Tôi luôn bị các các trong lớp trêu đùa và giễu cợt “Ê con hoang”, “Thằng không có bố” . Tôi tức lắm, nỗi tức giận của tôi dồn vào những nắm đấm. Tôi muốn đấm vỡ mặt những đứa thường ngày lè lưỡi, chu môi giễu cợt tôi. Và kết quả là tôi luôn bị các cô phạt đứng cuối lớp. Chắc các cô cũng chẳng ưa gì đứa trẻ không có bố lại ương ngạnh như tôi. Những năm học tiểu học mẹ tôi liên tục được mời tới trường vì tội tôi đánh bạn. Về nhà có đôi lần tôi hỏi mẹ: “Bố con là ai? Tại sao con không có bố?”. Mẹ tôi chỉ khóc và không nói gì cả. Những lúc đó tôi giận mẹ cũng chẳng buồn hỏi thêm gì nữa.
Cho tới năm đầu tiên tôi lên bậc THCS, tôi được xếp vào lớp 6A2. Hầu hết là các bạn mới lạ hoắc chẳng có bạn nào quen từ thời mẫu giáo hay tiểu học nên tôi có phần an tâm không bị các bạn trêu ghẹo như xưa. Cô Tâm là cô giáo chủ nhiệm lớp tôi. Cô dạy môn Văn. Giọng cô trầm ấm lắm nên các bạn rất thích học môn của cô. Đặc biệt cô luôn động viên, khuyến khích chúng tôi học đi đôi với hành và phải sáng tạo trong suy nghĩ và việc làm.
Cô rèn chúng tôi từ lời ăn tiếng nói đến chữ viết. Cô thường bảo: “Nét chữ nết người nên các con cần chú ý nhé!”. Rồi cô phát động các phong trào thi đua trong lớp để lớp luôn đạt thành tích cao trong học tập và trong các phong trào thi đua của trường.
Trong giờ dạy cô khuyến khích chúng tôi nêu chính kiến riêng của mình dù đúng, dù sai để cô biết còn kịp thời uốn nắn. Nói thế thôi chứ cô rất tôn trọng ý kiến của các bạn trong lớp. Học cô tôi thấy tự tin lên hẳn. Tôi còn nhớ trong một giờ ngoại khoá tập làm thơ 5 chữ. Khi cô hỏi bạn nào đã làm xong những câu thơ đầu tiên đọc cho cả lớp nghe nào tôi liền giơ tay luôn. Tôi dõng dạc đọc to:
“Cô giáo em tên Tâm
Cô hiền như cô Tấm
Giọng cô rất trầm ấm
Em rất yêu cô Tâm”
Cô cười hiền từ lắm còn các bạn trong lớp nhao nhao. Bạn thì nói: “Sao tất cả các tiếng cuối đều vần âm vậy?” Rồi thì: “Chẳng biết nối vần gì cả” lại còn nói “Chỉ được cái nịnh cô”...
Thằng Thắng ngồi sau tôi thì nói rõ to “Chắc câu tiếp theo mày sẽ làm là: Cô giáo em rất hâm”. Cả bọn cười đắc thắng. Tôi đỏ mặt chống chế “Vậy đứa nào giỏi làm đọc coi. Chỉ được cái to mồm” . Thằng Thắng tức ra mặt chỉ vào tôi và đọc:
“Mày chỉ là thằng hâm
Thật tình không có tâm
Lại chẳng viết có tầm
Không bố thì nên câm”
Cả bọn nhìn tôi “Ê ê... Hoá ra là con hoang không có bố mà cũng đòi ...”. Tôi thấy xấu hổ nhục nhã ê chề trước đám bạn và nỗi tức giận trào dâng. Tôi quay xuống đánh lại Thắng. Tôi muốn đập tan cái bộ mặt đắc thắng của nó. Cô Tâm lao xuống can ngăn mãi mới tách tôi ra được. Cô quát to: Tuấn sao em lại làm thế với bạn?
Tôi nhìn cô giận dữ rồi lao ra khỏi lớp. Cô chạy đuổi theo nhưng không kịp. Tôi về nhà nằm vật ra giường suy nghĩ. Mẹ tôi hỏi thế nào tôi cũng không nói. Một lát sau cô tới nhà tôi. Tôi thấy mẹ đang nói chuyện với cô ngoài hiên. Tôi thấy mẹ khóc nấc lên và kể với cô chuyện tôi thường bị bạn bè trêu ghẹo vì không có bố.
