Trường Đại học Sư phạm TPHCM (HCMUE) vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông năm 2022 và định hướng đến năm 2025.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các Sở GD&ĐT 19 tỉnh khu vực phía Nam: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh; Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, An Giang và một số tỉnh thành như: Gia Lai, Bình Thuận…, cùng quản lý các phòng ban chức năng thuộc các Sở GD&ĐT và lãnh đạo HCMUE, quản lý một số Phòng, Trung tâm, khoa và các giảng viên sư phạm chủ chốt và đại diện các ban, tổ công tác của HCMUE.
Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng HCMUE, các đại biểu tham dự hội nghị đã lắng nghe báo cáo về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông năm 2022 , những mặt đã đạt được cùng những hạn chế trong quá trình tham gia thực hiện Chương trình ETEP và các hoạt động có liên quan về công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội, nhất là giáo viên dạy các môn mới đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, hội nghị cũng đã có những trao đổi, thảo luận về những vấn đề trong công tác tổ chức, triển khai cần rút kinh nghiệm để có thể hoàn thiện hơn trong tương lai đối với các công tác tương tự.
“Trường Đại học Sư phạm TPHCM cam kết hỗ trợ giáo viên phổ thông cốt cán hoàn thành nhiệm vụ, không làm thay công việc giáo viên phổ thông cốt cán, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán, đội ngũ đại trà hoàn thành nhiệm vụ. Chương trình Bồi dưỡng giáo viên cán bộ quản lí giáo dục là hoạt động vô cùng cần thiết để nâng cao năng lực đội ngũ nhằm đạt thành quả tốt nhất trong các hoạt động: quản trị nhà trường, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới cũng như các hoạt động đối ngoại, xây dựng môi trường sư phạm, hỗ trợ dạy học và học sinh…” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Thời gian qua, 7.500 giáo viên phổ thông cốt cán (GVPTCC) của 19 Sở GD&ĐT khu vực phía Nam (bao gồm 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long và 6 tỉnh thành Đông Nam Bộ) tham gia Chương trình ETEP khu vực phía Nam do HCMUE phụ trách. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã hỗ trợ 270 nghìn lượt giáo viên đại trà trong quá trình GVPTCC triển khai nhiệm vụ của mình phổ biến xuống cho các giáo viên đại trà.
Đại diện nhiều Sở GD&ĐT cho rằng Chương trình ETEP đã mang lại nhiều hữu ích, tạo được sự chuyển biến tốt trong việc triển khai CTGDPT 2018, đồng thời mong muốn chương được tiếp tục triển khai với các mô đun 6, 7 và 8 với sự đồng hành của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, việc triển khai CTGDPT mới tại địa phương được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt là về cơ sở vật chất và nâng chất đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tỉnh… trong đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao để giúp các thầy cô có điều kiện tiếp cận đến phương pháp giảng dạy theo CTGDPT mới.
“Tỉnh chúng tôi đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện bồi dưỡng cho hơn 500 GVPTCC với mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9. Bên cạnh đó, Sở cũng được sự ủng hộ của UBND tỉnh, triển khai bồi dưỡng đại trà cho hơn 10 nghìn giáo viên bằng hình thức vừa trực tuyến và trực tiếp. Khi được bồi dưỡng như vậy, giáo viên tự tin hơn và mạnh dạn ứng dụng trong thực tiễn…” - đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng chia sẻ tại một hội nghị.
Hội nghị đã đi đến thống nhất theo lộ trình thực hiện bồi dưỡng các mô đun 6, 7 và 8 trong hè 2022 và ưu tiên bồi dưỡng giáo viên dạy các môn mới để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách chủ động và hiệu quả nhất trong bối cảnh mới sau dịch bệnh.