Tích hợp Địa lí trong dạy học Lịch sử

GD&TĐ - Không chỉ Ngữ văn mà kiến thức Địa lý cũng rất gần gũi và hữu ích trong dạy học Lịch sử. Giáo viên biết sử dụng hiệu quả kiến thức Địa lý sẽ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn bài học Lịch sử, từ đó thêm yêu thích môn học.

Tích hợp Địa lí trong dạy học Lịch sử

Địa lí là một môn học tổng hợp kiến thức vừa tự nhiên, vừa xã hội. Bởi vậy việc dạy học Địa lí đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức tổng hợp tốt cả về tất cả các lĩnh vực.

Địa lí nói riêng và các môn học nói chung, ngoài việc dạy kiến thức môn học của mình còn phải lồng ghép những kiến thức của nhiều môn học khác nhau, giúp học sinh có cái nhìn tổng quan, có đầu óc tư duy, phân tích tổng hợp các kiến thức trên cơ sở đó để giải quyết và vận dụng các tình huống trong thực tiễn đời sống.

Quan trọng hơn từ việc dạy học và vận dụng những kiến thức liên môn sẽ giúp học sinh hình thành và hoàn thiện nhân cách của mình, kết hợp việc dạy chữ lồng ghép với việc dạy người để các em xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Trong chương trình Địa lí 12 nội dung chương trình rất phong phú và khoa học, nó thể hiện được đầy đủ yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội nước ta. Đặc biệt là phần tự nhiên giáo viên có thể vận dụng triệt để khi lý giải và phân tích sâu hơn nguyên nhân làm nên thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Khi học về "Đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam", các em đã có kiến thức về một đất nước có nhiều đồi núi; thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển; với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và sự phân hóa đa dạng của sinh vật.

Đặc điểm chung của địa hình tự nhiên nước ta là địa hình đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ, đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích. Địa hình núi chia thành bốn vùng là: Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, với đặc điểm đồi núi hiểm trở này là một lợi thế cho quân và dân ta khi tiến hành kháng chiến và là một bất lợi lớn cho quân địch.

Các thắng lợi lớn và mang tính quyết định của quân dân ta trên mặt trận quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đều diễn ra trên địa bàn rừng núi, như: chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947; chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 và đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954 diễn ra ở vùng rừng núi Tây Bắc nước ta. Trong kháng chiến chống Mĩ thì có thắng lợi ở vùng rừng núi Quảng Nam, Tây Nguyên... đã góp phần làm phá sản lần lượt các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mĩ.

Ngoài địa hình rừng núi thì tự nhiên nước ta còn có Biển Đông - là một biển rộng, có diện tích 3,447 triệu km2. Là biển tương đối kín, phía bắc và phía tây là lục địa, phía đông và đông nam được bao bọc bởi các vòng cung đảo.

Với đặc điểm của biển đông như vậy nên đã hình thành nên tuyến giao thông đường biển vô cùng thuận lợi, đó cũng chính là lý do giải thích tại sao khi hai tên đế quốc Pháp; Mĩ khi xâm lược nước ta chúng đều vào từ biển và hiện nay Biển đông đang có nhiều vấn đề phức tạp do những hành động gây hấn, xây dựng trái phép trên các đảo đá ở vùng biển nước ta của chính quyền Trung Quốc đòi hỏi nhân dân ta phải bình tĩnh, kiên quyết đấu tranh chính trị giữ vững chủ quyền thiêng liêng biển đảo của tổ quốc. 

Một điều kiện tự nhiên khác cũng góp phần rất quan trọng vào việc làm nên thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đó là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa - điều kiện này đã tạo cho nước ta chế độ khí hậu ở hai miền Bắc, Nam khác nhau rõ rệt, ở miền Bắc có mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều. Còn ở miền Nam có hai mùa: mùa khô và mùa mưa rõ rệt.

