Những kiến thức tiếp thu được thông qua bồi dưỡng theo tôi là bổ ích, nó góp phần nâng cao năng lực dạy học chương trình GDPT mới 2018. Dưới góc nhìn của một giáo viên lâu năm trong nghề, tôi có một vài vấn để chia sẻ về bồi dưỡng bộ môn toán cấp THPT như sau:
Vấn đề 1. Giáo viên tự sắp xếp thời gian để hoàn thành bồi dưỡng các mô đun.
Chúng ta biết rằng, giáo viên trên toàn quốc tham gia bồi dưỡng các mô đun đều rơi vào khung thời gian của năm học nên tranh thủ lúc rảnh rỗi để học. Do các mô đun có sẵn bằng video nên giáo viên chúng tôi chủ động sắp xếp học vào buổi tối và ngày chủ nhật. Giáo viên chúng tôi tham gia bồi dưỡng đầy đủ và với tinh thần cầu thị; học để biết cách soạn giáo án và dạy sao cho phù hợp với chương trình mới; học nghiêm túc và biết chương trình Toán có rất nhiều thay đổi về mạch tiếp cận kiến thức của từng bài, về sự sắp nội dung từng chương, về kiến thức thực tế được đưa vào bài học nhằm giúp toán học gần gũi với đời sống chúng ta.
Tham gia bồi dưỡng môn Toán sẽ giúp giáo viên hiểu thêm về mục tiêu và các phương pháp tiếp cận bài học, giúp giáo viên dần làm quen với cách giảng dạy coi trọng kỹ năng, thao tác và cách xử lý vấn đề đặt ra. Giáo viên phải vững chuyên môn và liên tục cập nhật kiến thức mới để không lạc hậu khi truyền đạt kiến thức cho học sinh. Bằng sự nhiệt tình và sự dày dặn kinh nghiệm, đội ngũ giảng viên đã quay những video rõ ràng để truyền đạt rất dễ hiểu.
Qua đó, giáo viên chúng tôi tiếp thu được nhiều kiến thức mới, hiện đại, nắm bắt được những điểm cơ bản của Chương trình và sách giáo khoa mới. Hiện tại, giáo viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị bồi dưỡng những mô đun còn lại; hy vọng thành công tốt đẹp và đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vấn đề 2.Hiệu quả từ việc bồi dưỡng các mô đun.
Theo đánh giá của bản thân tôi cùng các đồng nghiệp trong quá trình bồi dưỡng có rất nhiều nội dung phù hợp với trình độ của giáo viên bậc THPT. Các giảng viên, bằng nhiều phương pháp đã giúp chúng tôi hình dung và nắm rõ những điểm quan trọng của phương pháp và kỹ năng; sử dụng nhiều phương pháp như: thuyết trình, chia nhóm, giao bài tập, thực hành, trao đổi trực tiếp tại lớp. Sự nhiệt tình của giảng viên và ý thức học tập nghiêm túc của giáo viên đã góp phần vào thành công của việc bồi dưỡng các mô đun.
Với môn Toán, chúng tôi tham gia bồi dưỡng một cách tích cực, giúp giáo viên biết cách ra đề kiểm tra trực tuyến thông qua các phần mềm, biết cách soạn giáo giáo án bằng công nghệ thông tin, biết dùng các phần mềm toán học để vẽ hình để bài dạy trở nên sinh động.
Đồng thời, được các giảng viên bồi dưỡng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho giáo viên về phương pháp giảng dạy và cách thức soạn giáo án, tổ chức hoạt động, đổi mới phương pháp. Những giảng viên thu âm bằng video trong bồi dưỡng rất nhiệt tình tạo cho chúng tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về nghiêm túc và cầu thị.
Vấn đề 3: Xác định nhiệmvụ và trách nhiệm của bản thân khi dạy chương trình mới
Thông qua bồi dưỡng các mô đun, mỗi giáo viên đi theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực. Do đó, bản thân tôi xác định nhiệm vụ và trách nhiệm khi dạy chương trình môn Toán mới như sau:
- Biết soạn giáo án theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu thế phát triển của các nước tiên tiến, nhằm thực hiện chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà trí, đức, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
- Biết đổi mới phương pháp dạy học là một giải pháp được xem là then chốt, có tính đột phá cho việc thực hiện chương trình mới. Tùy từng đối tượng học sinh giáo viên lựa chọn phương pháp cho phù hợp, với phương châm học sinh lĩnh hội kiến thức một cách tự nhiên không gượng ép.
Dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Rèn luyện học sinh biết khai thác sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới.
Biết phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự, quy lạ về quen. Yêu cầu học sinh hợp tác hoạt động nhóm để vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân.
- Đổi mới cách ra đề kiểm tra là chú trọng phát triển năng lực học sinh, cố gắng đưa một số bài toán thực tế vào đề để học sinh thấy được toán học rất gần gũi với cuộc sống. Đề kiểm tra phải xây dựng trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học.
Tiến hành kiểm tra thường xuyên có thể nhiều lần, đa dạng hình thức đánh giá thường xuyên như trực tuyến; qua hỏi đáp, viết, thuyết trình, sản phẩm học tập. Tránh ra đề theo khuôn mẫu dẫn đến học sinh học tủ. Đánh giá kết quả học tập của học sinh theo mục tiêu bài học trong suốt tiến trình dạy học thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập có chú trọng đến phát triển kỹ năng.
Để chương trình mới thành công đòi hỏi mỗi giáo viên không ngừng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ; bên cạnh đó còn cần sự nhiệt huyết và lòng yêu trò mới có thể hoàn thành mọi công việc. Vì chương trình mới nên còn khó khăn và lúng túng nhưng giáo viên chúng tôi sẽ quen dần, lựa chọn phương pháp dạy phù hợp và ra đề kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực của học sinh.