Đến nay đã có 1317 học viên tham gia lớp xoá mù chữ
Năm 2022 tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện mở được 12 lớp xóa mù chữ cho 434 học viên; từ tháng 1 đến tháng 9/2023 trên địa bàn tỉnh mở được 58 lớp cho 1317 học viên, dự kiến cuối năm 2023 mở thêm 2 lớp cho 42 học viên.
Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức từ các cấp, các ngành đến người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ.
Sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT, các trung tâm học tập cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng; phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ.
Hiện Sở GD&ĐT đã trang bị 200 trang thông tin điện tử cho 200 trung tâm học tập cộng đồng; ban hành Quy chế hoạt động của trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ ngành giáo dục tỉnh.
Song song với đó, trong công tác xóa mù chữ Sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức tuyên truyền tới người dân trên địa bàn trong cuộc họp dân của thôn, xã, lồng ghép tuyên truyền trong các chuyên đề về phát triển kinh tế, tiếp cận hộ gia đình tuyên truyền về lợi ích của việc biết chữ, huy động người dân tham gia học tập.
Tổ chức mở lớp học theo hình thức linh hoạt, phù hợp với tập quán sinh hoạt và canh tác của học viên, đảm bảo cho học viên vừa làm kinh tế vừa tham gia học tập nâng cao kiến thức, hiểu biết của bản thân.
Quang cảnh lớp học xoá mù chữ ở xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh Ngô Chuyên. |
Dành 20 phút ôn bài cũ cho học viên
Cô Triệu Thị Tuyết - giáo viên Trường Tiểu học và THCS 1 An Sơn (Huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Khi tham gia dạy lớp xóa mù chữ khó khăn đầu tiên cô gặp phải chính là học viên nhiều trình độ, lứa tuổi khác nhau. Đồng nghĩa với, bản thân người dạy phải có cách ứng xử, giảng dạy làm sao để học viên không cảm thấy ngại, tự ti mà cởi mở với mình trong quá trình học”.
Theo đó, mỗi buổi trước khi vào học bài mới, cô Tuyết dành khoảng 20 phút để ôn lại bài cũ, cho học viên tập đọc để tránh quên cũng như khởi động đầu buổi học cho học viên cảm thấy thoải mái hơn.
Lớp học cô Tuyết giảng dạy có 10 học viên, trong đó học viên nhỏ tuổi nhất là 31 tuổi, học viên lớn tuổi nhất là 55 tuổi.
“Vì độ tuổi đa dạng, tôi đã căn cứ vào từng mức độ tiếp thu để hướng dẫn học viên học, tránh một lúc đưa kiến thức quá nặng khiến học viên cảm thấy chán hay không muốn học dễ dẫn đến nghỉ học giữa chừng”, cô Nông Thị Tuyết tâm sự.
Được biết, lớp học xoá mù chữ do cô Tuyết chủ nhiệm có một học viên nhà xa, không biết đi xe máy, mỗi buổi đến lớp học viên đó được trưởng thôn đưa đi đón về.
“Nhiều hôm trưởng thôn bận, để học viên đến lớp học đầy đủ lại nhờ người chở học viên đó đến lớp. Hay một học viên năm nay 55 tuổi, khi nghe tin có lớp xoá mù chữ, học viên đó đã xung phong đi học”, cô Nông Thị Tuyết.
Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được 53.965 người ra học (chiếm 68% trong tổng số người tham gia học xoá mù chữ của cả nước). Trong đó có 33.344 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 1 (với 27.890 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 86,2%) và 21.621 người theo học lớp xoá mù chữ giai đoạn 2 (với 16.197 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 74,9%).