Sử dụng di sản trong dạy và học môn Địa lí

GD&TĐ - Sử dụng di sản trong dạy học là một trong những phương pháp dạy học mới, tích cực, giúp cho quá trình học tập của học sinh trở nên hấp dẫn hơn, học sinh hứng thú học tập và hiểu bài sâu sắc, phát triển tư duy độc lập sáng tạo, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Môn Địa lý lớp 12 có những kiến thức bổ ích nhất về đặc điểm tự nhiên, dân cư và kinh tế xã hội của Việt Nam. Những kiến thức rất thực tế, gần gũi với học sinh nên việc tích hợp sử dụng di sản trong dạy và học rất khả quan, thuận lợi và mang nhiều ý nghĩa.

Điểm dang bài có thể sử dụng di sản trong dạy học

Trong phần địa lí tự nhiên, sách giáo khoa cung cấp cho học sinh những kiến thức khái quát nhất về đặc điểm tự nhiên Việt Nam, như vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ; đất nước nhiều đồi núi, thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển, thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa hay thiên nhiên phân hóa đa dạng…

Có rất nhiều bài, nhiều phần nội dung nhỏ giáo viên có thể tích hợp dạy học di sản trong đó để kích thích hứng thú tìm hiểu, nghe giảng và cung cấp thêm những kiến thức thực tế bổ ích cho các em.

Ví dụ: Trong bài 8: “Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển” - mục 2 phần b “Địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển”, giáo viên có thể tích hợp thêm kiến thức về di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (năm được công nhận, tiêu chí được công nhận, giới thiệu qua về vẻ đẹp của vịnh…) để khắc sâu thêm kiến thức về sự đa dạng của địa hình ven biển nước ta.

Hay nói về sự đa dạng và giàu có của các hệ sinh thái ven biển giáo viên có thể giới thiệu đồng thời chỉ trên Atlat cho học sinh về các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam như khu dự trữ sinh quyển thế giới đảo Cát Bà – Hải Phòng, Cù Lao Chàm – Quảng Nam, Cát Tiên – Đồng Nai, mũi Cà Mau…

Trong bài 10: “Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa” - tiết 2 mục 2 phần a “Địa hình”, khi giảng về biểu hiện xâm thực mạnh ở vùng đồi núi với kết quả là hình thành dạng địa hình caxto, giáo viên hoàn toàn có thể liên hệ đến di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hay di sản thế giới mới được công nhận ở rất gần với Nam Định là quần thể danh thắng Tràng An – Ninh Bình.

Học sinh đã được đến, được tận mắt trải nghiệm sẽ giúp giáo viên mô tả lại đặc điểm dạng địa hình caxto cho các học sinh khác trong lớp từ đó sẽ tạo ra bầu không khí học tập sôi nổi, tích cực trong lớp đồng thời giúp học sinh khắc sâu hơn nội dung kiến thức bài học…

Trong phần địa lí các ngành kinh tế có bài rất thích hợp cho việc sử dụng di sản trong dạy học đó là bài 31: “Vấn đề phát triển thương mại và du lịch”. Bài này có riêng phần Du lịch có thể cho tích hợp dạy học rất nhiều di sản.

Từ các di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng), các di sản văn hóa thế giới (Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Phố cổ Hội An, quần thể di tích cố đô Huế…) cho đến các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước, của địa phương đều có thể đưa vào bài giảng một cách tự nhiên, dễ hiểu giúp cho học sinh nhận thức rõ hơn về tiềm năng phát triển du lịch của đất nước cũng như của địa phương mình.

Trong phần địa lí các vùng kinh tế, khi dạy đến mỗi vùng giáo viên cũng hoàn toàn có thể liên hệ đến các di sản nổi bật của vùng để học sinh có thể hiểu sâu sắc hơn về đặc điểm của mỗi vùng kinh tế mà các em được tìm hiểu.

