Học trò hứng thú với "Địa lí cô Uyên"

GD&TĐ - “Địa lí cô Uyên” là cách gọi quen thuộc của học sinh Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên), thể hiện “thương hiệu” trong giảng dạy môn Địa lí hấp dẫn khó trộn lẫn của cô giáo Lê Thị Uyên.

Cô Lê Thị Uyên và học trò. Ảnh chụp trước dịch Covid-19.
Cô Lê Thị Uyên và học trò. Ảnh chụp trước dịch Covid-19.

“Được học” không phải “bị học”

Từ khi là thành viên đội tuyển quốc gia môn Địa lí lớp 12 của tỉnh Hưng Yên, cô Lê Thị Uyên đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Tốt nghiệp ngành sư phạm Địa lí, Trường đại học Sư phạm Hà Nội và về địa phương giảng dạy tại Trường THPT Thiện Thuật từ năm 2006, mỗi tiết học của cô đều có dấu ấn riêng, thể hiện sự chuẩn bị bài giảng công phu, sự sáng tạo và trăn trở trong đổi mới phương pháp dạy học.

“Uyliam Batơ Dit từng nói: Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”. Tôi luôn khắc sâu câu nói này bằng việc nỗ lực áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, để người học thấy mình “được học” chứ không phải “bị học”.

Người học được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình đồng thời với việc bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ người thầy mà còn từ chính các bạn trong lớp. Các em hạnh phúc khi  được học, được sáng tạo, được thể hiện và được làm, được hoạt động. Nhờ học theo hướng tích cực mà học sinh ghi nhớ sâu kiến thức và tăng khả năng áp dụng vào thực tế so với cách học thụ động một chiều” - cô Lê Thị Uyên chia sẻ.

Thông thường với mỗi bài dạy, cô Uyên đều sử dụng một trò chơi trực tiếp và một trò chơi trên Power Point hoặc phần mềm trực tuyến, để học sinh được “học  mà chơi, chơi mà học”. Một số trò chơi thực tế mà cô thường áp dụng là: Chạy tiếp sức, đập bảng, đoán từ, đánh bài, cờ ca rô, Bingo, trả lời nhanh…

Nhiều trò chơi trên các phần mềm như Wordwall, Quizzi (tạo câu hỏi trắc nghiệm đúng, sai; chọn đáp án đúng), Liveworksheet (phiếu bài tập kéo thả, điền từ, ghép nối) và PowerPoint (trò chơi: Trang trí người tuyết, Khỉ con qua sông, Cánh cụt về nhà, Hái dừa, Ai là triệu phú, Tấm Cám, Giải cứu rừng xanh…) cũng được cô sử dụng trong các giờ học để tạo hứng khởi cho học sinh.

Học sinh lớp cô Uyên tham gia 1 trò chơi trong giờ Địa lí.
Học sinh lớp cô Uyên tham gia 1 trò chơi trong giờ Địa lí.

Ngoài trò chơi, học sinh hứng thú với mỗi tiết học Địa lí bởi luôn có nhiều hoạt động thực hành, thí nghiệm và trải nghiệm sáng tạo; được tự lên ý tưởng cho bài học, có thể làm mô hình, làm thí nghiệm, có thể diễn kịch, diễn thời trang, vẽ truyện tranh về nội dung liên quan đến bài học. Không khí sôi nổi khi các nhóm cùng thi đua để tạo ra sản phẩm hay hơn nhóm bạn; từ đó học sinh phát huy được tối đa năng lực, sở trường.

Địa lí không còn là môn học khô khan khi cô Lê Thị Uyên khéo léo vận dụng thơ văn vào bài dạy. Việc lồng ghép tục ngữ, ca dao, thơ ca Việt Nam giúp bài học Địa lí trở nên sinh động, đồng thời góp phần hình thành nhân cách cho học sinh. Không chỉ vậy, kiến thức Hóa học, Vật lí cũng được cô lồng ghép tài tình vào dạy học Địa lí. Học sinh đồng thời còn được khơi gợi, giúp tự vận dụng kiến thức liên môn (đã được học trong các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử) để giải quyết vấn đề.

Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Hưng Yên vẫn đang triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh THPT, nên việc áp dụng các phần mềm vào dạy học được cô Uyên chú trọng để giờ học qua màn hình sinh động, thú vị hơn.

“Để việc dạy học Địa lí hấp dẫn hơn, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá vô cùng quan trọng. Các hình thức đánh giá thường xuyên cần đa dạng hóa, từ làm bài kiểm tra đến làm mô hình sản phẩm, viết báo cáo, thiết kế tranh ảnh… Bản thân tôi đã cố gắng sử dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực; sử dụng các phương tiện dạy học trực quan và nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học” – cô Uyên chia sẻ thêm.

