Hạnh phúc nhân đôi

GD&TĐ - Không gian phòng khách của gia đình vợ chồng nhà giáo Phan Thanh Thuận và cô giáo Bùi Thị Thư (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) phần lớn dùng để các dụng cụ trực quan, các mô hình toán học do chính họ tự làm để phục vụ cho việc giảng dạy. 

Hạnh phúc nhân đôi

Họ không chỉ luôn có nhau trong cuộc sống thường nhật để vun vén một gia đình hạnh phúc, mà còn tương hỗ cho nhau trong mỗi bài soạn giáo án, chia sẻ với nhau trong các tình huống hỗ trợ học trò… Trao yêu thương nhận lại ngọt ngào

Cùng tốt nghiệp Sư phạm Toán khóa 1982-1986 của Trường ĐHSP Huế, cô giáo sinh người Đà Nẵng Bùi Thị Thư và thầy Phan Thanh Thuận cùng có quyết định về giảng dạy tại trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Cho đến lúc này, đôi bạn cùng chung giảng đường, chung lớp, chung bàn suốt 4 năm đại học mới bắt đầu thấy cảm mến nhau và nên duyên vợ chồng một năm sau đó.

Sau 8 năm gắn bó với mái trường THPT Lê Hồng Phong, năm 1994, thầy Thuận xin chuyển công tác về Đà Nẵng, một năm sau đó, cô Thư cũng chuyển về giảng dạy ở Trung tâm GDTX tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay TTGDTX số 1, TP.Đà Nẵng).

Chuyển từ môi trường giáo dục phổ thông sang dạy ở trung tâm giáo dục thường xuyên, cô Thư kể, những ngày đầu, không tránh khỏi bỡ ngỡ. “Nói thật là vẫn có sự chênh lệch về mặt bằng kiến thức giữa học sinh hệ phổ thông so với hệ GDTX. Rồi học trò cũng có nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, hoàn cảnh xuất thân khác nhau.

Ngay cả việc xưng hô hàng ngày mình cũng phải cẩn trọng vì có nhiều trường học, trò còn lớn tuổi hơn cả cô giáo”. Nhưng rồi với tình yêu và trách nhiệm với nghề, cô Thư nhanh chóng gạt đi cảm giác hụt hẫng ban đầu, tiếp xúc, trò chuyện nhiều hơn với học trò để tìm hiểu hoàn cảnh của từng em… “Cứ thế, niềm yêu thương và sự gắn bó với nghề cứ đầy lên theo từng năm tháng” – cô Thư chia sẻ. 31 năm theo nghề sư phạm, có đến 22 năm cô Thư gắn bó với môi trường GDTX, một sự gắn bó kiên trì mà không có tình yêu nghề, yêu người thì không dễ gì bám trụ được.

“Vào dạy rồi mới biết, không như sự phiến diện đâu đó khi nhìn về GDTX, nhiều em có nỗ lực học tập rất tốt, có em mồ côi cha mẹ hoặc gia cảnh nghèo phải lặn lội từ những miền quê xa xôi như Hải Phòng, Kon Tum, Quảng Nam… đến Đà Nẵng đi ở giúp việc nhưng vẫn theo đuổi việc học” - cô Thư tâm sự.

Theo thầy Đinh Lương Y – Phó Giám đốc TT GDTX số 1, “Cô Bùi Thị Thư luôn được lãnh đạo trung tâm tín nhiệm, phân công chủ nhiệm những lớp có nhiều học sinh chưa ngoan. Không hiểu cô có bí quyết gì mà hầu hết những em học sinh cá biệt do cô Thư chủ nhiệm một thời gian sau đều trở thành những học trò tốt, sau này đều có nghề nghiệp ổn định”.

Nắm hoàn cảnh cụ thể của từng học sinh, cũng hiểu rõ tính tình của các em, nên cô Thư trở thành chỗ dựa tinh thần của rất nhiều thế hệ học sinh. Với học trò khó khăn, có ý định bỏ học, cô kịp thời chia sẻ, động viên. Với những học trò bướng, cô tìm cách tiếp cận, gặp riêng từng em để khuyên nhủ.

