Doanh nghiệp “khát” lao động kỹ thuật
Tình trạng thiếu nhân sự trong lĩnh vực cơ khí vẫn đang diễn ra phổ biến trên thị trường lao động. Đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, hay xa hơn là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Nếu đi qua các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, đều có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều băng rôn đăng tuyển dụng lao động ngành cơ khí với mức lương cam kết khá hấp dẫn. Tương tự, trong các trang tuyển dụng trực tuyến, nhóm ngành này cũng luôn đứng trong top những ngành nghề có nhiều thông tin tuyển dụng nhất.
Theo khảo sát, hiện nay nhân lực nhóm ngành cơ khí bao gồm các nghề như: Tiện, phay, hàn,… vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt thiếu nhân lực trình độ trung cấp, cao đẳng nghề. Đặc biệt, nhóm ngành này cũng được các doanh nghiệp nước ngoài chào đón thông qua những chương trình xuất khẩu lao động với mức lương lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Đào tạo chất lượng cao
Đối với đào tạo ngành cơ khí, tại khu vực Hà Nội, hiện nay một số trường cao đẳng nghề đã được đầu tư bài bản có trang thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến phục vụ tốt cho công tác đào tạo như: Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội…
Thầy Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - cho biết: Các chương trình đào tạo nghề cơ khí đều là các chương trình đào tạo chất lượng cao, áp dụng công nghệ 4.0 mới nhất hiện nay trên thế giới. Đào tạo công nghệ CNC còn được gọi là ngành cắt gọt kim loại, trên cơ sở sự tiếp thu, tiếp nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ Đức được nhà trường áp dụng vào đào tạo chất lượng cao. Bên cạnh đó, đối với ngành hàn công nghệ cao, nhà trường đào tạo những kỹ năng lập trình cho các robot hàn tại các dây chuyền sản xuất trong các nhà máy.
Với ưu điểm về phương thức đào tạo thiên về kỹ năng, thời gian đào tạo thực hành là 70% và 30% lý thuyết cũng để phục vụ cho việc học kỹ năng thực hành chứ không đi vào những kiến thức hàn lâm, là những kiến thức mà học sinh có học lực không cao rất ngại học.
Các chương trình đào tạo đảm bảo cho các sinh viên cao đẳng nghề khi ra trường đã có được tay nghề vững vàng, đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất thực tế của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp đã thường xuyên liên hệ với nhà trường để “đặt hàng” tuyển dụng học sinh, sinh viên ngay sau tốt nghiệp.
Để học nghề cơ khí, thầy Ngọc cho rằng, ngay cả những em học sinh chỉ có học lực bình thường cũng có thể học được để trở thành người thợ có tay nghề cao, qua đó mở ra cơ hội ổn định nghề nghiệp và làm giàu cho bản thân. Tuy nhiên, nghề nào cũng cần có sự đam mê và kiên định với mục tiêu học tập của mình.