Cô Lê Thị Uyên
Cô Lê Thị Uyên

Người truyền lửa

Khẳng định giáo viên có vai trò quan trọng trong tạo hứng thú học tập, niềm yêu thích môn học và đam mê tìm hiểu về môn học cho học sinh, cô Lê Thị Uyên cho biết, trong giờ học, khi đặt ra câu hỏi khó, mở rộng, những câu hỏi mang tính thực tế, học sinh nào trả lời đúng sẽ được cho điểm để động viên. Sau mỗi phần làm việc nhóm hay cá nhân của học sinh, giáo viên đều có phần thưởng cho nhóm hoặc cá nhân chiến thắng. Điều đó khiến học sinh rất vui vẻ, hào hứng với các câu hỏi, tình huống mà cô giáo nêu ra.

Việc học liên tục trong một thời gian dài sẽ khiến người học mệt mỏi về thể chất, phản ứng tự nhiên của học sinh sẽ là ngáp, buồn ngủ, không chú ý bài học. Do đó, giáo viên cần tạo ra những khoảng nghỉ ngắn để học sinh vận động nhẹ nhàng, cũng có thể là dừng tiết học lại để kể một câu chuyện cười… Sự cởi mở, vui vẻ, hài hước và thân thiện của giáo viên là điều kiện cần cho quá trình dạy học, bởi điều đó giúp học sinh có tâm thế thoải mái, từ đó dễ dàng tiếp thu và thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Kĩ năng, kinh nghiệm từ 15 năm dạy học được cô Uyên lan tỏa qua vai trò là giáo viên cốt cán của tỉnh, qua viết sách và lập fanpage dạy học trên mạng internet.

Đến nay, cô giáo Địa lí của Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật đã tham gia viết, xuất bản bộ sách Luyện thi tốt nghiệp THPT gồm 4 cuốn: Chinh phục môn Địa lí, Bộ câu hỏi chinh phục điểm 10 môn Địa lí, Sổ tay kiến thức vận dụng môn Địa lí, 30 ngày về đích môn Địa lí, được xuất bản bởi NXB Đại học quốc gia Hà Nội. Các đầu sách nhận được sự phản hồi rất tích cực từ đồng nghiệp, học sinh.

Học trò hứng thú với "Địa lí cô Uyên" ảnh 3

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ học sinh ôn tập trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, cô Uyên đã lập ra trang page dạy học trên internet mang tên ĐỊA LÍ CÔ UYÊN để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp và giúp các em học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo. Tại đây, cô đăng câu hỏi ôn luyện cho học sinh hằng ngày; đồng thời livestream giải đề liên tục cho học sinh cả nước trước thời gian thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ kỉ niệm về cô giáo mình yêu quý, Đào Phương Nhi, học sinh lớp 11A1 nhớ mãi lần nhóm được nhận nhiệm vụ học tập với sản phẩm là một vở kịch. “Buổi tối trước hôm học, cô đã gọi video cho nhóm và tập cùng chúng em cả tiếng đồng hồ. Cô hướng dẫn chúng em cách diễn trước lớp thật dí dỏm, hài hước mà vẫn đầy đủ nội dung kiến thức cần truyền đạt tới các bạn. Sáng hôm sau, gần đến tiết học, cô chạy chân đất xuống lớp tìm chúng em để tập thêm cùng với nhóm. Đó là ấn tượng em nhớ mãi về cô! Em cảm nhận cô là một giáo viên vô cùng nhiệt tình, tâm huyết” - Phương Nhi kể lại.

Cô Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trường trường THPT Nguyễn Thiện Thuật thì nhận định cô Uyên là một trong những giáo viên rất tâm huyết với nghề, yêu nghề và luôn luôn có những ý tưởng rất mới mẻ, sáng tạo trong dạy học. Cô còn là Phó bí thư Đoàn trường tích cực, trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc. Mỗi khi cô tổ chức trò chơi cho học sinh thì không khí vô cùng sôi nổi, học sinh đều tham gia rất vui vẻ, hào hứng.

Với những đóng góp của mình, cô Lê Thị Uyên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng Giấy khen trong công tác “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong năm học, Giấy khen có thành tích trong dạy học trên truyền hình; được Công đoàn Sở GD&ĐT tặng Giấy khen chuyên đề“Giáo viên giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

Bên cạnh đó, cô còn được giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai năm học 2019 - 2020, giải Ba cuộc thi Elearning cấp tỉnh năm học 2020 – 2021 và nhiều giải thưởng khác nữa. Đội tuyển học sinh giỏi do cô ôn luyện nhiều năm liền đều đạt thành tích cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