Đây là yêu cầu được Bộ GD&ĐT đưa ra trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2018 được xã hội và người học đánh giá cao. Theo nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc Bộ yêu cầu các trường minh bạch thông tin về tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên không chỉ có lợi cho người học mà còn tác động đến việc các trường đổi mới đào tạo, tạo sức hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp.
Tỷ lệ việc làm cần được minh bạch
Vào mỗi mùa tuyển sinh, việc người học có nhu cầu tiếp cận thông tin về cơ hội việc làm ở những ngành nghề nào, trường nào để đưa ra quyết định theo học ở đâu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên dạo một vòng qua website của nhiều trường, không phải trường nào cũng thực hiện tốt việc đó, kể cả những trường có uy tín được coi là nằm trong top đầu.
Lý giải về điều này nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, các trường đó đã ỷ vào uy tín lâu năm, thêm nữa việc mở ra nhiều ngành đào tạo mới cùng với xu hướng cạnh tranh ngày càng cao giữa các đại học thì việc chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho người học cũng là cách các trường này lấy nguồn tuyển.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, cho biết: “Văn hóa chất lượng là một yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu của nhà trường. Sức hút với người học của Trường Đại học Ngoại thương là rất lớn, tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi bỏ qua các yêu cầu gắn với quyền lợi của sinh viên, trong đó là việc công khai minh bạch tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp.
Website của trường công khai thông tin này, riêng đối với các sinh viên có kênh đánh giá chất lượng đào tạo của trường trên Internet. Qua các phiếu điều tra đưa ra chúng tôi nhận được phản hồi, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường có việc làm là 97%. Con số đưa ra hoàn toàn có thể tin tưởng vì thực tế minh chứng sinh viên tốt nghệp Trường Đại học Ngoại thương luôn được các doanh nghiệp lớn ưu tiên tuyển dụng”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất là việc làm cần thiết, vì điều này đảm bảo quyền lợi của người học cũng là cách tạo sự hấp dẫn từ các nhà trường. Việc minh bạch thông tin cần tôn trọng sự chính xác chứ không chỉ đưa ra con số để làm đẹp cho mình vì thực tế hoạt động đào tạo và uy tín của trường cũng sẽ lộ ra những con số được làm đẹp đó.
Nên tạo sức hấp dẫn cùng doanh nghiệp
Có một thực tế là tỷ lệ việc làm cũng gắn liền với độ tín nhiệm của trường đó với người học. Ở các thành phố lớn, đặc biệt là những trung tâm kinh tế - xã hội như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sức hút lao động đặc biệt lớn nên tỷ lệ sinh viên ra trường ở khu vực này có việc làm khá cao, từ 85% - 98%.
Đây là ghi nhận không chỉ ở các trường trong nhóm top đầu mà cả các trường top dưới và các đại học ngoài công lập. Chỉ có số ít do chưa có được uy tín với người học và xã hội và do quá chú trọng vào việc thu hút nguồn tuyển và không tính đến đầu ra cho sinh viên nên tỷ lệ có việc làm thấp.
Còn đối với những trường đại học nằm ở địa phương thiệt thòi nhiều nhất trong nhóm này là cơ hội việc làm khu vực này không có nhiều như ở các tỉnh, thành lớn. Tuy nhiên, có lẽ từ nhận biết hạn chế này nên có những trường đã chủ động khắc phục bằng cách trải thảm mời các doanh nghiệp đến với mình, vừa tham gia đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nhưng cũng lại mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
TS Võ Hoàng Khải – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh bộc bạch: Là một trường đại học địa phương nằm ở miền Tây Nam bộ, nơi có đông người dân tộc Khmer, không có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp lớn như các địa phương khác. Tuy nhiên, chúng tôi biến hạn chế này thành thế mạnh. Nhà trường đã chủ động mời các doanh nghiệp không chỉ ở khu vực Tây Nam bộ, mà cả TP Hồ Chí Minh và Tây Nguyên… đến cùng tham gia đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên.
Đã có hơn 400 doanh nghiệp hợp tác với nhà trường, nhờ có các liên kết này, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp hàng năm luôn trên 70%. Trung tâm Dịch vụ việc làm của trường đã hoạt động hết sức tích cực, 3 lần/năm các hội chợ việc làm quy mô lớn mời doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Hàng tháng là các phiên giới thiệu việc làm nóng, doanh nghiệp và sinh viên tìm kiếm và gặp nhau để trao đổi cơ hội việc làm.
Không chỉ các chuyên gia tuyển sinh mà các bậc phụ huynh và sinh viên đều đánh giá việc các nhà trường và doanh nghiệp cùng hợp tác tạo sự hấp dẫn trong đào tạo và việc làm. Một số phụ huynh có con em thi THPT quốc gia năm 2018 có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cho rằng: Các trường cần công khai thông tin về tỷ lệ việc làm để phụ huynh và thí sinh hiểu được có nên hay không chọn ngành học hay trường đó.
Bên cạnh đó, các trường cũng cần công khai cả hoạt động phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo, số sinh viên hàng năm được doanh nghiệp tuyển dụng, đưa ra dự báo về ngành học có nhu cầu nhân lực cao cụ thể với chính doanh nghiệp đó. Xem ra, tạo nên sức hút với người học bằng sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp là cách làm hay, hiệu quả.
Ở những trường đại học lớn, có uy tín với xã hội, việc tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc cao cũng là bình thường. Nhưng nhiều đại học non trẻ trong nỗ lực xây dựng uy tín bằng chất lượng đào tạo, đã chủ động mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo để cộng đồng trách nhiệm tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.