Đà Nẵng: Học sinh ở vùng có cấp độ dịch mức 3 được đến trường học trực tiếp

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Đà Nẵng vừa có hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, từ ngày 14/2, học sinh lớp 6 sẽ đến trường học trực tiếp. Học sinh Tiểu học trở lại trường từ ngày 21/2.

Các trường THCS ở Đà Nẵng kiểm tra thân nhiệt của học sinh trước khi di chuyển về lớp học
Các trường THCS ở Đà Nẵng kiểm tra thân nhiệt của học sinh trước khi di chuyển về lớp học

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Sở, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, các đơn vị, tổ chức, cơ sở đăng kí hoạt động giáo dục kĩ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được học trực tiếp từ ngày 14/2.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng quy định chỉ những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 1, 2, 3 mới được tổ chức dạy học trực tiếp. Những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 4 tổ chức dạy học trực tuyến.

Cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên cư trú trên địa bàn có cấp độ dịch 4 không đến trường. Căn cứ vào sự thay đổi cấp độ dịch tại địa bàn, cơ sở giáo dục đóng chân, tình hình cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên thuộc F0, F1, cư trú tại các địa bàn có cấp độ dịch 4, thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động quyết định thay đổi hình thức tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, kết hợp trực tiếp với trực tuyến phù hợp.

Đối với bậc Tiểu học, trong thời gian đầu học sinh trở lại trường, các trường học sẽ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày.

“Nhà trường chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục và thời khóa biểu, phân chia buổi học đối với các khối lớp. Ngoài ra, ban giám hiệu cần chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng nội dung dạy học các môn học phù hợp với tình hình thực tế và đối tượng học sinh từng lớp.

Các đơn vị trường học không nên vội chạy theo chương trình khi học sinh chưa hoàn thành nội dung bài học. Cần mạnh dạn linh hoạt và điều chỉnh thời gian, nội dung, kế hoạch dạy học để phù hợp tình hình của lớp, đối tượng học sinh sau thời gian học trực tuyến” – bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng lưu ý.

Đặc biệt, đối với học sinh lớp 1, các trường học cần có kế hoạch dạy học, hỗ trợ phù hợp với từng học sinh. Với môn Tiếng Việt, trong thời gian đầu, giáo viên có thể giãn tiết trong mỗi bài học, tăng thời lượng để học sinh nắm chắc kiến thức qua từng bài; rèn luyện kĩ năng đọc, viết, tạo tâm thế nhẹ nhàng nhằm giúp học sinh tiếp thu bài tốt nhất.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng yêu cầu dạy đâu chắc đấy, học đâu biết đấy, học sinh đạt yêu cầu của hoạt động này mới chuyển qua hoạt động tiếp theo; có thể giảm số tiếng, từ trong bài và dạy vào các tiết ôn luyện nếu học sinh chưa tiếp thu kịp.

Đà Nẵng chưa chốt thời gian trở lại trường đối với bậc học mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.