Học viên lớp xoá mù chữ vào rừng đào măng, hái rau tặng thầy cô giáo

GD&TĐ - Bày tỏ sự biết ơn đối với các thầy cô giáo lớp xoá mù chữ, nhiều học viên đồng bào DTTS đã vào rừng đào măng, hái rau tặng cho các thầy cô.

Học viên lớp xoá mù chữ vào rừng đào măng, hái rau tặng thầy cô giáo.
Học viên lớp xoá mù chữ vào rừng đào măng, hái rau tặng thầy cô giáo.

Những món quà đặc biệt

Thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La, huyện Pác Nặm là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, Dao, với 67 hộ, 361 nhân khẩu. Đời sống bà con còn rất khó khăn, 100% là hộ nghèo. Hầu hết những người lớn tuổi trong thôn đều chưa biết chữ, trước đây thôn chưa có điểm trường, đường xá đi lại khó khăn, nên những lớp người lớn tuổi chưa được tiếp cận con chữ.

Với mục tiêu nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, lớp học xoá mù chữ đã được tổ chức tại thôn Khuổi Bốc với gần 30 học viên.

Ở vùng đất nghèo khó này, thầy cô không chỉ phải lặn lội đến từng nhà vận động, giúp đỡ các em học sinh đi học mà còn tích cực vận động các ông bà, cha mẹ tới lớp học chữ. Chính sự tận tâm, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng cao của các thầy cô giáo đã tạo động lực cho nhiều học viên được mở mang, nâng cao dân trí.

Chị Triệu Thị Nhệ, người dân tộc Dao, xã Xuân La, huyện Pác Nặm cho biết: Được sự khích lệ động viên từ chính quyền địa phương và các thầy cô giáo, chị Nhệ đã tham gia lớp học xoá mù chữ. Ban đầu đi học còn mặc cảm nhiều lắm, bởi tôi nói tiếng kinh chưa sõi, công việc nhiều, phải vào rừng tìm củi, tìm măng, hái rau để duy trì cuộc sống.

Thế nhưng, các thầy cô không chỉ đến tận nhà vận động tới lớp, mà còn giúp đỡ tôi một số công việc. Có hôm nhiều việc, các cô còn tranh thủ tới tận nhà để hướng dẫn và giao bài tập, nhờ vậy nên sau một thời gian, tôi đã biết đọc, biết viết, tôi vui lắm.

Thấy các thầy cô vất vả, nhiệt tình với học viên, nhà tôi không có gì, có hôm đi rừng đào măng, nhặt củi thì mang cho cô giáo mấy cây măng rừng, trái bí, quả đu đủ… làm quà tặng để bày tỏ tình cảm với thầy cô giáo.

Còn đối với chị Triệu Thị Pham, người dân tộc Dao, xã Xuân La, huyện Pác Nặm chia sẻ: Nhiều tuổi, lâu rồi không học nên cũng khó tiếp thu, học chữ khó khăn hơn làm ruộng nhiều. Nhờ các cô và học thêm cùng cháu nay, tôi đã biết viết, biết đọc tên của mình. Đi học mới thấy các thầy cô cũng vất vả nhiều lắm, đường xa, đi lại khó khăn, đặc biệt là mùa đông rét mướt, sương mù bao trùm dày đặc. Nhưng khó khăn vất vả thế, các thầy cô vẫn cố gắng nỗ lực truyền động lực cho học viên như chúng tôi tới lớp.

Các cô cũng thường xuyên mua thêm tấm bánh, cốc nước cho học viên giờ nghỉ giải lao. Biết ơn các cô, tôi cũng như bao học viên khác, lên rừng hái thêm bó rau rừng, khi thì quả me, lúc thì bìa đậu mang để tặng cho các cô. Ở vùng cao hoàn cảnh khó khăn, chỉ có chút tình cảm vậy thôi. Chị Pham chia sẻ.

Học viên lớp xoá mù chữ ở vùng cao đều là người DTTS và có hoàn cảnh khó khăn.

Học viên lớp xoá mù chữ ở vùng cao đều là người DTTS và có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy cô khắc phục khó khăn gắn bó với bà con vùng cao

Cô giáo Hoàng Thị Diệm, giáo viên trường Tiểu học Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Việc dạy chữ cho học trò đã khó, nhưng dạy chữ cho đối tượng cao tuổi còn khó hơn gấp nhiều lần, do khả năng tiếp thu cũng hạn chế. Bởi vậy, để giúp bà con biết đọc, biết biết, không chỉ là khắc phục khó khăn, lòng yêu nghề, mà hơn hết là tình cảm gắn bó với vùng đất, bà con nơi đây.

Dạy học ở vùng cao nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi cũng có những niềm vui riêng đó là sự nỗ lực, cố gắng của học viên, sự thay đổi từ nhận thức, tư duy, khắc phục sự mặc cảm tự ti để trở nên tự tin hơn. Chúng tôi cũng vô cùng xúc động khi được các học viên tặng cho những món quà bình dị như măng rừng, bó củi, mớ rau hay miếng đậu…

Những bó rau, củ măng còn lấm lem bùn đất, được gói gém cẩn thận trong phiến lá, các học viên mang đến tặng còn e dè, ngại ngùng.

Dù món quà rất bình dị, giản đơn nhưng qua đó mới thấy được sự quan tâm, tình cảm trân quý mà các học viên dành cho những giáo viên đứng lớp. Đây cũng là động lực để mỗi giáo viên có thêm niềm tin, tiếp tục cố gắng nỗ lực truyền dạy kiến thức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