Học nghề sớm để trở thành kỹ sư giỏi

GD&TĐ - Tốt nghiệp THCS, bước vào học nghề đang trở thành một xu hướng hướng nghiệp rõ ràng hơn đối với rất nhiều học sinh. Bên cạnh những lợi thế về chính sách ưu đãi, người học cũng có thêm nhiều cơ hội để có thể vừa đi làm để có thu nhập, vừa đi học để phát triển trở thành một kỹ sư giỏi.

Đào tạo nghề công nghệ ô tô
Đào tạo nghề công nghệ ô tô

Điểm sáng trường học trong trường nghề

Thầy Đặng Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp (Bắc Giang) cho biết: Nhà trường đang thực hiện mô hình đào tạo trường THPT trong trường nghề. Đây là trung tâm giáo dục phổ thông và đào tạo nghề, hiện có hơn 1.000 học sinh tham gia, các em được đào tạo văn hóa phổ thông theo đúng chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT quy định, song song với học trung cấp nghề.

Khi kết thúc, các em cũng thi tốt nghiệp như các trường THPT khác và có bằng trung cấp nghề, tỷ lệ các em tốt nghiệp hàng năm đều đạt trên 90%. Các ngành đào tạo ở hệ trung cấp được đào tạo như: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Điện dân dụng, Công nghệ ô tô, Cơ khí, Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử, Quản trị kinh doanh, Kế toán tài chính…

Được thí điểm từ năm 2003, ban đầu mỗi năm chỉ hơn 100 học sinh, sau tăng dần lên 300 - 500 em mỗi năm, trong khoảng 5 năm trở lại đây, quy mô đã ở mức trên dưới 1.000 học sinh mỗi năm. Năm 2017, lớp 10 tuyển vào hơn 600 em năm 2018, thời điểm đầu tháng 8/2018, số lượng đã là 550 em. Mô hình đào tạo này, ngoài những hỗ trợ trong chương trình đào tạo, nhà trường còn hỗ trợ kinh phí cho học sinh nội trú.

Theo mô hình đào tạo này, sau tốt nghiệp có khoảng trên 80% các em đi làm ngay, bởi nhu cầu lao động rất lớn. 20% còn lại các em tiếp tục học liên thông tại trường và vừa đi học vừa đi làm. Đối với những em này, nhà trường bố trí chương trình học “mềm dẻo” để tạo điều kiện tốt nhất cho các em có thể vừa học vừa làm, thậm chí có thể học vào buổi tối hoặc ngày nghỉ.

Thầy Thủy cũng cho biết thêm, nhà trường đang chuẩn bị đề án thí điểm thành lập trường THPT chất lượng cao trong trường nghề. Đây có thể được xem là một hướng đi đầy triển vọng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nói riêng và các em học sinh tốt nghiệp THCS nói chung.

Tiếp cận hướng nghiệp theo xu hướng mới

Theo cách nghĩ của rất nhiều phụ huynh và học sinh hiện nay là tiếp tục theo học THPT sau khi tốt nghiệp THCS rồi mới học tiếp lên trung cấp, cao đẳng hay đại học hoặc đi làm. Đây được xem là một cách tiếp cận hướng nghiệp đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội trong thời đại công nghiệp 4.0.

Ngay tại các nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Australia… học nghề sớm là sự lựa chọn được ưu tiên, học sinh tốt nghiệp cấp hai đã có thể bắt đầu với một chương trình đào tạo nghề song song với chương trình học phổ thông, khi tốt nghiệp phổ thông, các em cũng đã có một bằng nghề, có được những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để tham gia ngay vào thị trường lao động.

Tại nước ta, không nằm ngoài xu thế này, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 trong đó nêu rõ phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Học nghề để trở thành kỹ thuật viên, lao động có tay nghề, có thu nhập tốt và ổn định. Các con số thống kê cho thấy, tỷ lệ người học nghề có việc làm ngay khi tốt nghiệp ở nước ta thường chiếm tới khoảng 80%. Đặc biệt, ở các cơ sở đào tạo có uy tín, tỷ lệ này lên tới trên 95%…

Như vậy, định hướng sớm để các em học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta sẽ được nâng cao, bản thân người tham gia học nghề cũng có thêm nhiều cơ hội để trở thành những kỹ sư thực hành giỏi, từ đó mở ra những cơ hội thăng tiến và thành công trong sự nghiệp của mình.

Được biết, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang đẩy mạnh những giải pháp phân luồng, khuyến khích, hỗ trợ người học nghề như miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp; miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng chính sách xã hội, người học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù; chính sách nội trú cho người học là người dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo người khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.