Quả thực như vậy. Có những cuốn sách làm thay đổi cả cuộc đời người đọc. Lại có những thú chơi sách khiến con người trở nên gần gũi, hiểu biết về nhau và về cuộc sống trong một mối giao hòa đầy lòng nhân ái. Trong phạm vi bài viết hôm nay, tôi mong muốn được giới thiệu một mô hình phát triển văn hóa đọc đã được triển khai ở khá nhiều tỉnh, thành; đưa lại hiệu ứng tích cực trong việc khơi dậy, bồi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh trong trường Tiểu học nói riêng và trong học sinh nói chung.
Mô hình Thư viện Thân thiện
Phòng đọc được bố trí diện tích ít nhất có thể đặt các kệ sách; có góc tra cứu, góc trò chơi,góc viết vẽ; có đủ không gian để học sinh tham gia các hoạt động: cá nhân, cặp đôi, nhóm; có đủ không gian phục vụ việc mượn trả sách. Trang thiết bị trong thư viện được sắp xếp hợp lý để học sinh dễ dàng di chuyển để chọn sách và vật phẩm giáo dục.
Sách được phân loại theo trình độ đọc thông qua hệ thống mã màu, mỗi mã màu sách được trưng bày trên các kệ có màu tương ứng. Có 6 mã màu: xanh lá, đỏ,cam, trắng, xanh dương,vàng tương ứng với các khối lớp. Học sinh được tự lựa chọn sách cho mình.
Tiết đọc thư viện được sắp xếp theo thời khóa biểu như những môn học khác; triển khai đúng theo thời khóa biểu và có lịch mượn trả cho tất cả các khối lớp.
Nền thư viện được kết bằng thảm xốp, màu sắc đa dạng,tươi tắn; giáo viên và học sinh sẽ tham gia các hoạt động trên nền thảm, tạo một không gian cởi mở, thân thiện.
Tiết đọc thư viện
Trên thời khóa biểu của mỗi khối lớp, mỗi tuần có một tiết đọc thư viện. Thời gian của mỗi tiết đọc tương đương với những tiết học khác. Trong tiết đọc thư viện có các hoạt động đọc chính giúp phát triển thói quen đọc sách của học sinh. Những hoạt động đọc không tập trung vào dạy kỹ năng đọc mà mục đích chính của tiết đọc thư viện là hình thành và phát triển thói quen đọc sách .
Tuy nhiên, khi trẻ có thói quen đọc sách thì kỹ năng đọc sách phát triển ; kỹ năng đọc sách phát triển thì học sinh sẽ đọc tốt đồng thời sẽ phát triển về tư duy ngôn ngữ cũng như học tập được nhiều điều bổ ích.
Đến với tiết đọc thư viện, các em sẽ có 2 tiết để làm quen với nội quy thư viện, bảng mã màu,cách chọn sách,mượn trả và bảo quản sách. Các em sẽ được hướng dẫn sử dụng quy tắc 5 ngón tay để chọn sách . Em tự chọn một cuốn sách bất kỳ và đọc 5 câu liên tục. Nếu không mắc lỗi hoặc chỉ 1 lỗi thì em nên chọn 1 cuốn sách ở mã màu cao hơn; nếu em mắc 2-4 lỗi trong 5 câu đó thì quyển sách em chọn đã phù hợp với trình độ đọc của mình; còn nếu nhiều lỗi hơn, em cần chọn mã màu thấp hơn.
Sau 2 tiết đầu tiên, các em sẽ được tiếp cận với các kiểu hoạt động: Đọc to nghe chung; Cùng đọc ; Đọc cặp đôi; Đọc cá nhân. Tùy thuộc vào trình độ đọc của từng khối lớp mà giáo viên lựa chọn tỷ lệ các kiểu hoạt động phù hợp. Chẳng hạn, đối với khối 1 có thể lựa chọn các hoạt động học như sau: Đọc to nghe chung 40% số tiết; cùng đọc 30%; đọc cặp đôi 20% và đọc cá nhân 10%. Đối với khối 4,5 thì lại có lựa chọn khác: Đọc to nghe chung 20%; Cùng đọc 20%; Đọc cặp đôi 30 % và đọc cá nhân chiếm 40% số tiết/năm.
Trong mỗi tiết, ngoài hoạt động đọc, các em được tham gia các trò chơi nhẹ nhàng; viết hoặc vẽ những gì mình thích trong câu chuyện; trao đổi cho nhau nghe về suy nghĩ,cảm nhận của bản thân về nhân vật, về câu chuyện đó. Giáo viên có thể trao đổi với các em bằng một số câu hỏi giản đơn có liên quan đến nhân vật cũng như nội dung câu chuyện,nhằm hướng tới nhu cầu đọc sách tích cực cho HS. Tất nhiên, không biến các câu hỏi thành khai thác sâu nội dung chuyện.
Hiệu quả mang lại từ những tiết đọc thư viện
Sự thân thiện,thoải mái về không gian làm cho các em hào hứng với việc đọc sách,cảm giác mong chờ đến tiết đọc hàng tuần. Từ đó, các em có thói quen mượn sách, sưu tầm sách; ngoài đọc ở lớp, các em đọc ở nhà, giảm được việc các em chơi game, chơi trò chơi điện tử hoặc các trò chơi thiếu lành mạnh khác. Cũng từ đó, trình độ đọc của học sinh cũng được nâng lên, tư duy ngôn ngữ phát triển, tăng cường trí nhớ ,tâm hồn thêm phong phú.
Sự tự chủ trong mượn trả sách một cách có khoa học hình thành cho các em thói quen tư duy độc lập, có kỷ luật
Từ những trang sách, học sinh học tập được rất nhiều điều bổ ích: từ các kiến thức về tự nhiên, về xã hội, về thế giới quanh ta, hướng con người tới những điều tốt đẹp, thiện lương. Đưa tiết đọc vào thời khóa biểu là một việc làm thiết thực duy trì dòng chảy của văn hóa đọc. Và như thế, tình yêu sách sẽ còn mãi, đưa con người đến với tri thức, với sự nhân bản, và văn hóa đọc sẽ không thể lụi tàn…