Vào dạy lớp tôi, cô vừa là cô giáo cũng vừa là một người bạn thân thiết. Vì vậy khi biết tôi buồn, mặc cảm vì nhà nghèo quá nên phải bỏ học đi làm kiếm tiền, 17 tuổi mà mới học có lớp 6, cô cười và an ủi rằng: “Có sao đâu em, cô đây, 21 tuổi cũng mới học cao đẳng à, chả vấn đề gì cả, em không việc gì phải buồn, mà hãy cố gắng nỗ lực hơn nữa nhé, biết đâu sau này em lại thành công thì sao”.
Nghe cô nói tôi cũng ấm lòng và lại tiếp tục phấn đấu. Cô thương và quan tâm tôi nhiều hơn, thỉnh thoảng lại tặng tôi cái này cái kia. Mấy năm nghỉ học đi làm tôi chỉ được trả vẻn vẹn 6 triệu bạc, nên dù cố gắng tằn tiện lắm tôi cũng chỉ đủ chi tiêu ăn học được một năm trời mà chẳng còn lại bao nhiêu.
Suy tính vò đầu bứt tai, tôi quyết định chuyển lên thành phố, xin đi làm giúp việc cho nhà người ta để có điều kiện theo học tiếp. Nhưng vì xấu hổ nên tôi giấu cô, tôi ngại sợ cô biết tôi đi làm giúp việc, sợ cô buồn, sợ cô thương hại. Thỉnh thoảng tôi vẫn về thăm cô nhưng tôi bảo tôi được người quen trên phố giúp nuôi cho ăn học, sống sướng lắm cô không phải lo gì cả. Cô bảo khi biết hoàn cảnh của tôi cô đã hỏi ý kiến của cả gia đình là định hết năm thì đón tôi về ở với cô chú để đi học, cả nhà đều đồng ý.
Nhưng tôi lên phố được người quen nuôi rồi thì thôi cô cũng mừng cho tôi. Và năm học nào cũng vậy, cô đều mua cho tôi một bộ sách vở mới. Tôi rất ngại nhưng cô bảo tôi cứ học đi rồi để lại cho con trai cô – người học sau tôi 1 lớp, học lại không vấn đề gì hết. Thế là năm nào cũng vậy, tôi cứ gói ghém sách cũ cho con cô học lại và nhận một bộ sách mới từ cô.
Gần 15 năm trời đằng đẵng, tôi chuyển hết nhà này, lại làm cho nhà kia khắp nơi ở thành phố Buôn Ma Thuột trong muôn vàn cay đắng, tủi hờn, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, nhưng quyết không bao giờ để cô biết được. Thế rồi khi tôi vào đại học, cô chuyển lên phố ở, cô chứng kiến hết tất cả mọi nỗi đau mà tôi phải chịu đựng. Những năm tháng đó, tôi không chỉ đi làm để nuôi thân ăn học mà còn phải gồng gánh, chạy chữa bệnh tật cho mẹ tôi. Thấy tôi cơ cực cô muốn dang tay giúp đỡ, nhưng tôi xin nhận tình cảm của cô, còn vật chất tôi sẽ cố gắng tự lo liệu vì tôi thấy cô cũng quá vất vả rồi. Ngoài đi dạy ra cô còn phải làm đủ thứ việc khác nhau để vun vén cho cuộc sống gia đình. Cô cho tôi một chỗ dựa tinh thần vững chắc đã là điều may mắn cho tôi lắm rồi.
Cô trò chúng tôi gặp nhau với những bữa cơm đạm bạc, đơn giản - cá kho, rau luộc mà vẫn thấy tình cảm, ấm áp đến nao lòng. Nhìn cách cô hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương và đùm bọc các em, các cháu mà tôi thật sự ngưỡng mộ. Chỉ cần có cháu nào muốn học thêm là cô sẵn sàng bỏ thời gian công sức ra để dạy hết năm này, đến năm khác mà không bao giờ tính toán công lao. Cô cho thuê mặt bằng kinh doanh, ký hợp đồng 60 triệu một năm, bên nào phá luật thì bị mất số tiền ấy. Nhưng khi người ta làm ăn thua lỗ, cô thấy thương nên đã giấu gia đình trả lại hết tiền cho họ và tìm cách làm thêm để bù vào. Cô mở lớp dạy thêm, nhưng năm nào cũng vậy lấy giá thật rẻ cho học trò mình. Thế nhưng cứ thỉnh thoảng tôi lại thấy cô chuẩn bị nhiều món ăn để mang đi. Tôi thắc mắc thì cô bảo: “Cô muốn làm những món ngon để đãi các cháu cho vui”. Tôi nói thế thì cô còn lời lãi gì nữa nhưng cô lại bảo kệ, miễn sao cô trò đều vui và tình nghĩa là được, đáng bao nhiêu đâu em.
