Học sinh sáng tạo bếp đun tiện ích

GD&TĐ - Các bạn đã bao giờ hình dung ra một chiếc bếp đun tiện ích vừa sử dụng lượng nhiệt phía trên lò để nấu thức ăn, vừa tận dụng nguồn nhiệt tỏa ra từ thân lò để làm cho nước nóng lên dùng vào việc uống, tắm rửa không? Đây cũng là điểm mới của sản phẩm do hai em học sinh ở tỉnh Quảng Trị sáng tạo ra. Sản phẩm đã giành được giải Nhì trong cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị”.

Bếp đun tiện ích giúp rút ngắn thời gian nấu nướng
Bếp đun tiện ích giúp rút ngắn thời gian nấu nướng

Tận dụng nguồn vỏ trấu khổng lồ

Sản phẩm “Bếp đun tiện ích” trên là của hai em Dương Đình Quang và Lê Bá Thùy Linh (Trường THCS Triệu Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) với sự hướng dẫn của thầy giáo Võ Ngọc Diệp.

Sinh ra ở mảnh đất thuần nông vất vả, các em nhận thấy nguyên liệu vỏ trấu dồn đống lên tới hàng chục tấn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường khi vào mùa lụt bão. Mặt khác, các em cũng nhận ra là vào mùa đông, người dân cần nước ấm để sử dụng trong sinh hoạt, thế nhưng, khi đun nấu bằng bếp củi thường tiêu tốn rất nhiều thời gian, vì vậy không đạt hiệu quả tối đa trong khi những loại bếp hiện đại khác lại không mang tính thực tiễn về kinh tế.

Thân bếp đun được làm từ inox

Đình Quang chia sẻ, trong những năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu, sản xuất loại bếp dùng nguyên liệu vỏ trấu để tạo ra khí đốt. Tuy nhiên, những loại bếp này có nhiệt lượng chủ yếu từ miệng bếp, còn nhiệt từ thân lò truyền ra môi trường rất lớn, chưa khai thác hết. “Do đó, chúng em đưa ra ý tưởng cải tạo bếp trấu để tận dụng nguyên liệu sẵn có, khai thác hết nhiệt năng mà bếp tỏa ra, làm tăng chức năng sử dụng và hiệu suất của bếp. Đó là bếp đun tiện ích”, Đình Quang cho hay.

Theo tìm hiểu, cấu tạo chi tiết của bếp gồm có buồng đốt vừa chứa trấu, vừa làm buồng đốt tạo ra nhiệt để đun nấu. Khoang chứa nước sạch tiếp nhận nhiệt lượng truyền ra từ thân lò để đun sôi nước. Đây là điểm mới của giải pháp, nhằm tận dụng hiệu quả, triệt để năng lượng của bếp tỏa ra. Và hệ thống cung cấp gió giúp cung cấp oxy cho quá trình cháy, đây là điểm khác biệt so với các loại bếp đun trấu thông thường.

“Ở bếp đun trấu thông thường, việc cung cấp oxy dựa vào sự chuyển động không khí từ nơi có áp suất cao (ở khu vực xung quanh đám cháy) đến nơi có áp suất thấp (khu vực đám cháy). Đối với loại bếp này, việc cung cấp oxy cho đám cháy được thực hiện bởi một quạt điện (tạo ra áp suất không khí cao) nên quá trình cháy diễn ra nhanh, mạnh và hoàn toàn hơn (ngọn lửa màu xanh, ít khói và tro màu bạc)”, Thùy Linh phân tích.

Rút ngắn thời gian nấu nướng

Sau khi thiết kế bản vẽ, các em tiến hành mua vật liệu, lắp ghép các thiết bị, mày mò khoảng 2 tháng thì hoàn thành. Sau đó, các em tiến hành thử nghiệm bằng cách cho trấu vào thân bếp, đổ nước vào nồi và vào trong khoang với những lần thí nghiệm có khối lượng khác nhau, tiến hành nhóm lửa và theo dõi. Kết quả là ngọn lửa của bếp có màu xanh như lửa bếp gas, không tạo ra khói; lửa không tắt giữa chừng, đặc biệt, không gây nổ vì lượng gas tạo thành đã được đốt cháy hết, không có gas dự trữ trong bếp.

Đình Quang cho hay: “Qua quá trình tính toán, hiệu suất của bếp gấp 2 lần bếp bình thường, rút ngắn thời gian nấu ăn vì một lúc thực hiện được hai nhiệm vụ là vừa nấu thức ăn, vừa nấu nước. Qua đó, giúp tiết kiệm được nhiều nhiên liệu, giảm chi phí cho gia đình. Với một lượng trấu 0,5kg có thể cung cấp hơn 8 lít nước đạt đến 1.0000C. Ngoài ra, nhờ trong khoang có chứa nước nên giúp tăng độ bền của bếp”.

Chia sẻ về lợi ích kinh tế - xã hội của chiếc bếp đun này, Thùy Linh nói một cách rành mạch: “Bếp có giá thành rẻ, chi phí ban đầu thấp, tận dụng những phế phẩm trong nông nghiệp, góp phần hạn chế bệnh về mắt và đường hô hấp, giảm thiểu ô nhiễm cho môi trường, phát triển kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu một gia đình sử dụng trung bình mỗi ngày 30 lít nước thì tiết kiệm lượng điện năng là 84kwh/tháng”. Cũng theo Thùy Linh, do thời gian dành cho nấu ăn được rút ngắn nên bếp giúp phụ nữ giảm nhiều thời gian cho việc nội trợ trong gia đình.

Sắp tới, các em có thể thiết kế thay khoang chứa nước thành khoang chứa sản phẩm dùng để nướng hoặc sấy vẫn có hiệu quả cao. Ngoài ra, có thể thiết kế đường ống dẫn nước qua khoang chứa nước giúp làm nóng một lượng nước khá lớn rất cần thiết trong những ngày đông lạnh giá.

Thầy Võ Ngọc Diệp chia sẻ: “Hai em đam mê nghiên cứu khoa học. Bếp đun tiện ích là sản phẩm tốt đối với nông thôn, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, giúp tiết kiệm nhiều thứ và mang lại hiệu quả cao. Sản phẩm có thể được ứng dụng trong thực tế vì quá trình làm thí nghiệm đảm bảo hiệu suất cao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.