(GD&TĐ) - Không thể phủ nhận vấn đề Syria đã phả hơi nóng vào Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vừa kết thúc ở St.Petersburg. Tuy nhiên, vì có quá nhiều ý kiến trái chiều giữa các nước thành viên tham dự hội nghị nên câu chuyện mang tên Syria chỉ diễn ra bên lề, các biện pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế, duy trì tăng trưởng vẫn là đề tài chủ yếu trong chương trình nghị sự của hội nghị.
Tiền vẫn quan trọng hơn tất cả
Chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này là làm thế nào có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm thế nào để tăng trưởng kinh tế trở lại bình thường. Không có tranh luận, không có chiến tranh cục bộ, không có chuyện chạy trốn kiểu như Edward Snowdon... bởi một lẽ đơn giản - tiền quan trọng hơn tất cả.
Đồng tiền đòi hỏi tất cả phải ngồi lại với nhau để đàm đạo, để thoả thuận. Điều hết sức quan trọng rằng hội nghị diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn chưa thể chấm dứt, trong khi các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Brasin - động lực kích thích tăng trưởng toàn cầu thời khủng hoảng đang chứng kiến sự sụt giảm cả về tăng trưởng và đầu tư. Với Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng 12% của nước này kéo dài hơn 10 năm trời, nay chỉ còn 7%. Cuộc khủng hoảng ngoại hối ở Ấn Độ đang để lại nhiều lo ngại.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, các biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo việc làm mới đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình khắc phục khủng hoảng. Tai hội nghị lần này, các đại biểu tập trung thảo luận về trật tự kinh tế thế giới, chống tham nhũng, chống thất nghiệp, tội phạm thuế...
G-20 đặc biệt quan tâm đến thực trạng trốn thuế và gian lận thuế, coi đây là vấn đề hết sức nhạy cảm mà lãnh đạo các chính phủ phải chung tay giải quyết. Điều làm G-20 hết sức quan tâm rằng phải khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư, không cho Mỹ hay Nhật loại bỏ các biện pháp chống khủng hoảng trong bối cảnh hai nước này có dấu hiệu thoát khỏi khủng hoảng.
Như vậy, kinh tế đã thắng chính trị. Có thực mới vực được đạo, thực tế vẫn “như cây đời mãi mãi xanh tươi”. Còn nhớ vào năm 2008, khi châu Âu chẳng muốn nghe đến cái tên G.W Bush, khi Moskva và Washington suýt sa vào cuộc chiến vì một nước nhỏ - Gruzia. Tuy nhiên, khả năng sụp đổ của nền tài chính thế giới đã thu hút hầu như tất cả các nhà lãnh đạo của thế giới ngồi lại với nhau.
V.Putin đón Barack Obama tại St. Petersburg ngày 5/9 |
Nóng chuyện Syria
Mặc dù không được chủ nhà Nga đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại St.Petersburg lần này nhưng tình hình Syria đã phả hơi nóng bao trùm cả hội nghị. Có thể nói quan điểm của các nước về Syria rất khác nhau. Chính vì vậy, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở St.Petersburg các thành viên của khối tự hình thành nên các nhóm để tranh luận, để trao đổi. Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông D.Peskov, trong bữa ăn tối 5/9 đã diễn ra cuộc thảo luận về vấn đề Syria và số người ủng hộ cuộc tấn công ngang bằng với số người phản đối.
Tổng thống Barack Obama muốn thông qua hội nghị G-20 lần này để tạo dựng một liên minh quốc tế hậu thuẫn cho quyết định tấn công của Mỹ vào các mục tiêu quân sự của Syria. Tuy nhiên, ngoài Pháp, không lãnh đạo quốc gia thành viên G-20 nào sẵn sàng ủng hộ quyết định “mạo hiểm và liều lĩnh” của Mỹ. Trong cuộc họp báo chiều 5/9, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso nhấn mạnh rằng EU ngả theo “một giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng Syria. Còn Chủ tịch EU Herman van Rompuy khẳng định như đinh đóng cột rằng EU “không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Syria”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon phản đối giải pháp quân sự cho Syria đã đành, ngay cả Giáo hoàng Francis cũng gửi thư cho V.Putin kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới “từ bỏ theo đuổi giải pháp quân sự vô nghĩa” ở Syria nhân ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G-20.
Có thể nói, đây là một thắng lợi lớn đối với nước Nga. Từ chỗ gần như bị cô lập trong việc giải quyết định xung đột ở Syria, Moskva đã lấy lại vị thế vốn có của một siêu cường. Giờ đây, chỉ có Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi là những nước sẵn sàng “chia lửa” với Washington trong quyết định tấn công gây tranh cãi của Mỹ vào Syria. Barack Obama đến bữa ăn tối muộn đến 1 tiếng đồng hồ và không tham gia vào cuộc dạo chơi cùng các nhà lãnh đạo G-20 ở cung điện mùa hè Petergov trước đó. Một lẽ đơn giản, Barack Obama không thể thuyết phục được V.Putin như trước đó ông từng kỳ vọng. Đúng như bình luận của tờ The Times rằng giờ là “thời điểm của V.Putin”, rằng chỉ có ông mới có thể “làm được điều gì đó tốt đẹp” và chấm dứt chiến tranh.
Duy Long (TH)