Cũng không ít lần, cô Thư phải tìm đến nhà thuyết phục phụ huynh đồng ý cho con em họ tham gia bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi. Cô luôn là người cương nhu đúng lúc để uốn nắn. “Hình phạt chỉ là giải pháp bất đắc dĩ. Với tình huống nào khó quá, mình trao đổi với chồng để tìm thêm giải pháp…

Nhờ đó bao nhiêu năm làm chủ nhiệm, đều không xảy ra những tình huống khó xử nào”, cô Thư cho biết. Từ tình yêu thương của cô, nhiều mảnh đời trong ngôi nhà GDTX số 1 đã tìm thấy hướng đi, nhiều người lại trở thành giáo viên, hiệu trưởng mầm non, giảng viên trường ĐH Địa chất...

Dạy học bằng trực quan

Xác định sẽ phải nỗ lực hơn nhiều trong giảng dạy để thu hẹp khoảng cách giữa hệ THPT và hệ bổ túc, để giúp HS hiểu rõ và ghi nhớ những công thức toán học, hình học khô khan, hầu hết các bài giảng của cô Bùi Thị Thư đều sử dụng đồ dùng dạy học do vợ chồng cô tự làm để minh họa cho phần lý thuyết, giúp học trò dễ hình dung và dễ dàng thực hiện các bước giải bài tập. Một bí quyết nữa trong giảng dạy của cô Thư là hầu hết các bài giảng trong chương trình đều được cô quy về phương pháp thông qua các bước giải.

“Để cho học sinh nhuần nhuyễn, mình gọi các em lên bảng “ráp” từng bước một. Việc cho HS làm thật nhiều bài tập tại lớp theo các dạng bài cũng sẽ giúp các em khắc ghi kiến thức đã được học. Hầu hết các em sau buổi học ở lớp trở về rất ít có thời gian đi học thêm hoặc luyện tập ở nhà nên tăng thời gian luyện tập tại lớp cho HS sẽ nâng cao hiệu quả giờ dạy”. Cô Thư cũng chia sẻ, với học sinh hệ GDTX, không nên bắt các em học thuộc lòng theo kiểu học vẹt mà chỉ cần các em hiểu, trình bày và so sánh được các nội dung đã học.

Trong quá trình giảng bài, cô Thư cho biết, mình luôn hướng xuống lớp để quan sát để nắm được học sinh có hiểu bài hay không bởi “cho dù vẫn chăm chú nghe cô giảng bài nhưng ánh mắt của một HS bắt kịp bài giảng sẽ khác với một HS chưa hiểu bài. Quan sát tốt lớp học sẽ giúp giáo viên điều chỉnh được tốc độ bài giảng, giúp HS không bị “lướt trôi” kiến thức”.

Cô Bùi Thị Thư không giấu được niềm hạnh phúc: “Vợ chồng mình cùng là giáo viên, lại cùng dạy bộ môn Toán nên hai vợ chồng thường trao đổi về chuyên môn để bổ sung cho nhau, hoàn thiện hơn về phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh”.

Với những phương pháp dạy học sáng tạo đó, dù công tác ở địa bàn vùng ven và học sinh GDTX nhưng học trò của cô Thư, thầy Thuận luôn đạt được những thành tích tốt. Cả hai vợ chồng đều được nhà trường và các cấp khen về thành tích dạy học, có nhiều đóng góp trong sáng tạo dạy học…

Tháng 11/2017, cô giáo Bùi Thị Thư – GV môn Toán, Trung tâm GDTX số 1, TP Đà Nẵng được tôn vinh tại giải thưởng Võ Trường Toản mở rộng tại Đà Nẵng, giải thưởng nhằm ghi nhận cống hiến của các nhà giáo do Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức. Niềm vui đối với cô Thư càng nhân đôi khi trước đó, năm 2016, chồng cô, thầy giáo Phan Thanh Thuận – Tổ trưởng Tổ Toán – Tin, Trường THPT Tôn Thất Tùng (Q.Sơn Trà) cũng được vinh danh trong giải thưởng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...