Cô Ngân địa lí làm thiện nguyện

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Ngân, Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) đã hơn 10 năm gắn bó với nghề. Nhưng cũng từng đó thời gian cô hết mình với công tác thiện nguyện.

Cô Đỗ Thị Ngân trong giờ dạy học trực tiếp. Ảnh TL
Cô Đỗ Thị Ngân trong giờ dạy học trực tiếp. Ảnh TL

Dạy Địa lí bằng tiếng Anh

Cô Đỗ Thị Ngân dạy Địa lí nhưng ngoại ngữ tốt nên đã tham gia nhiều chương trình giao lưu quốc tế. Cô hỗ trợ phiên dịch cho giáo viên đến từ New Zealand, Hàn Quốc…

Năm 2016, khi tham gia chương trình “Trao đổi giáo viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì giáo dục toàn cầu”, cô Ngân là một trong người hoạt động tích cực nhất khi có tham luận bằng tiếng Anh đăng trên Tạp chí giáo dục Sangseang của tổ chức UNESCO.

Năm 2020, cô tiếp tục đạt giải Ba trong cuộc thi The Challenge (Video and Photo Contest) for 2020 Online SSAEM Conference của APCEIU - UNESCO tổ chức, đồng thời là đại diện duy nhất của Việt Nam đạt giải trong cuộc thi này.

Theo cô Ngân, bài giảng điện tử là xu hướng giáo dục hiện đại, gần gũi hơn với học trò. Từ đó, các tiết học Địa lí không gói gọn trong những trang sách khô cứng mà được mở rộng với những hình ảnh, video minh họa đầy màu sắc, tương tác trực tiếp với học sinh.

Cô Đỗ Thị Ngân trao đổi bài giảng với đồng nghiệp.
Cô Đỗ Thị Ngân trao đổi bài giảng với đồng nghiệp.

Tận tụy với học trò

Là giáo viên chủ nhiệm, cô Ngân luôn gần gũi, tâm sự, động viên học sinh như “người mẹ thứ hai”. Cô từng phụ trách nhiều học sinh thiệt thòi do chịu ảnh hưởng chất độc da cam, nhận thức kém, khó khăn trong việc phát âm, tăng động nhẹ hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt...

Cô Ngân luôn coi các em là bạn thân để cùng học, cùng nhân lên niềm đam mê. Cứ cuối giờ hay giải lao, cô lại tranh thủ phụ đạo cho các bạn có sức học yếu. Có lần, cô hỗ trợ tiền cho các bạn học sinh khó khăn để các em tiếp tục được đến trường.

Với nhiệt huyết, cô xin phép Ban giám hiệu mượn phòng học ngoài giờ và liên hệ với giáo viên phụ trách tiếng Anh để hỗ trợ học sinh làm bài tập, ôn tập trước các bài kiểm tra quan trọng.

Cô nhận kèm 10 học sinh yếu trong lớp khoảng 2 buổi/tuần suốt 2 năm học qua. Nhiều học sinh vốn ở diện lưu ban hoặc nhận thức kém đã thực sự tiến bộ.

Là thành viên Ban Tham vấn học đường của trường, cô Ngân trở thành “người bạn” mà học trò có vướng mắc trong học tập, tình cảm, gia đình có thể tâm sự, giãi bày.

Với cô Ngân, động viên, chia sẻ, đưa ra những lời khuyên kịp thời khi học trò cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng mới thực sự là giáo dục toàn diện.

Trong hành trình làm “bác sĩ tâm lý học đường”, cô Ngân đã động viên, vực dậy tinh thần của một bạn học sinh nghiện điện thoại, tự nhốt mình trong phòng và lưu ban một năm học. Hiện, bạn đó vừa là học sinh có học lực khá, vừa tích cực tham gia hoạt động tập thể của trường, của lớp. Ngoài ra, còn rất nhiều học sinh khác dù ra trường vẫn được cô giữ liên lạc, chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

“Làm đẹp” cho đời

Bên cạnh giờ dạy chuyên môn, cô Ngân còn là người tích cực trong phong trào thiện nguyện. Từ 2010 đến nay, cô Ngân cùng nhà trường vận động phụ huynh và học trò tham gia giải cứu nông sản, quyên góp ủng hộ lũ lụt miền Trung, ủng hộ học sinh miền núi, ủng hộ học sinh nghèo hàng năm…

Cô Ngân kể, có khi chỉ là bộ đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn, có khi lại là thực phẩm, thuốc men cho người già. Số tiền hỗ trợ tính tới tháng 4/2021 là 85 triệu đồng, tự bản thân cô Ngân ủng hộ 10 triệu đồng.

Dù giúp đỡ nhiều hoàn cảnh, có lẽ, trường hợp học sinh N.L có cha bỏ đi, chỉ còn em với mẹ và bà có tuổi, đau ốm khiến cô giáo trẻ này thương cảm nhất. Biết chuyện, cô Ngân chủ động hỗ trợ gia đình trước mắt và nhận bảo trợ cho bạn này đến khi tốt nghiệp. Vượt qua bao gian khó, bạn N.L Nay đã tốt nghiệp trường nghề và có công việc ổn định.

Cô Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) tâm sự, cô Đỗ Thị Ngân là một giáo viên giỏi chuyên môn, hiện làm Trưởng nhóm Lịch sử - Địa lí 6, giáo viên chủ nhiệm lớp 8D và thành viên Ban tham vấn học đường.

“Dù đạt nhiều thành tích nhưng cô Ngân vẫn tự trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và chia sẻ kinh nghiệm quý giá cho đồng nghiệp. Là một người trẻ, cô Ngân rất ham học hỏi và nhiệt tình tham gia không chỉ các hoạt động của nhà trường mà còn các dự án giáo dục trong nước và quốc tế”, cô Hà chia sẻ.

Với sự nỗ lực trong dạy và học, cô Đỗ Thị Ngân vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen năm 2008 về nghiên cứu khoa học; Giải Khuyến khích, giải Ba cấp thành phố Thiết kế bài giảng E-learning các năm 2015, 2021 cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác. 
Đặc biệt, mới đây (10/2021) cô Đỗ Thị Ngân vinh dự được nhận Bằng khen  Người tốt việc tốt cấp thành phố Hà Nội. Niềm vui nối tiếp niềm vui, cô Ngân còn được Chi bộ Trường THCS Thăng Long bồi dưỡng để kết nạp Đảng trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.