Điều kiện này đã tạo ra yếu tố vô cùng thuận lợi cho quân dân ta tiến hành kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Vì khí hậu miền Bắc tốt đã tạo ra lượng lương thực, thực phẩm đầy đủ để chi viện cho miền Nam.

Khí hậu miền Nam đã gây cho quân Mĩ - ngụy nhiều khó khăn khốn đốn khi mùa mưa về làm chậm bước tiến quân của chúng, gây hỏng hóc các phương tiện thông tin điện tử, điện đài, vô tuyến...Đặc biệt là trong chiến lược Chiến tranh Cục bộ của chúng (1965-1968), ta đã giành thắng lợi trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966; 1966-1967, bẻ gãy gọng kìm "tìm diệt và bình định của chúng" góp phần làm phá sản chiến lược chiến tranh này.

Chính điều kiện khí hậu đã quyết định đến hệ sinh thái rừng nguyên sinh, đặc trưng cho khí hậu nóng ẩm là rừng rậm nhiệt đới lá rộng thường xanh. Rừng đã trở thành thứ vũ khí chết người, kẻ thù đáng sợ của quân Mĩ.

" Núi giăng thành lũy thép dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù"

Để hủy diệt rừng đế quốc Mĩ đã dùng đến thuốc diệt cỏ làm trụi lá cây rừng, gây khó khăn cho ta trong sự nghiệp tiếp tế, chi viện vào miền Nam qua tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Nhưng đó lại là nơi thử lửa, rèn sức vóc và trí tuệ, niềm tin chiến thắng của dân tộc ta, đặc biệt là thế hệ trẻ.

"...Kì lạ thay nơi cháy lửa Na-pan

Trụi lá cây rừng hạt thóc thành than

Lại là đất xanh tươi cuộc sống

Và xanh nhất là màu xanh hy vọng"

Một đặc điểm tự nhiên quan trọng nữa của nước ta đã góp phần làm nên chiến thắng trong sự nghiệp chống xâm lăng bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc là yếu tố sông ngòi.

Nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Chỉ tính những con sông có chiều dài trên 10km thì nước ta có tới 2.360 sông. Dọc bờ biển, trung bình cứ 20km lại gặp một cửa sông. Sông ngòi với chế độ nước theo mùa, nhịp điệu dòng chảy của sông ngòi theo sát nhịp điệu của mưa. Mùa lũ tương ứng với mùa mưa, mùa cạn tương ứng với mùa khô.

Chế độ mưa thất thường làm cho chế độ dòng chảy sông ngòi cũng diễn biến thất thường. Điều kiện này đã gây nhiều khó khăn cho giặc và sông ngòi cũng là một thứ vũ khí lợi hại của ta vùi dập kẻ thù. Như lời của bài hát " Vàm Cỏ Đông":

" ...Ơ...ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông

Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng

Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mĩ xâm lăng

Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong"

Dạy học liên môn là một nguyên tắc quan trọng trong dạy học nói chung và trong dạy học Lịch sử nói riêng. Tuy nhiên để thực hiện tốt và có hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực ở cả thấy và trò. Và việc thực hiện nó không phải bài nào, không phải phần nào cũng thực hiện được.
Tuy nhiên theo ý kiến chủ quan của tôi, để khắc phục tình trạng dạy - học Lịch sử như hiện nay, không chỉ đổi mới phương pháp mà phải thay đổi cả cách suy nghĩ của mọi người, của xã hội về vị trí của môn Sử trong việc đào tạo con người.
Hơn nữa, để cải thiện chất lượng dạy và học môn Sử hiện nay không phải chỉ có giáo viên cố gắng mà học sinh cũng phải ý thức hơn trong việc học tập.
Thử hỏi giáo viên dạy hay, tiết học sinh động, hấp dẫn nhưng học sinh không học bài, không chuẩn bị bài, không đọc sách giáo khoa, vậy thì kết quả sẽ như thế nào? Vì vậy để nâng cao chất lượng dạy - học môn Sử cũng như chất lượng giáo dục cần có sự quan tâm của tất cả mọi người, của cả xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