Trường Tiểu học: Chia lịch tan học lệch nhau
6 giờ 30 sáng, em Võ Chiêu Anh (học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Núi Thành) được mẹ đánh thức để vệ sinh cá nhân, đo thân nhiệt và ăn sáng. Dù đã được mẹ tập cho thức dậy vào khung giờ này từ mấy ngày nay, nhưng Chiêu Anh vẫn còn muốn ngủ tiếp. Hơn một học kỳ qua, lịch học trực tuyến của em đều vào 18 giờ hàng ngày. Điều chỉnh giờ sinh hoạt theo đúng lịch học trực tiếp cho các con là một khó khăn mà nhiều gia đình gặp phải trong những ngày đầu học sinh chuyển sang học trực tiếp.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: "Do tuần đầu tiên học sinh đến trường trở lại, thời tiết Đà Nẵng lạnh sâu nên nhà trường quyết định lùi giờ vào lớp muộn hơn 10 phút. Trường sẽ đón học sinh bắt đầu từ 7h15. 7h40 sẽ tính giờ vào học tiết 1. Việc lùi giờ để học sinh có thêm thời gian ăn sáng, quen dần với lịch sinh hoạt mới phù hợp với việc học trực tiếp. Lịch học này sẽ duy trì cho đến khi nào nhà trường tổ chức bán trú mới thay đổi".
Trong tuần đầu tiên đến trường học trực tiếp, các trường tiểu học tại Đà Nẵng đều tổ chức dạy - học một buổi. Học sinh ra về được bố trí lệch khung giờ để hạn chế tập trung đông người. Như Trường Tiểu học Núi Thành, mỗi khối tan trường lệch nhau 35 phút.
Với những học sinh là F0, F1 không thể đến trường học trực tiếp, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức mỗi khối một lớp học trực tuyến, do giáo viên trong tổ phân chia nhau đảm nhận. Trường Tiểu học Núi Thành không duy trì hình thức dạy học trực tiếp song song với trực tiếp. Giáo viên chủ nhiệm sẽ lựa chọn hình thức phù hợp để hỗ trợ cho học sinh là F0, F1 học tập như gửi bài có hướng dẫn, trao đổi với phụ huynh nhờ hỗ trợ...
Chị Lê Thị Thu Hương (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ: "Dịch cũng chưa có dấu hiệu giảm nên cho con đến trường học trực tiếp, tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng các cháu đã học trực tuyến một thời gian quá dài, sợ kéo dài thêm nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sức khỏe của các cháu".
Ngày đầu trở lại trường học trực tiếp, háo hức hơn cả là các em học sinh. Đã từng đến trường học trực tiếp tại trường 1 tuần, sau đó phải chuyển sang học trực tuyến, Chiêu Anh mong muốn "lần đi học này, con và các bạn được học ở trường nhiều hơn. Học ở trường có bạn, có cô vui hơn nhiều".
Mầm non: Chỉ mới 2 quận đón trẻ trở lại trường
Trường Mầm non Selfwing V - Kids (quận Thanh Khê, TP Đa Nẵng) đã khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để mở cửa trường học đúng vào ngày 21/2. Cô Trần Uyên Miêng cho biết: "Dù số trẻ đến trường chưa đạt 100% nhưng nhà trường không ghép trẻ ở các lớp lại để cô và cháu làm quen với nhau ngay từ đầu và cũng đảm bảo giãn cách trong phòng, chống dịch. Trường đã trang bị kid test và cứ 3 ngày sẽ test nhanh cho giáo viên một lần để đảm bảo an toàn cho trẻ".
Sáng nay, chỉ mới có các trường mầm non thuộc địa bàn quận Thanh Khê và quận Sơn Trà tổ chức đón trẻ trở lại trường học. Số trẻ đến trường trong ngày đầu tiên của các trường đều không cao.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng quy định thời gian các trường mầm non được phép tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 21/2. Thời gian cụ thể đối với từng cơ sở giáo dục mầm non do UBND các quận, huyện quyết định sau khi tổ chức kiểm tra thực tế.
Trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp dựa trên cơ sở đăng kí tự nguyện của cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ.
"Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và nhu cầu đăng kí của cha, mẹ hoặc người giám hộ khi trẻ đi học trực tiếp, các cơ sở giáo dục chủ động liên lạc thường xuyên với cha, mẹ hoặc người giám hộ để xác định số lượng trẻ đi học, tham gia bán trú.
Từ đó, xác định thời gian hợp lí để quyết định tổ chức dạy học, tổ chức bán trú. Công tác bán trú được tổ chức khi cơ sở giáo dục cam kết đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng; tuân thủ các nguyên tắc trong phòng, chống dịch COVID-19" - bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết.
Tuần đầu tiên khi trẻ trở lại trường, các cơ sở giáo dục mầm non quan tâm cho trẻ ổn định nền nếp, làm quen với các hoạt động theo chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ ở từng độ tuổi. Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, giáo viên cần lựa chọn những nội dung giáo dục cần thiết, ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.