Học từ đọc sách “Đến Nhật Bản học về cuộc đời“

GD&TĐ - Đọc sách không phải là chỉ ngồi trốn vào một chỗ đuổi bắt từng con chữ, đắm chìm trong thế giới cảm xúc của nhà văn. Đọc sách còn là học tập, là trao đổi, chia sẻ những cảm xúc, những bài học thú vị từ nhà văn với bạn đọc và giữa bạn đọc với bạn đọc. Vì vậy, tôi muốn giới thiệu cuốn sách “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” của nhà văn trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh.

Học từ đọc sách “Đến Nhật Bản học về cuộc đời“

Đây là một cuốn tản văn ghi chép lại những điều cô sinh viên trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh cảm nhận được trong những ngày tháng học tập và sinh sống tại đất nước Nhật Bản. Với văn phong nhẹ nhàng, tinh tế, hồn nhiên nhưng vô cùng thấm thía và rất mực tài hoa, Lê Nguyễn Nhật Linh đã đem đến cho độc giả những cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp con người Nhật Bản – “kì quan thế giới” và những bài học cô học được từ những con người tuyệt vời đó. "Những con người Nhật Bản quá đỗi lịch sự, chu đáo, nguyên tắc và duy mỹ đến mỹ cực".

Đầu tiên là câu chuyện: Đừng khóc ở sân bay Kansai. Đó là thời điểm cô sinh viên trẻ Nhật Linh đặt chân đến nước Nhật. Cô thấy tủi thân muốn trốn vào nhà vệ sinh để khóc nhưng cái nhà vệ sinh sạch bóng và ngăn nắp khiến cô không khóc mà rửa mặt và tự nhủ: phải bình tĩnh vì đã từng háo hức, chờ đợi ngày hôm nay. Cô ra phòng chờ gặp một cô bé người Nhật ngồi trên va li của mẹ, miệng chúm chím ngậm ống hút uống cà phê hộp, hai má tròn vo, tóc xoăn nhẹ nhìn yêu ơi là yêu, thế là phì cười.

Nhóc còn vẫy tay cười chào tôi nữa và mẹ em cũng cười – một người lạ chỉ gặp dăm bảy phút đông đúc giữa sân bay, mà chưa chắc đã có lần thứ hai trong đời tái ngộ.

“Và từ đó, tôi còn gặp nụ cười Nhật khác mà chẳng cần ai nói lời nào với nhau. Nụ cười như một lời giao tiếp lịch sự cơ bản, như một sự quan tâm rất khẽ, như một lời chúc: Hãy sống thật vui!”. Đó là bài học về sự thân thiện, hiếu khách của con người Nhật Bản mà chúng ta cần học tập.

Tác giả trẻ còn đưa ta đến với cảm nhận về một người Nhật đầu tiên quen trong đời sống lạ. Anh Fujibayashi làm ở văn phòng môi giới bất động sản nơi cô đến kí hợp đồng thuê nhà. Cô cảm nhận đó là một người Nhật điển hình. Và cô giải thích điển hình tức là nhiều người Nhật khác cũng như thế. Người mà khiến cô bị sốc bởi cách làm việc chuyên nghiệp, nhiệt tình trong khi phí môi giới ở mức 0 đồng.

Nhưng cái mà khiến ta thấy ngỡ ngàng hơn là anh không thể giải thích các điều khoản trong hợp đồng vì chưa có bằng cấp chứng chỉ về chuyên môn thuyết trình nên phải nhờ một người có bằng cấp thuyết trình giúp những điều khoản trong hợp đồng. Bởi khi muốn làm việc ở Nhật, bất cứ chuyên môn từ rộng đến hẹp, cũng cần phải thi tuyển và đỗ đạt ở kì thi nghề toàn quốc mới được cấp phép hành nghề.

Nhưng điều khiến cho bất cứ người Việt Nam nào cũng phải ngạc nhiên nếu đã từng đi thuê nhà. Đó là, người thuê nhà được giải thích tỉ mỉ, hỏi han chi tiết các điều khoản trong hợp đồng hơn 3 tiếng đồng hồ. Nào là bạn có nhu cầu nuôi thỏ không, nào là tòa nhà này không được tập luyện các loại nhạc cụ, nào là không nằm trong vùng có thiên tai, mà nếu có thiên tai hỏng đồ đạc thì ai đền tiền cho bạn….

Câu chuyện về việc cô sinh viên trẻ bị lạc đường được hai bà lão người Nhật xa lạ khoác dắt tay về tận nhà, đưa đến tận cửa mới yên tâm.

Cuốn sách còn cho người đọc những bài học về thái độ sống tích cực. Đó là thái độ sống thể hiện chất lượng sống. “Tôi học được từ nước Nhật là muốn được nhận thì phải cho, muốn được cảm ơn thì phải có lòng biết ơn. Nước Nhật khiến tôi yêu Việt Nam hơn để nghe bất cứ ai khen bất cứ điều gì, cũng tự hào: Tôi là người Việt Nam!”

Nhưng ấn tượng nhiều nhất của những người đọc sách có lẽ là câu chuyện hành xử của ông bố người Nhật với bài nôn của cô con gái nuôi Nhật Linh. “Lúc sáng bố chở tôi ra ga trở về Osaka...

Đi cả chặng đường gần 80km rồi, mệt thì vẫn mệt, không giấu đi đâu nổi. Thế là vừa xuống xe, đi được vài ba bước tôi bắt đầu nôn, nôn khoảng ba bốn bãi ngay giữa bãi gửi xe. Không thể nhịn nổi. Như một sự biểu tình của cơ thể vậy. Và đây là cách một ông bố Nhật phản ứng với những bài nôn.

Ông vào xe lấy một hộp giấy ăn, một túi nylon và bắt đầu đi lau mặt đường. Lau sạch sẽ. Tôi cũng vừa lau vừa xin lỗi… Bố lau xong, cho rác vào túi nylon và “cất” túi nylon vào cốp xe, tìm chỗ vứt sau, để tiễn tôi vào ga trước. Tôi tin rằng, đại đa số cha mẹ người Nhật sẽ hành động như vậy khi con cái họ, và cả chó mèo gây phiền, làm ảnh hưởng đến nơi công cộng. Bởi vì thuế ai cũng phải đóng cả”,

Vâng bài học từ những tình huống hàng ngày, đơn giản nhưng hiệu quả mà những bố mẹ Nhật dạy cho con họ khiến cho bản thân cũng muốn học và chia sẻ cho nhiều người Việt Nam khác nữa. Mong rằng chúng ta cùng đọc sách để vừa học, vừa chơi.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