Cô hay tâm sự với tôi là khao khát làm giàu và phải thành công ở một lĩnh vực nào đấy nên quyết định mở quán chè. Công việc làm nhiều không kể xiết, cô bơ phờ, mệt mỏi, rệu rã hằn trên gương mặt khắc khổ, vậy nhưng cô vẫn dịu dàng, ân cần và luôn vui vẻ với tất cả mọi người.
Thấy cô quá khó nhọc bố mẹ, em út cùng với các cháu chắt, từ lớn đến nhỏ hết lòng phụ giúp cho cô. Đêm nào nhà cô cũng rộn rã tiếng nói, tiếng cười của cả đại gia đình. Người thì nấu món này, người nấu món kia, người lau chùi, dọn rửa… nhiều hôm tôi đùa với cô rằng: “Chu cha ơi nhà cô đúng là sướng nhỉ, một người làm quan cả họ được nhờ”. Cô và cả nhà lại được phen cười rôm rả dù vất vả vô cùng. Quán chè của cô cũng rất đông khách. Học sinh, rồi các thầy, các cô ở trường ai cũng nhiệt tình ủng hộ. Cô vừa bán, vừa thêm, lại vừa bớt, ai cũng cô ơi, cô hỡi - thật tình cảm biết bao.
Có lần tôi thấy cô hỏi đứa cháu gái rằng: “Hôm qua O gửi tiền, con đi học về có nhận được không?”. Tôi hỏi cô tiền gì mà cô gửi cho nó vậy? Cô bảo thỉnh thoảng lại phát tiền ăn quà cho các cháu phấn khởi. Tôi hỏi cô cho bao nhiêu vậy? Cô phát hết cả đàn cháu luôn đấy à. Cô bảo ừ, mỗi cháu 50.000 đồng thôi. Nhiều thế cô, trời ơi thế thì còn thiếu cháu nữa đó nha cô. Tôi vừa cười, vừa nói với cô vậy mà lòng thương cô quá. Đấy cô giáo tôi đấy ạ, không biết là người trần hay là cô tiên.
Biết bao nhiêu sự nhân từ, đức độ về cô mà tôi không thể nào kể xiết được. Tôi hay than phiền là chiếc xe của cô chán quá, hỏng suốt thôi. Nhưng nói hoài cũng chả thấy cô đả động gì nên tôi thôi. Thế rồi nhiều hôm cô bị trễ việc cũng là tại chiếc xe, tôi bực quá hỏi cô là cô làm nhiều thế để làm gì, thu nhập một tháng cũng mua được cả chiếc xe, mà sao 20 năm rồi cô cứ mãi giữ cái xe cà tàng này vậy. Lúc đó cô mới nói là cô cũng thích có cái xe giống tôi để đi. Nhưng giờ bố mẹ, em út đang còn khổ quá, cô chưa thể hưởng cho mình được, thôi thì cứ đi tạm.
Từ đó tôi không bao giờ càm ràm về chiếc xe nữa dù đôi lúc tôi vẫn thấy cô hì hục đẩy đi sửa. Khi tôi đổi xe mới, nhìn chiếc xe cũ của mình tôi nghĩ ngay đến cô. Tôi hí hửng lắm, tôi gọi khoe cô ngay là tôi mua xe mới rồi, tôi cho cô chiếc xe của tôi nha. Tôi tưởng đâu cô sẽ rất vui, nào ngờ cô từ chối, không nhận. Cô bảo tôi là có thể bán đi lấy ít tiền mà lo cho con, còn không hãy tặng lại cho người thân mà đang còn khó khăn ấy. Chứ nhất định cô sẽ không lấy, dù tôi có năn nỉ cỡ nào đi chăng nữa.
Tôi thương cô biết nhường nào, một con người cả đời lam lũ, khó nhọc, nhưng tấm lòng quá đỗi bao la, sống là cho đi chứ không chỉ nhận riêng mình. Vậy nên với tôi, cô là động lực, là kim chỉ nam cho mọi hành động. Cầu chúc cô mạnh khỏe, hạnh phúc và mãi mãi là ngọn đuốc sáng của tất cả mọi thế hệ học sinh, là tấm gương rộng lớn của cả cuộc đời tôi.