Trường học chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy theo chương trình mới

GD&TĐ - Nhiều nhà trường ở Hà Nội đang xây dựng kế hoạch bài giảng, nhằm đáp ứng với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới khi đưa sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 vào giảng dạy trong năm học mới.

Các nhà trường đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm học mới (Ảnh chụp trước giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Bảo An
Các nhà trường đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm học mới (Ảnh chụp trước giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Bảo An

Xây dựng bài giảng theo SGK mới

Thầy Đặng Bá Thềm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Hưng (Mỹ Đức – Hà Nội) cho biết: Trong năm học mới, nhà trường đã lựa chọn các đầu SGK phù hợp với học sinh tại địa phương. Tuy nhiên, hiện trường chưa nhận được sách. Hiện, giáo viên của trường đã được tập huấn trực tuyến để dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Các đơn vị cung ứng đã có kế hoạch chuyển sách. Phía nhà trường, sau khi hết giãn cách, sẽ triển khai đến phụ huynh, học sinh trước khi năm học mới diễn ra.

Về phía giáo viên, các thầy cô đã tiếp cận SGK chương trình mới từ năm lớp 1, nên việc triển khai không khó khăn. Qua đợt tập huấn gần đây nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội có nội dung xây dựng bài giảng, giáo viên đã xây dựng các bài giảng để phù hợp với từng môn và tình hình thực tế”- thầy Thềm chia sẻ.

Theo Thầy Nguyễn Viết Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Khê (Thanh Oai – Hà Nội): “Nhà trường đã triển khai tập huấn cho giáo viên để giảng dạy chương trình SGK lớp 2, năm học 2021 – 2022. Về việc xây dựng bài giảng, dạy thử nghiệm trường vẫn đang chờ chỉ đạo của Phòng GD&ĐT”.

Thầy Phạm Quốc Việt – Hiệu trưởng Trường THCS Đội Bình (Ứng Hòa – Hà Nội) thông tin: Nhà trường đã tiếp nhận SGK đối với một số môn học từ 2 tuần trước. Những môn còn lại, sẽ tiếp nhận trong thời gian tới, sau khi hết giãn cách xã hội.

“Ảnh hưởng của dịch bệnh, trước đó các giáo viên của nhà trường đã được tập huấn thông qua hình thức trực tuyến. Việc tiếp cận kiến thức của giáo viên không gặp trở ngại bởi, các nhà xuất bản truyền đạt phương pháp khá kỹ lưỡng, tỉ mỉ.

Hiện nay, các tổ chuyên môn của nhà trường đang xây dựng kế hoạch bài giảng. Sau khi hoàn thành năm học 2020 – 2021 giáo viên sẽ được dạy thử nghiệm”- thầy Việt cho biết.

Mục tiêu lớn nhất là phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh (Ảnh chụp trước giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Bảo An.
Mục tiêu lớn nhất là phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh (Ảnh chụp trước giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Bảo An.

Phát huy được năng lực và phẩm chất của học sinh

Theo thầy Nguyễn Phú Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Long Biên – Hà Nội): Trường đã tiếp nhận SGK của khối 7 – 9. Riêng SGK lớp 6, nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện, giáo viên của trường đã hoàn thành việc tập huấn, xây dựng kế hoạch bài giảng, sẵn sàng đáp ứng cho năm học mới sắp diễn ra. Đồng thời, xây dựng phương án dạy trực tiếp và online, chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra.

“Giáo viên được tập huấn, kết hợp với nghiên cứu các phương pháp, xây dựng giáo án theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, để học sinh có thể tiếp cận hiệu quả.

Ngoài ra, giáo án cần đáp ứng được cả 2 hình thức dạy trực tiếp và online. Nhà trường yêu cầu giáo viên phải soạn đủ nội dung chương trình, với thời gian 45 phút/tiết học theo quy định.

Tuy nhiên, trường hợp dạy học online, mức độ tương tác sẽ không hiệu quả như trực tiếp. Với lớp học từ 40 – 45 học sinh, giáo viên sẽ không thể quan sát hết được học sinh qua camera”- thầy Cường nói.

Ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết: Cuối tháng 4, địa phương đã tiếp nhận SGK lớp 2, lớp 6, thời gian tới sẽ tiếp nhận tiếp một số đầu sách còn lại. Hiện, các trường đang cho giáo viên tập huấn, nhằm đáp ứng với yêu cầu của chương trình mới.

“Năm học 2020 – 2021, các nhà trường bậc Tiểu học đã triển khai giảng dạy chương trình mới đối với khối 1, nên đã có kinh nghiệm, việc xây dựng kế hoạch giảng dạy đang được triển khai, không gặp khó khăn.

Thời gian tới, sau khi hết giãn cách, các trường tiếp tục tổ chức cho giáo viên dạy thử nghiệm để đạt kết quả cao trong năm học 2021 – 2021. Mục tiêu hàng đầu đó là phát huy được năng lực và phẩm chất của học sinh”- ông Oanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.