Biện pháp phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong giờ Địa lí

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Thanh Hải - Trung tâm GDTX Tỉnh Vĩnh Phúc - chia sẻ một số biện pháp phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong giờ học Địa lí.

Biện pháp phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong giờ Địa lí

Xây dựng tình huống có vấn đề

Tình huống có vấn đề xuất hiện khi một cá nhân đứng trước một mục đích muốn đạt tới, nhận biết một nhiệm vụ cần giải quyết nhưng chưa biết bằng cách nào, chưa đủ kiến thức để giải quyết.

Khi xây dựng tình huống có vấn đề, giáo viên (GV) cần lựa chọn: Đặt vấn đề, hướng dẫn học sinh (HS) cách giải quyết; GV đánh giá kết quả làm việc của HS

Nêu vấn đề, gợi ý học sinh cách giải quyết; GV và HS cùng đánh giá kết quả làm việc.

GV cung cấp thông tin, tạo tình huống. HS phát hiện vấn đề nảy sinh cần giải quyết, tự đề xuất các giả thuyết và lựa chọn phương pháp giải quyết. GV và HS cùng đánh giá.

GV đưa tình huống thực để học sinh tự phát hiện vấn đề, lựa chọn vấn đề cần giải quyết, tự đưa ra phương pháp, lập kế hoạch giải quyết, tự đánh giá chất lượng và hiệu quả giải quyết vấn đề.

Cô Hải đưa ví dụ với bài "Một số vấn đề của châu Phi" (Địa lí 11) như sau:

GV hỏi: Vì sao Châu Phi được bao bọc xung quanh bởi các biển và đại dương nhưng lại là khu vực có khí hậu nóng và khô vào bậc nhất thế giới?

HS nêu các giả thuyết về nguyên nhân làm cho khí hậu Châu Phi khô và nóng vào bậc nhất thế giới: Do vị trí Châu Phi nằm ở các vĩ độ thấp, do Châu Phi có kích thước rộng lớn, lục địa dạng hình khối, do ảnh hưởng của gió mậu dịch và khối khí lục địa khô nóng… HS thảo luận, trao đổi, quan sát, phân tích bản đồ Tự nhiên Châu Phi để trả lời. HS rút ra kết luận.

GV chốt lại toàn bộ phần trả lời của HS: Sự phối hợp, tác động của các nhân tố trên là nguyên nhân làm cho khí hậu Châu Phi nóng vào bậc nhất thế giới.

Tổ chức hoạt động nhóm

Khi cho học sinh hoạt động theo nhóm, tùy theo bài mà GV có thể phân ra các nhóm nhỏ, lớn để thu hút HS giải quyết vấn đề có hiệu quả.

Các bước tiến hành như sau:

B1: Hình thành các nhóm làm việc: tổ chức nhóm, chỉ định chỗ làm việc của các nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm.

B2: Các nhóm thực hiện công việc: thảo luận, trao đổi ý kiến, đưa ra kết luận chung, cử đại diện trình bày kết quả của nhóm trước lớp.

B3: Tổng hợp kết quả của các nhóm: đại diện các nhóm trình bày, các nhóm khác nghe và nhận xét, bổ sung nếu thiếu.

B4: GV tóm tắt ý kiến phản hồi của các nhóm sau đó cùng cả lớp chốt lại nội dung chủ yếu của bài học. GV nhận xét kết quả làm việc của từng nhóm và tổng kết lại kiến thức toàn bài.

Ví dụ: Địa lí 12: Tiết 4 - Đất nước nhiều đồi núi. Tìm hiểu đặc điểm các khu vực địa hình, GV cho HS xem trên bản đồ tự nhiên Việt Nam và xác định các vùng.

Bước 1: GV chia HS ra thành các nhóm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm. (xem phiếu học tập phần phụ lục)

Nhóm l: Trình bày đặc điểm địa hình vùng núi Đông Bắc.

Nhóm 2: Trình bày đặc điểm địa hình vùng núi Tây Bắc.

Nhóm 3: Trình bày đặc điểm địa hình vùng núi Bắc Trường Sơn.

Nhóm 4: Trình bày đặc điểm địa hình vùng núi Nam Trường Sơn.

Bước 2: HS trong các nhóm trao đổi, đại diện các nhóm trình bày, các nhóm khác bổ sung ý kiến.

Bước 3: GV nhận xét, đánh giá phần trình bày của HS.

GV đặt câu hỏi cho các nhóm: Đông Bắc có ảnh hưởng như thế nào tới khí hậu? Địa hình vùng Tây Bắc có ảnh hưởng như thế nào tới sinh vật?

GV chuẩn xác kiến thức như sau:

Vùng núi Đông Bắc:

Giới hạn: Nằm ở phía Tả ngạn sông Hồng

Đặc điểm độ cao: Chủ yếu là đồi núi thấp, độ cao TB từ 500-600m, khu vưc núi cao trên 2000m nằm ở thượng nguồn sông Chảy.

