Điểm tựa vững chắc để thực hiện chương trình mới với lớp 2

GD&TĐ - Năm học 2020 - 2021, Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới được triển khai ở lớp 1 với không ít khó khăn, thách thức.

GV và HS Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) hào hứng thích nghi với CT, SGK lớp 1 mới. Ảnh: Đức Trí
GV và HS Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) hào hứng thích nghi với CT, SGK lớp 1 mới. Ảnh: Đức Trí

Tuy nhiên, theo TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT), toàn ngành, đặc biệt các thầy cô đã nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ năm học. Những kết quả khả quan và bài học kinh nghiệm là chỗ dựa vững chắc để nhà trường, địa phương tự tin thực hiện chương trình mới với lớp 2.

Vượt qua khó khăn

- Ông nhận xét gì về kết quả sau một năm triển khai CT GDPT 2018 và SGK mới với lớp 1?

- Đây là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai CT GDPT 2018 sau một quá trình dài chuẩn bị. Chính vì vậy có những khó khăn và thuận lợi riêng. Vượt qua tất cả, chúng ta đã hoàn thành nội dung chương trình đúng kế hoạch.

Sau một năm triển khai CT GDPT 2018 với lớp 1 cho thấy, tất cả HS lớp 1, các trường tiểu học đã hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu đề ra của chương trình. Thời điểm này, chưa địa phương nào báo cáo về Bộ không triển khai được hoặc triển khai không đạt yêu cầu.

Cho dù có những khó khăn ban đầu nhưng các nhà trường đã quen và thành thục trong việc phân cấp chương trình, xây dựng được kế hoạch nhà trường, triển khai tại trường phù hợp điều kiện thực tế và đối tượng để hoàn thành chương trình một cách phù hợp nhất. Ví như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, mỗi tỉnh có cách triển khai riêng nhưng ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… lại triển khai theo kiểu khác. Tuy nhiên, cuối cùng đều đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình.

Về phía giáo viên (GV), các thầy cô đã làm chủ được môn học, phương pháp nên giúp HS hình thành yêu cầu cần đạt cùng những phẩm chất năng lực cốt lõi nhất của HS lớp 1. Điều này được thể hiện qua việc HS mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm trong tiết học bằng kiến thức thầy cô dạy…

HS cũng đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ I. Sang học kỳ II, các em có trải nghiệm, hoạt động mang tính tự chủ, tự tin và tự giác. Đây là điểm nổi trội so với chương trình hiện hành.

Về các yêu cầu kiến thức cơ bản: Ngay khi triển khai CT GDPT 2018, chúng ta đã xác định không tăng về thời lượng, kiến thức nhưng đổi mới phương pháp tiếp cận, hình thức tổ chức dạy học, hình thức kiểm tra đánh giá để HS được trải nghiệm… Điều đó khiến HS hình thành năng lực phẩm chất và những yêu cầu cần có để phục vụ cuộc sống sau này...

TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).
TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).

Tạo điều kiện tối đa triển khai CT GDPT mới

- Bộ GD&ĐT có chỉ đạo, lưu ý gì các địa phương trong việc chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị triển khai CT, SGK ở lớp 1, 2  trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

- Bộ GD&ĐT đã sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định các điều kiện tối thiểu để triển khai chương trình.

Cụ thể, ở lớp 1 đã ban hành Thông tư 05. Căn cứ vào quy định này địa phương chỉ đạo các cơ sở GD phổ thông mua sắm trang thiết bị. Hoặc tùy vào điều kiện thực tiễn địa phương mà có hình thức triển khai khác nhau. Có nơi xây dựng thành đề án, chương trình và mua sắm tập trung cho toàn tỉnh, có nơi lại phân cấp về cho nhà trường tự mua sắm.

Cùng đó, Bộ ban hành các thông tư quy định mua sắm thiết bị dạy học lớp 1, 2, 6 dựa trên nguyên tắc đủ yêu cầu thiết bị dạy học tối thiểu để triển khai chương trình. Như vậy, trước khi mua sắm địa phương phải đánh giá, rà soát lại thiết bị hiện có. Thiết bị nào trùng lặp trong danh mục thì có kế hoạch để sử dụng tiết kiệm và chỉ mua sắm thiết bị mới bổ sung yêu cầu…

Ngoài 2 thông tư trên, Bộ cũng có văn bản chỉ đạo để các địa phương thực hiện công tác trang bị này sớm nhất, kịp thời nhất. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, còn một số địa phương triển khai công tác trang cấp thiết bị dạy học quá chậm. Năm học triển khai một thời gian, thiết bị mới được trang bị. Hoặc có địa phương trong quá trình triển khai vì thiếu kinh phí nên trang bị chưa theo định mức.

Vì vậy, các địa phương cần rút kinh nghiệm triển khai ở lớp 1 và tạo điều kiện tối đa về quy trình thực hiện trang bị thiết bị dạy học triển khai CTGDPT 2018 với các lớp học tiếp theo.

- Kinh nghiệm mà Bộ GD&ĐT rút ra sau 1 năm triển khai CT, SGK mới là gì, thưa ông?

- Bộ đang gấp rút chỉ đạo các địa phương tổng kết cấp trường, phòng, huyện, tỉnh. Đã có 58 tỉnh, thành phố tổ chức tổng kết 1 năm triển khai chương trình lớp 1 và có báo cáo về Bộ.

Bộ đang chỉ đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có khảo sát diện rộng với tất cả GV dạy lớp 1 và các trường tiểu học. Đối với các nhà NXB tham gia xã hội hóa (XHH) SGK lớp 1 cũng sẽ có báo cáo độc lập về chính sách, đổi mới trong quá trình thực hiện chủ trương XHH biên soạn SGK. Về phía địa phương có báo cáo thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Dự kiến sẽ tổ chức hội nghị đánh giá trong tháng 6 để rút kinh nghiệm.

Để triển khai CT GDPT 2018, việc ban hành thẩm định chương trình SGK; các văn bản hướng dẫn đúng quy định thẩm quyền của Bộ được ban hành đầy đủ kịp thời, bài bản. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai cho thấy cần bổ sung một số văn bản để các địa phương nắm kỹ hơn trong quá trình tổ chức.

Bộ sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp và mạnh mẽ hơn đối với những địa phương đang gặp khó khăn (cụ thể với môn Tin học, Tiếng Anh từ năm học 2022 – 2023). Trong đó sẽ đưa ra nhóm giải pháp như: Bồi dưỡng GV; Tuyển dụng GV theo đặt hàng của địa phương; Báo cáo Chính phủ giao thêm định biên đúng - đủ để các địa phương có căn cứ và quỹ định biên tuyển dụng GV mới 2 môn học này…

Đặc biệt, ngoài công tác triển khai kiểm tra, đánh giá thường xuyên quá trình thực hiện, Bộ vẫn yêu cầu các cơ sở tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ GV để thầy cô tiếp tục tự tin dạy lớp 1, 2 và các lớp tiếp theo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.