Phần cuối cùng trong chương trình địa lớp 12 đó là phần “Địa lí địa phương” - Đây là phần nội dung mở nên giáo viên có rất nhiều phương pháp, hình thức để tích hợp việc sử dụng di sản trong dạy học, như dạy học trên lớp, dạy học ngoài thực địa hay dạy học theo dự án…

Bên cạnh tạo hứng thú trong học tập cho học sinh, việc sử dụng di sản trong dạy học phần địa lí địa phương sẽ giúp các em có thêm kiến thức về văn hóa, xã hội địa phương nơi mình sinh sống từ đó giáo dục tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc

Hình thức tổ chức và phương pháp dạy học di sản trong môn Địa lí lớp 12

Để tiến hành dạy học di sản trong chương trình THPT nói chung và trong môn Địa lí nói riêng có rất nhiều hình thức tổ chức. Trong đó, một số hình thức thường được sử dụng như:

Lồng ghép vào nội dung một bài học trên lớp: Đây là hình thức tổ chức dạy học khá phổ biến, nội dung về di sản sẽ được giáo viên đưa vào bài học một cách tự nhiên góp phần tăng tính hứng thú trong học tập của học sinh đồng thời giúp khắc sâu hơn nội dung của bài học.

Tuy nhiên, trong quá trình lồng ghép nội dung di sản giáo viên cần lưu ý một số điểm sau: Giáo viên cần rà soát chương trình sách giao khoa để tìm các địa chỉ lồng ghép phù hợp;

Xác định mức độ tích hợp, nội dung lồng ghép không để bài học trên lớp biến thành một bài giảng về di sản;

Vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức, tránh tình trạng nhồi nhét khiến học sinh thụ động trong việc tiếp thu kiến thức. Nghiên cứu để đưa nội dung di sản cả vào phần kiểm tra, đánh giá cuối bài học.

Lồng ghép dạy học theo chủ đề địa lí địa phương: Nội dung sách giáo khoa Địa lí 12 có 2 tiết cuối cùng dành cho phần địa lí địa phương. Đây là thuận lợi rất lớn cho việc xây dựng kế hoạch nội dung bài dạy hướng về di sản của địa phương, mà cụ thể ở đây là di sản của Nam Định.

Dạy học ngoài thực địa: Có thể tiến hành bài học ngoại khóa cho học sinh về di sản của địa phương bằng cách cho học sinh trải nghiệm thực tế ngay tại nơi có di sản. Bài học tại thực địa có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh về cả 3 mặt: kiến thức, kĩ năng và thái độ.

Bởi vì ngoài thực địa - nơi có di sản là những dấu vết, mảnh vụn của quá khứ còn sót lại để bổ sung, cụ thể hóa những kiến thức các em đang nghiên cứu. Nó giúp các em phát triển trí tưởng tượng, đa dạng hóa hoạt động nhận thức, gây hứng thú học tập bộ môn.

Tiến hành học tại thực địa là phương thức thực hiện dạy học gắn với đời sống có tác dụng nâng cao hiểu biết về kiến thức môn học, về văn hóa – giáo dục, lòng yêu quê hương, đất nước, óc thẩm mĩ cho học sinh.

Để tiến hành dạy học ngoài thực địa cần lưu ý: Rà soát chương trình sách giáo khoa để lựa chọn nội dung, chủ đề dạy học thích hợp với việc dạy học ngoài thực địa; xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, chi tiết. Sau buổi dạy học, giáo viên cần đánh giá học sinh thông qua các bài báo cáo về di sản học sinh đã hoàn thành sau buổi thăm quan học tập.

Tổ chức dạy học theo dự án: Hình thức này giúp rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh, năng lực làm việc theo nhóm. Giáo viên rà soát nội dung chương trình, lựa chọn nội dung tích hợp di sản cho phù hợp rồi tiến hành xây dựng kế hoạch dự án dạy học, đặc biệt cần lưu ý lien hệ với thực tế đời sống, xã hội để lựa chọn chủ đề tích hợp cho hợp lí.

Sử dụng di sản văn hóa để tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác: Giáo viên có thể khai thác nội dung tích hợp di sản thông qua các hoạt động ngoại khóa của học sinh như thi kể chuyện về di sản, thi tìm hiểu về di sản, làm tập san, ra báo học tập…

Dạy học thông qua các phương tiện truyền thông, đa phương tiện: Giáo viên có thể sử dụng các phương tiện dạy học trực quan trong quá trình sử dụng di sản trong dạy học như tranh ảnh, mô hình, video… để tăng hứng thú học tập của học sinh đồng thời giúp học sinh dễ tiếp cận,tiếp thu các kiến thức trong bài học.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các phương tiện trực quan giáo viên cần lưu ý: phương tiện cần đảm bảo tính trực quan, mục tiêu giáo dục, nội dung bài học, không nên lạm dụng để biến bài học thành bài “trình diễn hình ảnh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