Sáng tạo bắt đầu từ người thầy
Giáo dục hiện đại có mục tiêu phát triển ở học sinh các năng lực như: tự học, tự giáo dục, năng lực tư duy sáng tạo, tò mò, tưởng tượng, sư hài hước… Vì vậy, tổ chức nhà trường và quá trình sư phạm có trách nhiệm hình thành các năng lực tâm lý, trí tuệ của cá nhân từng học sinh, lôi kéo từng cá nhân vào việc quản lý quá trình sáng tạo; Giáo viên đồng thời cần sáng tạo sử dụng các phương pháp dạy học mới, các công cụ và kĩ thuật sáng tạo trong quá trình dạy học.
Giáo viên hơn tất thảy phải ý thức và hiểu được các năng lực sáng tạo của người học, làm cho người học tin tưởng rằng họ có năng lực sáng tạo; Giáo viên phải phát triển các tiềm năng sáng tạo của người học (tạo cơ hội điều kiện cho người học khám phá sự thật, cung cấp hiểu biết về các năng lực khoa học và phát triển kĩ năng, các tố chất, thái độ sáng tạo…
Giáo viên cần đặt các mục tiêu phát triển năng lực sáng tạo của học sinh trong các mục tiêu tiêu dạy học, xác định các công cụ, phương pháp sáng tạo và nguyên liệu ngay từ khâu chuẩn bị bài. Mỗi giáo viên cần chủ động sử dụng các phương pháp và công cụ sáng tạo trong suốt quá trình dạy học và trong quá trình đánh giá năng lực của người học.
Giáo viên cần đánh giá sự phát triển năng lực sáng tạo của học sinh qua ý tưởng và sản phẩm mà các em sáng tạo theo một số tiêu chí về tính mới, tính độc đáo và tính hữu ích của nó.
Sau những nghiên cứu cho thấy, dạy học phát triển năng lực sáng tạo cho người học phải có đầy đủ những đặc trưng cơ bản như: Hiểu năng lực sáng tạo của người học và khuyến khích họ tin tưởng vào năng lực sáng tạo của bản thân; Giáo viên cần đặt ra mục tiêu phát triển năng lực sáng tạo cho người học trong quá trình dạy học; Cung cấp cho người học các kiến thức, kĩ năng môn học, liên môn học, kiến thức về sáng tạo, các công cụ và phướng pháp sáng tạo để học sinh sáng tạo.
Giáo viên cần tạo các cơ hội để học sinh sáng tạo, đánh giá năng lực sáng tạo của người học và xây dựng môi trường vật chất và tinh thần khuyến khích học sinh sáng tạo. Trên hết để đáp ứng được các đặc trưng việc dạy học phát triển năng lực sáng tạo này giáo viên nhất định phải có được các năng lực tương đối.
Sự khác biệt giữa một người giáo viên sáng tạo và một người giáo viên tốt đó là giáo viên tốt thấy được tầm quan trọng của việc phát triển học sin tài năng và sáng tạo. Người giáo viên sáng tạo không chỉ thấy mà còn tìm cách phát triển sự sáng tạo của học sinh và của bản thân. Không có giáo viên sáng tạo, tài năng của học sinh sẽ bị thui chột hoặc phát triển một cách hạn chế.
Sáng tạo - Năng lực không thể thiếu
Để học sinh phát triển năng lực sáng tạo trong các môn học thì bản thân giáo viên phải có kiến thức và kĩ năng chuyên môn sư phạm. Tiềm năng sáng tạo của học sinh ở các độ tuổi khác nhau có những đặc điểm riêng đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt và vận dụng trong quá trình dạy học để phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh một cách phù hợp.
TS. Trần Bích Liễu – ĐH Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra những đặc trưng cơ bản để giúp hình thành một giáo viên sáng tạo đó là: Giáo viên phải là người nhận thức và đánh giá được các năng lực sáng tạo trong bản thân họ và tìm cách để phát triển sự sáng tạo của lớp trẻ. Tìm hiểu các đặc điểm sáng tạo của học sinh, phát hiện các học sinh có năng lực sáng tạo và phát triển sự sáng tạo của các em. Họ khuyến khích học sinh tin tưởng vào năng lực của mình và tạo điều kiện để các em phát triển năng lực.
Mặt khác, giáo viên sáng tạo có các năng lực sáng tạo, làm chủ các phương pháp sáng tạo và có sự chia sẻ, tìm hiểu kiến thức mới. Người giáo viên sáng tạo luôn làm cho giờ học thú vị và có hiệu quả hơn. Họ sử dụng các cách dạy học giàu tưởng tượng và độc đáo, sử dụng hiệu quả các câu hỏi, các phương pháp dạy học giải quyết vấn đề và các phương pháp dạy học khác.
Cùng đó, giáo viên cần phải sáng tạo và có năng lực phát triển sự tò mò của học sinh, có sự độc đáo trong phương pháp giảng dạy và kết nối với các học sinh với nhau để các em làm việc hợp tác và cùng nhau sáng tạo. Học sinh là trung tâm của quá trình dạy học. Giáo viên sáng tạo có sự tự chủ đối với việc phát triển chuyên môn, thể hiện sự tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động sáng tạo và phát triển sáng tạo cho học sinh. Ham tò mò và ham học hỏi những kiến thức và kĩ năng mới. Giáo viên cần phát triển sự tự chủ của học sinh và tôn trọng sự tự do trong tư duy của các em.
Đặc biệt, giáo viên sáng tạo đánh giá cao sự sáng tạo của học sinh, của bản thân và đồng nghiệp. Họ chú ý vào những ý tưởng mới độc đáo của học sinh và đồng nghiệp; họ sẵn sàng mạo hiểm để thí nghiệm một hình thức dạy học mới và không sợ thất bại…
Cùng với yêu cầu đổi mới giáo dục chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sáng phát triển năng lực cho người học thì yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định quá trình này chính là giáo viên và các năng lực sư phạm tương ứng. Họ cần được đào tạo ở các trường sư phạm được bồi dưỡng thường xuyên trong các chương trình bồi dưỡng thường xuyên một cách có hệ thống bài bản…
Chỉ khi nào đội ngũ giáo viên có được năng lực tương ứng cộng với những chính sách phù hợp để thực hiện chương trình giáo dục mới thì các năng lực của người học, đặc biệt là năng lực sáng tạo mới được phát triển.