Học sinh tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng sa bàn

GD&TĐ - Nhóm học sinh Trường THCS Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có sáng kiến làm sa bàn các trận đánh để việc học lịch sử hấp dẫn và hiệu quả hơn.

Em Vũ Hoài Thương - tác giả của sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Em Vũ Hoài Thương - tác giả của sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sáng tạo trong học tập

Em Vũ Hoài Thương, học sinh lớp 8A, Trường THCS Cổ Phúc, huyện Trấn Yên - tác giả của sa bàn tâm sự: Sự khích lệ của thầy cô, lắng nghe, chia sẻ của bạn bè đã giúp thành viên trong nhóm thêm tự tin, hoàn thành sơ đồ học tập môn Lịch sử. Mục đích của nhóm là làm sao để các bạn yêu thích môn học này, mỗi giờ học thêm hấp dẫn.

“Ở trường em, học sinh luôn được thầy cô tôn trọng và đánh giá cao những hoạt động, tư duy sáng tạo. Điều này thúc đẩy, kích thích niềm say mê học tập. Thầy cô luôn tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện với học sinh nên dễ dàng phát hiện những tố chất riêng. Đây là động lực lớn cho em và các bạn hình thành ý tưởng thiết kế sa bàn một trận đánh cụ thể, để học sử không khô khan và nhàm chán” – em Vũ Hoài Thương cho biết.

Trực tiếp hướng dẫn học sinh làm dự án, cô Đỗ Thị Minh Nguyệt – giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Cổ Phúc cho biết: Dạy lịch sử trong nhà trường chưa thực sự giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu. Phần lớn các tiết dạy chủ yếu sử dụng trình chiếu sơ đồ, biểu bảng, lược đồ nên chưa giúp học sinh thực sự cảm nhận hết các trận đánh tiêu biểu.

Để tăng tính hấp dẫn cho môn học, học sinh luôn được khuyến khích phát huy tính sáng tạo. Sa bàn quân sự cung cấp cho mọi người về những chiến tích lịch sử, tái hiện lại diễn biến trận đánh một cách sinh động nhất. Chính vì thế, ý tưởng làm sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ của em Vũ Hoài Thương được các thầy cô đánh giá cao và hỗ trợ em thực hiện.

Lĩnh hội được quan điểm, ý nghĩa và nội dung truyền tải kiến thức lịch sử qua sa bàn của thầy cô, Vũ Hoài Thương cùng các bạn đã hiện thực hóa ý tưởng của mình. Hoài Thương đã lựa chọn xây dựng “Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954” với mục đích tạo ra một sản phẩm có giá trị sử dụng lâu dài; tận dụng được những vật liệu có sẵn, đơn giản, dễ kiếm.

Bằng việc sử dụng phương pháp trực quan, sinh động, sa bàn là mô hình học tập giúp người học ghi nhớ sự kiện lịch sử nhanh, dễ, và để lại ấn tượng, cảm xúc mạnh sau bài học, từ đó có hứng thú hơn với môn học vốn nhiều sự kiện và khá khô khan này.

Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ được làm chủ yếu từ vật liệu tái chế.
Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ được làm chủ yếu từ vật liệu tái chế.

Sức hấp dẫn từ sa bàn

Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ được làm từ những nguyên vật liệu tái chế: Bộ nguồn từ máy tính thanh lý, những mảnh xốp lót hàng, bóng led từ biển quảng cáo cháy nguồn, thân cây khô. Chỉ có số ít tấm nền lót và khung viền, đinh vít, keo gắn, màu, len sợi phải mua với số tiền ít ỏi.

Sau khi có nguyên vật liệu, tác giả tiến hành làm khung, phóng to lược đồ chiến dịch theo tỉ lệ đã định, phác đường nét bằng chì lên mặt nền, cắt xếp xốp, gắn keo, tạo các đường rãnh, đường giao thông chính, độ nghiêng, dốc của sườn núi; cắt gọt tạo lòng chảo và các vị trí quan trọng và vẽ màu; lắp bóng led thể hiện các kí hiệu biểu diễn đường tấn công, hệ mạch điều khiển từng đợt tiến công.

Hoài Thương chia sẻ: Để thực hiện đề tài, em tìm đọc tài liệu liên quan trên mạng Internet, quan sát, trải nghiệm thực tế tại bảo tàng. Đặc biệt là quan sát các cô hướng dẫn viên tại Bảo tàng Lịch sử quân sự. Sau đó, em tiến hành thu thập số liệu: Tính toán tỉ lệ tương ứng trên sa bàn với tỉ lệ thực. Từ địa hình lòng chảo, vị trí các cứ điểm đều được mô phỏng lại với tỉ lệ gần đúng với thực tế. Cả màu sắc đồi núi, độ nghiêng dốc, đường giao thông chính cũng được chú ý tái hiện.

Đặc biệt, với việc bố trí đường mũi tên, các cứ điểm, vị trí trọng điểm bằng màu sắc tươi sáng cùng màu vàng sáng nơi lòng chảo và màu xanh tối trên đồi núi sẽ thuận lợi khi tiết dạy có sự cố về điện. Sự tương phản màu vẫn giúp người học hình dung rõ địa thế lòng chảo và thung lũng rộng lớn cũng như các hướng tiến công và vị trí trọng yếu.

Theo thầy Đỗ Thành Long, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Phúc, những ngày thực hiện sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ, HS háo hức đến xem và vô cùng hứng khởi khi được khám phá, thể hiện, được giao lưu, học hỏi, ứng dụng những kiến thức trong sách vở vào thực tiễn cuộc sống. Sử dụng sa bàn vào giảng dạy, giáo viên cảm nhận học sinh có thái độ học tập tích cực, hứng thú hơn. 

Đánh giá về đề tài sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vũ Quốc Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên cho biết: Mô hình được các em tái hiện rất rõ, giúp người học hứng thú, dễ nhớ, dễ thuộc bài với việc tái hiện chi tiết các trận đánh hết sức sinh động. Với hình thức học tập bằng mô hình này, tôi cho rằng có thể sử dụng trong nhiều môn học khác nhau như Lịch sử, Vật lý, Địa lý, Công nghệ, Mỹ thuật, Tiếng Anh.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.