Bức tranh “lớn nhất thế giới” tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ

GD&TĐ - Kỉ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên là dịp để du khách chiêm ngưỡng bức tranh tái hiện 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm” của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Bức tranh được bắt đầu thi công từ tháng 11/2019, đặt tại tầng 2 của bảo tàng.
Bức tranh được bắt đầu thi công từ tháng 11/2019, đặt tại tầng 2 của bảo tàng.

Bức tranh Panorama - tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ được đánh giá là đột phá về tranh lịch sử của Việt Nam.

Bước đột phá về tranh lịch sử của Việt Nam

Từ nhiều tháng nay, các đơn vị thi công luôn làm việc với tinh thần khẩn trương nhất, sớm hoàn thiện bức tranh Panorama - tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, Điện Biên) để phục vụ du khách đúng dịp 7/5. Hiện bức tranh đã căn bản hoàn thành.

Ông Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa, đơn vị thực hiện tác phẩm cho biết, ý tưởng thực hiện bức tranh được đưa ra từ năm 2012. Đó là khi tỉnh Ðiện Biên có chủ trương xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Trong thiết kế kiến trúc, bảo tàng đã dành riêng toàn bộ không gian tầng 2 để thực hiện bức tranh tròn hoành tráng. Đề tài về Chiến dịch Điện Biên Phủ luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều họa sĩ trong những thập kỷ qua, với không ít tác phẩm hội họa nổi tiếng đã ra đời.

Ý tưởng về một bức tranh quy mô lớn, xứng đáng với tầm vóc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn luôn là sự thôi thúc đối với nhiều họa sĩ tâm huyết với đề tài lịch sử này.

Ông Mạc cho biết, sau khi hoàn thành phần trưng bày nội thất bảo tàng, cuối năm 2015, ông đã đề xuất thực hiện bức tranh này: “Tôi đã tiến hành tuyển chọn, thu thập các dữ liệu.

Trên cơ sở đó, ý tưởng thể hiện bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ được “lên khuôn”. Đây là một tác phẩm nghệ thuật miêu tả toàn cảnh chiến trường Điện Biên tại nhiều thời điểm, từ cuối năm 1953 cho đến ngày 7/5/1954.

Nhiều sự kiện, khoảnh khắc cùng những hình ảnh tiêu biểu nhất trong 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt của quân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp đều được tái hiện chân thực và sinh động.

Bức tranh Panorama với bốn trường đoạn liên hoàn gồm: Toàn dân ra trận - Khúc dạo đầu hùng tráng - Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Toàn cảnh bức tranh đưa người xem vào một không gian đồng hiện chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Tháng 9/2019, đội ngũ các họa sĩ, nhà điêu khắc bắt đầu tiến hành phóng phác thảo tại tầng 2 bảo tàng. Toàn bộ bức tranh được vẽ theo trường phái tả thực, thể hiện hơn 4.500 nhân vật giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và chiến trường Điện Biên khốc liệt…

Trong vòng 2 năm, các họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia thể hiện tác phẩm đã ngày đêm lao động miệt mài, trau chuốt từng nét vẽ, gam màu, bố cục… Với chiều dài 132m, cao hơn 9m cùng phần mái vòm, tổng diện tích gồm 2.500m2 tranh và 700m2 sắp đặt, bức tranh tròn Panorama là một trong những bức tranh tường lớn nhất thế giới, là bước đột phá về tranh lịch sử hoành tráng của Việt Nam.

Tác phẩm xứng tầm với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Tác phẩm hội họa mang tầm cỡ thế giới này có chiều dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; phần đắp nổi 6m, tổng diện tích bức tranh trên 3.200m2.
Tác phẩm hội họa mang tầm cỡ thế giới này có chiều dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; phần đắp nổi 6m, tổng diện tích bức tranh trên 3.200m2.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật khẳng định, bức tranh tròn Panorama tại Điện Biên là câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: Hội họa Việt Nam đã có tác phẩm xứng tầm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hay chưa?

Ông Thành cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử hội họa, chúng ta tự hào có được một công trình hoành tráng, thu hút. Nó khắc họa một cách chân thực về không khí, không gian các sự kiện đã diễn ra trong suốt Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ…”.

Theo sát quá trình hình thành tác phẩm từ những ngày đầu tiên, ông Thành không khỏi bất ngờ trước diện mạo hoàn thiện mỗi ngày của tác phẩm. Có thể xem đây là một tiến bộ vượt bậc của mỹ thuật Việt Nam. Không gian rộng lớn của Chiến dịch đã được thể hiện và xử lý một cách chuyên nghiệp qua kỹ thuật sơn dầu, acrylics.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn không tiếc lời khi cho rằng, bức tranh tròn Panorama đã lập nên “kỳ tích” của hội họa Việt Nam. Nếu như tác phẩm trận chiến Borodino, tái hiện một trận đánh cụ thể và không có hồi kết trong lịch sử nước Nga thì bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ lại khắc họa toàn cảnh một trận chiến, từ khi bắt đầu cho đến ngày toàn thắng.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đây là bức sử thi hội họa lớn nhất, tái hiện toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng. Nhóm họa sĩ trẻ 8X, 9X thực sự đã khiến thế hệ họa sĩ tạo hình 5X, 6X bất ngờ với bút lực và sức sáng tạo. “Chân dung” của hơn 4.500 nhân vật trong tranh đều đã được khắc họa hoàn chỉnh, sống động.

Điều đặc biệt là dù có nhiều trường đoạn, thể hiện nhiều nhân vật, nhưng các thành phần sáng tạo đều thể hiện sự ăn ý, tạo nên một nhịp bút liền mạch. Những gương mặt trong tranh, từ người lính Cụ Hồ đến lính viễn chinh Pháp đều được khắc họa rất chân thực và nhân văn.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, ngôn ngữ hội họa hiện thực và hàn lâm ở đây đã được các tay nghề trẻ khai thác và tạo nên cảm xúc mãnh liệt, dài hơi đối với người xem.

Bức tranh tròn Panorama chính là lời tri ân chân thành nhất đối với những người lính, những anh hùng liệt sĩ trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm xưa. Ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm cũng mong muốn chuyển tải thông điệp về sức mạnh của sự đoàn kết, về khát vọng hòa bình của nhân loại. Đây còn là nguồn tư liệu trực quan quý giá để giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.