Giọng mẹ buồn có chút gì đó cay đắng: “Ở đây bọn trẻ con tệ lắm cô ăn. Chúng cứ nhè vào nỗi đau của người khác mà giễu cợt kể cả bố mẹ chúng nó đôi khi cũng còn khoáy khoắc nữa cơ...”. Tôi thấy mẹ và cô nói nhiều lắm nhưng tôi thực sự há hốc mồm vì ngạc nhiên khi nghe chính từ miệng cô nói với mẹ tôi: “Em cũng là một đứa con không có bố chị ạ! Từ bé tới giờ em cũng chưa từng biết bố em là ai nên em hiểu những gì Tuấn suy nghĩ và trải qua...”.
Ôi thì ra cô cũng có hoàn cảnh giống mình vậy mà cô đã cố gắng trưởng thành và trở thành một cô giáo giỏi như ngày hôm nay.
Hôm sau, tôi tới lớp không thấy còn mặc cảm nữa mà thấy tự tin hơn. Bọn bạn chỉ nhìn tôi không nói năng gì cả. Cuối buổi có giờ sinh hoạt lớp. Cô Tâm bước vào. Hôm nay trông cô thật đẹp trong chiếc áo cánh màu tím nhạt với quần kaki sẫm màu. Mái tóc cô đen óng ả hơn mọi ngày và nụ cười của cô mới rạng rỡ làm sao! Cô bắt đầu cất giọng trầm ấm: “Các em ạ! Hôm nay cô muốn kể cho các em một câu chuyện cô đọc trên báo. Trong đêm giá lạnh, một một đứa trẻ con một tháng tuổi bị bỏ rơi tại một ngõ hẻm ở Argentina. Lý do chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, chú chó hoang tên Way đã đến cứu và giữ ấm cho đứa bé yếu đuối.
Way là mẹ của nhiều chú chó con. Và với bản năng của người mẹ, Way đã cứu em bé giữa đêm và bảo vệ bằng cách ủ ấm trong ổ chẳng khác gì con người. Sự việc chỉ được phát hiện khi cư dân gần nơi chú chó hoang Way sống nghe tiếng khóc của đứa trẻ vào sáng hôm sau. Khi đến nơi, cô thấy bàn tay một đứa trẻ thò ra từ bên dưới những con chó con đáng yêu. Cô lập tức mang đứa trẻ đến bệnh viện gần nhất.
Ở đây, bé được đội ngũ y tế chăm sóc cẩn thận. Các bác sĩ nhận định nếu chậm thêm thời gian ngắn nữa đứa trẻ có thể lìa đời vì nhiệt độ về đêm ngày càng xuống thấp.
Đấy các em thấy không, con chó mẹ chỉ là một loài vật mà còn biết xót thương, bằng linh cảm của người mẹ nó đã cứu em bé thoát chết. Còn con người chúng ta thì sao? Có ai đó đã nói rằng khi đặt ngược trái tim thì trái tim sẽ có hình ngọn lửa. Đó là ngọn lửa yêu thương, đồng cảm, sẻ chia.
Trong các em đây có rất nhiều bạn có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc vì có cả bố lẫn mẹ nhưng cũng có những bạn chịu thiệt thòi chỉ có mẹ hoặc chỉ có bố. Bạn ấy chẳng có lỗi gì cả. Cô cũng là một đứa con không có bố. Từ khi sinh ra cô cũng không biết bố cô là ai và cũng chưa từng được gọi một tiếng bố.
Cô không oán giận bố cô hay mẹ cô. Cô nghĩ vì một lí do nào đó mà bố cô không đến được với cô chắc ông cũng khổ tâm lắm. Còn mẹ cô luôn yêu thương cô bằng tình yêu của cả bố lẫn mẹ. Mẹ vừa là mẹ vừa là bố nên cô rất tự hào về mẹ cô. Cô luôn cố gắng hết mình để xứng với tình cảm mẹ cô dành cho cô.
Các em ạ, cô tha thiết mong rằng các em sẽ là những con người luôn có trái tim ấm nóng yêu thương, đồng cảm, sẻ chia các em nhé!”.
Cả lớp lặng im lắng nghe từng lời cô nói. Riêng đối với tôi, đó là giờ sinh hoạt lớp đáng nhớ nhất trong quãng đời học sinh của mình. Đó chính là lời động viên, khuyến khích, là bài học làm người mà tôi không thể nào quên…
Thời gian thấm thoắt đưa thoi. Chúng tôi lớn lên như bầy chim bay mỗi người một ngả nhưng mỗi khi nhớ về mái trường THCS trong kí ức của tôi lại vang lên giọng nói trầm ấm của cô Tâm - cô giáo không có bố giống như tôi: “Hãy viết những nỗi buồn của bạn lên cát và quên chúng đi. Nhưng hãy khắc những điều tốt đẹp bạn nhận được lên đá, để ghi nhớ chúng”.