Những thông điệp không cũ
Nhà hát Tuổi trẻ là nơi đầu tiên dàn dựng vở kịch đầu tay “Sống mãi tuổi 17” của Lưu Quang Vũ vào năm 1980. Đây là dấu mốc mở ra sự nghiệp sân khấu tuy ngắn ngủi nhưng hết sức sôi động của Lưu Quang Vũ.
Cho đến nay Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng và công diễn 15 vở kịch của Lưu Quang Vũ... Năm nay, đầu tháng 8 Nhà hát Tuổi trẻ đã khởi động “Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ”.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 10/8, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ đã gửi tới khán giả yêu thích nghệ thuật kịch nói qua các tác phẩm đặc sắc “Tin ở hoa hồng”. Vở kịch do NSƯT Chí Trung làm đạo diễn.
Nghệ sĩ Chí Trung cho biết, kịch bản “Tin ở hoa hồng” được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết năm 1982. Năm 1985, vở “Tin ở hoa hồng” đã được NSND Lê Hùng dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Lần diễn này, vở diễn được chăm chút kỹ lưỡng về mặt nghệ thuật cũng như hình thức thể hiện với phần âm nhạc của Tiến Minh, thiết kế mỹ thuật của NSƯT Doãn Bằng.
“Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ” năm nay khán giả còn được xem các vở “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” với sự tham gia diễn xuất của các gương mặt quen thuộc như NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Khuê, Vân Dung, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Thanh Sơn, Bá Anh… Trong đó, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” là vở kịch giả tưởng duy nhất của tác giả Lưu Quang Vũ với nhiều yếu tố mới lạ và vô cùng hấp dẫn.
Câu chuyện thể hiện nhãn quan vượt thời đại khi đi sâu khai thác những yếu tố hết sức mới mẻ ngay cả trong cuộc sống đương đại của tác giả.
Bởi thế mới nói, những vở kịch do nhà thơ Lưu Quang Vũ sáng tác dù đã trải qua gần nửa thập kỷ như “Bệnh sĩ”, “Lời thề thứ 9”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” hay “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” vẫn không hề bị lạc hậu, lỗi thời mà luôn chứa đựng tính thời sự với những vấn đề bức thiết trong cuộc sống, trong xã hội và xứng đáng đứng vào hàng kinh điển.
Và đây cũng chính là lý do, trong suốt 40 năm qua, gia tài kịch nghệ của Lưu Quang Vũ gồm khoảng 50 vở kịch luôn được các nhà hát Trung ương và các địa phương tìm tòi để dàn dựng lại và vẫn trở thành những món ăn tinh thần hấp dẫn với những khán giả yêu mến sân khấu.
Khoảng trống khó bù đắp
Còn nhớ tại hội thảo mang chủ đề “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ, nhà quản lý, tác giả, đạo diễn đã được đưa ra, nêu bật những đóng góp của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu nước nhà.
NSND Lê Tiến Thọ nhìn nhận, cho đến hôm nay, sau hơn 30 năm, có thể khẳng định Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch có số lượng tác phẩm gây chấn động dư luận nhất của Việt Nam.
Sự ra đi đột ngột của “hiện tượng Lưu Quang Vũ”, sân khấu Việt Nam vẫn chưa có tác giả nào bù đắp được khoảng trống mà Lưu Quang Vũ để lại... Lưu Quang Vũ ra đi ở tuổi 40, nhưng những tháng năm ngắn ngủi của đời mình, ông đã sống, lao động miệt mài thắp lên ngọn lửa sáng tạo.
“Cho đến hôm nay chúng ta vẫn thấy ngọn lửa ấy ngày càng sáng hơn và như vậy những người thân của Lưu Quang Vũ được an ủi, khi ông “đi xa” vẫn đón nhận được tình cảm yêu mến của bạn bè, công chúng đối với người nghệ sĩ tài hoa” - NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Lưu Khánh Thơ - em gái của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ chia sẻ: Lưu Quang Vũ đã chứng tỏ một sự nhạy cảm đặc biệt, một khả năng phát hiện, nắm bắt cái “lõi” của hiện thực để phản ánh.
Ngòi bút của Lưu Quang Vũ đã xông vào hầu hết mọi ngõ ngách của cuộc sống cũng như tâm hồn của con người.
“Mỗi một vở kịch là một mặt cắt của hiện thực. Anh Lưu Quang Vũ gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm, khát vọng, những trăn trở về tình yêu, hạnh phúc, những suy tư về lẽ sống, lẽ làm người, cả những dự cảm về sự sống và cái chết…”, PGS.TS Lưu Khánh Thơ nhấn mạnh.
Chiến binh nghệ thuật nhân ái
Đánh giá về một trong những tác phẩm kinh điển: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của ông, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Đây là một kịch bản đã gánh chịu một số phận long đong, vất vả. Sau nhiều nỗ lực Nhà hát Kịch Việt Nam và đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi, từ kịch bản, năm 1986 đã ra đời vở diễn chói sáng và lộng lẫy nhất của Nhà hát cuối thế kỷ 20.
Thành công liên tiếp theo thời gian, đến nay “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã trở thành vở diễn thể loại kịch, theo tôi có lẽ là duy nhất ở sân khấu Việt Nam, đạt được tới một số phận văn hóa”.
Về tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, thì hầu hết các chuyên gia sân khấu và bạn nghề đều đánh giá đây là tác phẩm xuất sắc và có tầm nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch nói trên không còn ở phạm vi một tác phẩm thông thường mà nó đã vượt lên và mang tính triết học sâu sắc về cuộc sống và con người dựa trên các cặp phạm trù triết học: Hình thức và nội dung, cái tốt đẹp và cái xấu xa…
Đồng quan điểm, NSƯT Lê Chức cho rằng: “Chúng tôi là những nghệ sĩ cùng thời, cùng làm việc và cảm nhận trực tiếp về nhau, đón đợi từng thành công và biết chia sẻ cả những khó khăn của nhau. Có thể khẳng định, Lưu Quang Vũ là người “chiến binh” nhân ái của thơ ca và sân khấu”.
Trong khi đó, NSND Doãn Châu bày tỏ: Cho đến hôm nay, nhìn lại những gì Lưu Quang Vũ đã tâm huyết, đã rút ruột ra cho những tác phẩm của mình, tôi lại càng cảm phục và yêu quý Vũ bội phần vì hiểu được rằng: Vũ yêu quý đất nước này vô cùng.
Yêu từ thiên nhiên núi rừng hùng vĩ tới biển bờ bao la bát ngát... cho tới vị mặn của muối, vị đắng của măng rừng, cho đến những bờ cây, bụi cỏ ven đường… Rồi những mùi vị của hương cây bếp lửa, mùi khói lam chiều trên những mái dạ…