Hướng địa hình: Vòng cung, gồm 4 cánh cung lớn mở rộng về phía Bắc và Đông chụm lại ở Tam Đảo. bên cạnh đó còn có các dãy núi hướng TB-ĐN.

Hướng sông chảy theo hương địa hình.

Vùng núi Tây Bắc:

Giới hạn: Nằm giữa sông Hồng và sông Cả.

Đặc điểm độ cao: Địa hình cao nhất nước ta, dãy hoàng liên sơn (PhanXiPang 3143m). Các dãy núi hướng Tây Bắc - Đông Nam, xen giữa là cao nguyên đá vôi (cao nguyên Sơn La, Mộc Châu).

Hướng địa hình: Hướng TB-ĐN

Hướng sông chảy theo hương địa hình.

Vùng núi Bắc Trường Sơn:

Giới hạn: từ sông Cả tới dãy Bạch Mã.

Đặc điểm độ cao: Gồm các dãy núi song song, so le nhau, cao ở hai đầu, thấp ở giữa. Thấp và hẹp ngang, nâng cao ở 2 đầu thấp ở giữa.

Hướng địa hình: Hướng TB-ĐN, tuy nhiên có một số dãy núi chạy theo hướng Tây-Đông (Dãy Hoành sơn, Bạch mã).

Vùng núi Trường Sơn Nam:

Giới hạn: từ nam dãy núi Bạch Mã trở vào nam.

Đặc điểm độ cao: Bao gồm các khối núi, cao nguyên có độ cao trên 2000m, sườn Tây thoải, sườn Đông dốc đứng. Phía đông có các sườn núi dốc bên dải đồng bằng hẹp. Phía tây là các cao nguyên đất đỏ ba dan: Playku, Đắk Lắk, Mơ Nông, Lâm Viên bề mặt bằng phẳng, độ cao xếp tầng 500 - 800 - 1000m.

Hướng núi: vòng cung.

Tổ chức trò chơi

Một số trò chơi có thể sử dụng hiệu quả trong giờ dạy Địa lý như: Xếp hình và ghép tên; thi giải thích các hiện tượng địa lí trong bài; mô tả các mối quan hệ địa lí theo cách của em.

Ví dụ tổ chức trò chơi xếp hình và ghép tên với bài “Một số phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lý trên bản đồ: (Địa lí 10).

Chuẩn bị: Các bản đồ,Tên phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ (in giấy), khả năng biểu hiện (in giấy).

Yêu cầu :Thi theo nhóm. Nhận biết các phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ, dán tên phương pháp và khả năng biều hiện các phương pháp lên các bản đồ cho phù hợp, thời gian 5-7 phút. Các nhóm trình bày, phân tích.

Ví dụ tổ chức trò chơi thi giải thích các hiện tượng địa lí trong bài “Vũ Trụ. Hệ Mặt Trời và Trái Đất. Hệ quả của chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất” (Địa lí 10):

Yêu cầu: Thi theo tổ, thời gian 5 phút.

Câu hỏi: Trái Đất quay từ Tây sang Đông, tại sao ta thấy Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao trên bầu trời chuyển động từ Đông sang Tây?

Câu hỏi: Vì sao Trái Đất có sự sống?

Ví dụ tổ chức trò chơi mô tả các mối quan hệ địa lí theo cách của em với bài “Thủy quyển. Một số nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông” (Địa lí 10):

Yêu cầu: Thi theo tổ, cử đại diện trình bày trong thời gian ngắn nhất.

Câu hỏi: Mô tả vòng tuần hoàn nhỏ và vòng tuần hoàn lớn của nước theo cách của em.

Lưu ý: Với mỗi hình thức trò chơi, ngoài đáp án, giáo viên có thể đánh giá cho điểm dưới nhiều hình thức khác nhau tạo không khí sôi nổi trong học tập.

Hình thức áp dụng

Tổ chức học tập qua các biện pháp đổi mới có thể áp dụng trong việc giảng dạy địa lí dưới nhiều hình thức khác nhau.

GV có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau trong kiểm tra và củng cố bài, tuỳ theo từng bài học để lựa chọn. Bằng cách nêu các câu hỏi tình huống có vấn đề,sử dụng các dạng bài tập có sẵn trong SGK, SBT, hoặc GV tự nghĩ ra, bằng cách sử dụng bảng phụ có đề sẵn trò chơi, tận dụng bảng chữ cái tiếng Anh đa dụng, các thanh gắn nam châm hoặc các mảnh xốp mỏng , giấy A4 để tự tạo ra các trò chơi đơn giản nhằm phục vụ cho học tập đạt hiệu quả. Qua đó, giúp học sinh tự mình khái quát lại toàn bộ những kiến thức cần nắm vững sau bài học.

Đối với đa số bài, giáo viên có đều có thể sử dụng các biện pháp đổi mới nhằm tạo sự liên kết giữa vốn hiểu biết của bản thân gắn kết với kiến thức cũ để từ đó rút ra đơn vị kiến thức cần nắm trong bài. Đặc biệt có thể sử dụng đạt hiệu quả cao trong các bài thực hành địa lí…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