Niềm vui nhỏ của cô giáo dạy xoá mù chữ

GD&TĐ - Lớp học xoá mù chữ có nhiều độ tuổi khác nhau, cô Nông Thị Thơ luôn linh hoạt phương pháp giảng dạy cũng như gần gũi để động viên học viên đi học.

Cô Hoàng Thị Thơ, giáo viên dạy Trường Tiểu học Lương Năng (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cùng học viên lớp xoá mù chữ. Ảnh NVCC.
Cô Hoàng Thị Thơ, giáo viên dạy Trường Tiểu học Lương Năng (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cùng học viên lớp xoá mù chữ. Ảnh NVCC.

Gần gũi sẻ chia cùng học viên

Cô Hoàng Thị Thơ, giáo viên dạy Trường Tiểu học Lương Năng (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy cho học viên xoá mù chữ, tôi phần nào đó cũng bị áp lực. Vì vậy, tôi đã vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm bản thân tích luỹ được trong thời gian hơn 20 năm công tác để nghiên cứu phương pháp dạy hiệu quả nhất.

Mỗi tiết học, tôi cố gắng cho học viên ôn lại bài cũ trước khi dạy bài mới. Trong quá trình giảng dạy tìm hiểu kỹ người học hổng kiến thức ở chỗ nào nhằm hướng dẫn, gia cố lại, tránh tình trạng học viên thấy khó chán nản, không muốn học”.

Mặt khác, cô Thơ luôn gần gũi động viên học viên cố gắng học để biết cái chữ nhằm cải thiện đời sống của bản thân và gia đình.

Cô Thơ nhớ lại: “Buổi học đầu tiên, lớp đang rời rạc, sự tự ti, e ngại vì lớn tuổi mới đi học hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Thay vì vào học ngay, tôi nói chuyện thân mật, gần gũi, cởi mở chân thành với học viên.

Trước mỗi buổi học, tôi tâm sự với các học viên để nắm được hoàn cảnh, nguyện vọng của từng người. Tôi luôn yêu thương xem học viên của mình như những người bạn hay chị em của mình để không có khoảng cách cô trò hay áp lực trong quá trình học”.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở Trường Tiểu học Lương Năng. Ảnh NT.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ ở Trường Tiểu học Lương Năng. Ảnh NT.

Với đặc thù học viên lớp xoá mù chữ ở nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau, mức độ tiếp thu bài cũng chậm vì vậy ngoài tiết học trên lớp, cô còn tận dụng mạng xã hội để lập nhóm zalo để gia cố lại kiến thức cho học viên trong quá trình tự ôn bài ở nhà.

Cô Nông Thị Thơ chia sẻ: “Giáo viên giảng dạy lớp xoá mù chữ muốn học viên tham gia đầy đủ phải linh động thời gian học. Thậm chí lớp tôi chủ nhiệm, mùa gặt tôi sẽ cho học viên học vào buổi trưa, chiều tối, buổi tối; địa điểm học không nhất thiết phải học ở trường chính mà linh động học tại các nhà văn hóa thôn nơi có học viên theo học đông nhất”.

Bỏ bữa để học viên không phải chờ

Giáo viên giảng dạy lớp xoá mù chữ niềm vui lớn nhất chính là học viên biết đọc, biết viết, đi học đầy đủ, vui vẻ và hứng thú trong học tập.

Cô Thơ kể lại: “Học viên tâm sự với tôi, trước đây khi chưa biết chữ mỗi khi muốn liên lạc với người thân, bạn bè họ chỉ nhắn tin bằng hội thoại. Nhưng khi đã biết đọc, viết thì rất thích nhắn tin bằng cách gõ chữ trên điện thoại. Từ thực tế đó, tôi phân tích thêm cho học viên những giá trị của con chữ, biết chữ bạn sẽ ứng dụng công nghệ vào nuôi, trồng sản xuất đuổi nghèo đói rời xa”.

Cũng vì thế nhiều hôm thấy học viên nhắn tin đã đến lớp, cô Thơ không kịp ăn trưa mà đến lớp dạy để học viên không phải chờ lâu.

Năm 2023, Phòng GD&ĐT Văn Quan đã mở được 8 lớp xoá mù chữ với 92 học viên tại 5 xã gồm Trấn Ninh, Tri Lễ, Liên Hội, An Sơn, Lương Năng. Sau một thời gian tổ chức dạy học, các học viên đã biết đọc, biết viết, biết tính toán. Để có được kết quả đó, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng từ giáo viên về hưu, học sinh, thanh niên, hội phụ nữ… để tham gia vào công tác xoá mù chữ.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, tính đến tháng 12/2022, số người chưa biết chữ mức độ 1 trên địa bàn tỉnh là 62 người trong độ tuổi 15 – 25 chiếm 0.05%; 766 người trong độ tuổi 15 - 35 chiếm 0,27% dân số; 5665 người trong độ tuổi 15 - 60 chiếm 1,00% dân số.

Số người chưa biết chữ mức độ 2 là 102 người trong độ tuổi 15 - 25 chiếm 0,09%; 1821 người trong độ tuổi 15 - 35 chiếm 0,65%; 23354 người trong độ tuổi 15 - 60 chiếm 4,13%.

Số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1: 3/200, tỷ lệ: 1,500%; số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 197/200, tỷ lệ 98,50%;

Số huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1: 0/11, tỷ lệ: 0%; số huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 11/11, tỷ lệ: 100%; toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