mù ghê gớm của mình; còn ve vãn hồn thỏa hiệp với “trò chơi tâm hồn” Vì: “Chẳng còn cách nào khác đâu”, “cả hai đã hòa nhau làm một rồi”.

Trước những “lí lẽ đê tiện” của xác ban đầu, Hồn Trương Ba nổi giận, khinh bỉ, mắng xác thịt hèn hạ, khẳng định “ta có đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Sau đó, hồn ngậm ngùi thấm thía nghịch cảnh của mình nên chỉ nói những lời thoại ngắn với giọng nhát gừng kèm theo những tiếng than, tiếng kêu. Có thể nói, sau khi đối thoại với xác hàng thịt, dù đã nhận ra nghịch cảnh của bản thân, thấy được nguy cơ tha hóa và bị cái dung tục ngự trị, lấn át cả linh hồn cao khiết của mình, nhưng Hồn Trương Ba vẫn chưa tìm được lối thoát, vẫn phải nhập trở lại vào xác trong sự tuyệt vọng, đau đớn và bế tắc.

Một cảnh trong vở diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Ảnh minh họa (IT)
Một cảnh trong vở diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Ảnh minh họa (IT)

Đấu tranh để tự hoàn thiện mình

Nỗi đau khổ, tuyệt vọng của Hồn Trương Ba càng được đẩy lên khi đối thoại với những người thân, đó là bi kịch không được thừa nhận, bị người thân xa lánh. Người vợ đã gắn bó với ông giờ đây buồn bã và cứ nhất quyết đòi bỏ đi “đi đâu cũng được… còn hơn là thế này”. Bà đã nói ra cái điều mà chính ông cũng đã cảm nhận được: “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”. Cái Gái, cháu ông giờ đây một mực khước từ tình thân (tôi không phải là cháu ông... Ông nội tôi chết rồi). Cái Gái yêu quý ông nó bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có “bàn tay giết lợn”, bàn chân “to bè như cái xẻng” đã làm “gãy tiệt cái chồi non”, “giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong mảnh vườn của ông nội nó. Thậm chí ông chữa cái diều cho cu Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong cơn sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó, “Ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy”. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”.

Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, thấu hiểu tình cảnh trớ trêu của bố chồng. Chị biết ông “khổ hơn xưa nhiều lắm”. Nhưng chị cũng nhận thấy tình cảnh gia đình “như sắp tan hoang ra cả”, đau đớn phải thốt lên: “Con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”.

Tất cả những người thân yêu của Hồn Trương Ba đều nhận ra và đau khổ trước cái nghịch cảnh trớ trêu, trước sự thay đổi của Hồn Trương Ba. Sự cảm nhận, xa lánh của người thân chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh Trương Ba của hiện tại, một Trương Ba xa lạ với chính người thân, thờ ơ với người xung quanh, thô lỗ, phũ phàng, không còn là người làm vườn thanh cao, trong sạch trước đây nữa.

Phản ứng của người thân giúp Hồn Trương Ba nhận ra sự thật đau đớn “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ”, nhận ra mình đã làm cho người thân phải đau khổ dù không hề mong muốn. Bi kịch của Hồn Trương Ba được đẩy lên đến đỉnh điểm.

Điều đáng quý ở đây là nhân vật Hồn Trương Ba đã không chấp nhận thỏa hiệp nữa, không chấp nhận thực tại đau đớn này nữa. Từ việc vẫn chấp nhận tiếp tục sống trong thân xác hàng thịt ở màn đối thoại trước, giờ đây, ông kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, khước từ việc sống nhờ, sống gửi ấy. Lời độc thoại nội tâm chính là quá trình nhân vật tự vấn, tự đấu tranh với bản thân mình: “Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”.

Kết quả quá trình đấu tranh ấy là quyết định dứt khoát: “Không cần đến cái đời sống do mày mang lại” - không chấp nhận ở trong thân xác anh hàng thịt nữa. Đây là quyết định dũng cảm, thể hiện bước chuyển biến lớn trong nhận thức của Hồn Trương Ba. Trương Ba thắp hương gọi Đế Thích để giải quyết tình trạng quái gở mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” này.

