Học sinh sáng tạo cẩm nang đạt giải thưởng tiềm năng

GD&TĐ -Trong số 10 công trình được chọn vào chung kết, hai công trình của hai học sinh trung học vừa nhận giải thưởng tiềm năng của Tri thức trẻ vì giáo dục 2017 đã để lại ấn tượng sâu sắc cho độc giả bởi đó là những tác giả trẻ tuổi nhất cuộc thi.

Ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long trao giải tiềm năng cho 2 công trình.
Ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long trao giải tiềm năng cho 2 công trình.

Chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi trẻ thực hiện nhằm tìm kiếm các ý tưởng hay cho giáo dục từ trí thức trẻ.

Ngoài giải thưởng 100 triệu đồng/giải cho ba công trình tiêu biểu nhất, ban tổ chức quyết định trao thêm giải tiềm năng cho hai công trình do các em học sinh thực hiện, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng và hỗ trợ ứng dụng hoàn thiện ứng dụng trong thực tiễn.

Hai công trình này đều hướng đến dạy kĩ năng cho học sinh trung học đó là: Sổ tay trang bị kỹ năng phòng, chống mua bán người qua biên giới cho học sinh trung học tỉnh Lạng Sơn" của nhóm tác giả Lý Phương Anh, Trần Lê Linh Chi (Lạng Sơn) và sáng kiến "Áp dụng hình thức debate quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường THPT" của tác giả Phạm Hoàng Ân (TPHCM).

Để giáo viên và học sinh hiểu nhau hơn

Debate từ lâu là một môn học, một môn thể thao trí tuệ được áp dụng trong nhiều trường học trên thế giới. Ở Việt Nam, tuy vừa du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây nhưng debate đã tạo nên một làn sóng trong giới trẻ.

Đây là một hình thức vô cùng bổ ích vì đến với debate, các bạn sẽ được trình bày quan điểm của bản thân, được tự tìm hiểu và phân tích thông tin cũng như nâng cao kỹ năng tư duy phản biện. Chính nhờ sự bổ ích đó, Hoàng Ân quyết định thực hiện đề tài “Áp dụng hình thức debate quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường trung học phổ thông” nhằm mục đích đưa bộ môn này xâm nhập sâu hơn vào môi trường giáo dục của Việt Nam, giúp đào tạo ra các bạn trẻ vững kiến thức và giỏi kỹ năng, tăng hiệu quả cho các hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Một buổi tranh biện tại lớp do Phạm Hoàng Ân tổ chức
Một buổi tranh biện tại lớp do Phạm Hoàng Ân tổ chức

Tác giả Phạm Hoàng Ân cũng cho rằng hiện nay, nhiều học sinh thụ động tiếp thu kiến thức và chưa có tư duy phản biện khi tiếp xúc với các thông tin mới nên tác giả này quyết định nghiên cứu môn học tranh biện của thế giới và đưa ra phương pháp tích hợp môn học này vào nhiều môn học ở Việt Nam.

“Em đã xây dựng hai cuốn cẩm nang hướng dẫn về tranh luận, một là dành cho giáo viên, một là dành cho học sinh. Em hy vọng với cuốn cẩm nang này, giáo viên và học sinh sẽ hiểu nhau hơn trong quá trình học tập và tiếp thu kiến thức” – Hoàng Ân cho biết.

Công trình này của Phạm Hoàng Ân được Ban giám khảo đánh giá cao tính khả thi và ứng dụng của nó trong thực tiễn và chọn là công trình đạt giải tiềm năng.

Sáng tạo không phải để đi thi

Trong số 10 công trình tiêu biểu, không ít người đã tỏ rõ sự ngưỡng mộ dành cho hai học sinh đến từ trường THPT Chu Văn An (Lạng Sơn) khi trăn trở về vấn nạn buôn bán người hiện nay.

Chia sẻ về lý do thực hiện công trình sổ tay chống nạn buôn người và kĩ năng phòng, chống buôn bán người dành cho học sinh trung học, tác giả Lý Phương Anh chia sẻ:“Nhiều em nữ thậm chí còn chưa biết đến một thông tin gì về nạn buôn người qua biên giới thì đã thành nạn nhân rồi. Câu chuyện đó rất đau lòng”.

Phương Anh còn cho biết thêm để hoàn thành đề tài, hai em đã thu thập tài liệu bằng cách tiếp xúc với các nạn nhân, người nhà của họ và “gõ cửa” cả cơ quan chức năng, những cán bộ công an: “Với 231,74 km đường biên giới với Trung Quốc, Lạng Sơn có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia, 10 lối mở biên giới với Trung Quốc và còn rất nhiều đường mòn, lối tắt khác.

Chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên Lạng Sơn là nơi đầu tiên trong cả nước xuất hiện nạn mua bán người sang Trung Quốc. Đáng báo động hơn hiện nay số lượng nạn nhân thuộc lứa tuổi học sinh trung học ngày một gia tăng, họ là những cô gái, chàng trai trẻ mới lớn nên dễ trở thành món mồi ngon cho bọn buôn bán người thực hiện những hành vi dã man, đồi bại” – Lý Phương Anh chia sẻ.

Thiết kế cuốn sổ tay phòng chống mua bán người dành cho học sinh, hai bạn trẻ đã dồn tâm sức của mình để không phải mang nó đi thi mà với mong muốn được giúp ích cho đời, cho bạn bè đồng trang lứa và cho cả những người cha, người mẹ không phải chịu đau lòng khi mất con.

Với giải thưởng tiềm năng từ Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục, hai công trình này sẽ được chương trình hỗ trợ để hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi trong thực tế.

Đại diện ban tổ chức chương trình, ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long đánh giá: “Theo tôi, Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục tiếp tục thu hút các tri thức trẻ là vì chương trình đã đáp ứng được mong muốn đóng góp một phần công sức của người trẻ cho ngành giáo dục. Cuộc thi là động lực để nhiều trí thức trẻ hoàn thiện những ý tưởng ấp ủ từ lâu cho hoạt động dạy và học. Với hai công trình đạt giải tiềm năng, tôi tin rằng những sáng tạo của người trẻ hôm nay sẽ góp phần giúp xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó, chương trình có một hội đồng giám khảo chuyên môn, uy tín cao để thẩm định công trình; chương trình còn có nhiều hỗ trợ thiết thực để ứng dụng các công trình vào thực tế. Do đó, nhiều trí thức trẻ đặt niềm tin và gửi gắm những ý tưởng tâm huyết của mình cho chương trình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng ký kết hợp tác với Công ty CP Devis Tập đoàn Avestos (CHLB Đức) trong việc đưa sinh viên sang Đức làm việc.

Trường nghề theo chuẩn châu Âu

GD&TĐ - Nhiều trường nghề ở Đà Nẵng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường châu Âu...