Chấp nhận cái chết để được là chính mình

Trong cuộc đối thoại với Đế Thích, Hồn Trương Ba đã tranh biện quan niệm về sự sống, về hạnh phúc. Ông khước từ việc sống nhờ, sống gửi, sống phải là chính mình toàn vẹn: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”... “- Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. Được sống không phải là tất cả mà quan trọng hơn là sống như thế nào?

Có thể nói, nhân vật Hồn Trương Ba đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác. Trước nguy cơ tự đánh mất mình, nhân vật đã đấu tranh mạnh mẽ, mong muốn được giải thoát khỏi nghịch cảnh để được là chính mình toàn vẹn.

Với mong muốn Trương Ba được sống với bất cứ giá nào, Đế Thích đưa ra một giải pháp có vẻ ít rắc rối hơn: Cho Hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Đến đây, hồn Trương Ba lại được thử thách một lần nữa. Liệu có nên chấp nhận nhập vào xác cu Tị để được sống?

Hồn Trương Ba thử hình dung cảnh hồn của mình lại nhập vào xác cu Tị để sống và thấy rõ “bao nhiêu sự rắc rối” vô lí lại tiếp tục xảy ra khi một ông già gần 60 tuổi ở trong thân xác một đứa trẻ mới lên 10, lại là bạn của cháu gái mình. Liệu khi đó, Hồn Trương Ba có được là chính mình toàn vẹn hay không. Nhận thức tỉnh táo ấy cùng tình thương mẹ con cu Tị càng khiến Hồn Trương Ba đi đến quyết định dứt khoát: Xin Đế Thích cho cu Tị sống lại, trả thân xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết.

Qua quyết định này, chúng ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Trương Ba: Con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt, đó là con người ý thức được ý nghĩa của cuộc sống. Nhân vật sẵn sàng đánh đổi sự sống để: “Là tôi trọn vẹn”, là kết quả đấu tranh của một tâm hồn thanh cao trong sáng, vượt lên nghịch cảnh.

Trong đoạn kết, Trương Ba đã được giải thoát khỏi bi kịch. Hồn Trương Ba hóa thành màu xanh của cây vườn, vị thơm ngon của trái na, vẫn quấn quýt với người thân, gần gũi nơi bậc cửa, trong ánh lửa, nơi cầu ao, trong cơi trầu, con dao… của vợ con thương yêu. Cho dù không sống nhờ một thân xác nào cả, hồn Trương Ba cao khiết vẫn sống mãi trong trái tim những người thân yêu, vẫn bất tử trong cõi đời. Cái kết đầy chất thơ ấy đã làm cho tư tưởng nhân văn tỏa sáng tác phẩm.

Như vậy, từ sự thỏa hiệp sống chung với xác hàng thịt đến quyết định chấp nhận cái chết là quá trình chuyển biến tư tưởng của hồn Trương Ba; cũng là quá trình nhân vật tự đấu tranh để hoàn thiện chính bản thân, để được sống là chính mình.

Thông qua quá trình đấu tranh tư tưởng của nhân vật, Lưu Quang Vũ gửi gắm những triết lí nhân sinh sâu sắc. Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Sự sống là đáng quý nhưng được sống là chính mình, sống trọn vẹn, hài hòa giữa thể xác và tâm hồn còn đáng quý hơn nhiều. Con người phải luôn luôn đấu tranh với nghịch cảnh, chống lại sự tầm thường, dung tục để hoàn thiện nhân cách. Đọc “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, độc giả tìm thấy trong cách kể của Lưu Quang Vũ như “một bi kịch triết lí thời nay với hai chiều kích đan thoa: Chiều kích nhân sinh, xã hội và chiều kích bản thể siêu hình …” (Phạm Vĩnh Cư).

Lưu Quang Vũ là “hiện tượng” đặc biệt của sân khấu kịch những năm 80 của thế kỉ XX, một trong những nhà soạn kịch tài năng của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Cho đến nay, sau một độ lùi thời gian cần thiết, nhiều vở kịch của ông vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng. Sức hấp dẫn của kịch Lưu Quang Vũ là chiều sâu những giá trị muôn thuở được thể hiện qua ngôn ngữ kịch vừa đời thường, vừa thấm đẫm chất thơ cùng màu sắc triết lí nhân sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